MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện bao cấp cho người giàu, nỗi trăn trở của Bộ trưởng “đi trên dây”

Thay vì hình thức thu phí và hỗ trợ cấp phát như trước đây, hai lĩnh vực y tế và giáo dục sẽ dần được chuyển đổi sang phương thức cơ chế giá. Tuy nhiên, một tin vui là đối tượng người yếu thế, người có công sẽ được hỗ trợ nhiều hơn.

Các dịch vụ công đang đi theo lộ trình đóng phí, nhưng kiểu đóng phí như hiện nay chưa phản ánh đầy đủ chi phí bỏ ra và đang bao cấp cho nhà giàu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - người tự nhận rằng chuyện điều hành ngân sách như đang "đi trên dây" đã phải thốt lên như vậy khi nói về cơ chế quản lý dịch vụ công hiện nay không những đang bộc lộ nhiều bất cập mà còn tạo áp lực lên ngân sách nhà nước.

Nghị định số 16 quy định các nguyên tắc, cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực công như y tế, giáo dịch, văn hóa, khoa học công nghệ… chính thức có hiệu lực từ ngày 6/4/2015 đã đặt ra vấn đề tự chủ trong tài chính.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì yêu cầu đóng phí để các đơn vị sự nghiệp công tự chủ hoặc tự chủ một phần theo Nghị định 16, vẫn chưa đáp ứng được chi phí bỏ ra.

“Vừa qua ta đi theo lộ trình dịch vụ công đóng phí, đặc biệt là hai lĩnh vực giáo dục và y tế. Nhưng đóng phí như vừa qua là chưa đủ chi phí bỏ ra, hay nói cách khác là rất thấp, vô hình chung chính sách của Việt Nam đang bao cấp cho người giàu” – Bộ trưởng thẳng thắn chỉ ra.

Trong khi chính sách quản lý đối với các dịch công thì đang bao cấp cho người giàu, chính sách an sinh lại chưa tốt, nên cả người giàu và người nghèo đều cùng phải đóng mức phí dịch vụ như nhau, mà lẽ ra chính sách chỉ nên tập trung hỗ trợ cho người yếu thế.

Bộ trưởng khẳng định: “Đúng ra người giàu phải thu đúng thu đủ, người nghèo cũng phải thu đúng thu đủ, nhưng được Nhà nước hỗ trợ về chính sách giáo dục và bảo hiểm y tế”.

Theo đánh giá của bà Vũ Hoàng Quyên, chuyên gia cấp cao của Ngân hàng Thế giới, mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong quản lý dịch vụ công, song vẫn còn nhiều yêu cầu đặt ra để nâng cao hiệu suất chi tiêu.

Do đó, bà Quyên cho rằng cần phải tiếp tục nghiên cứu cơ chế phân chia nguồn thu để đảm bảo tính công bằng. Đặc biệt, cân nhắc khả năng áp dụng một cách thận trọng trong việc tăng tự chủ về nguồn thu tại một số cơ quan, địa phương.

Vvới cam kết đẩy nhanh lộ trình và thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội trong và ngoài nước, phát triển khối dịch vụ công, Bộ trưởng cho biết vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật phí và lệ phí, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017.

Với quy định tại Luật này, chính sách thu phí đối với các dịch vụ sẽ được đổi mới chuyển sang phương thức giá. Đồng thời, chuyển đổi phương thức quản lý ngân sách cho hai lĩnh vực giáo dục và y tế .

“Phương thức trước đây là cấp phát thì nay chuyển đổi không cấp phát cho y tế, giáo dục nữa mà chuyển sang hỗ trợ thêm cho hộ nghèo, hộ vùng sâu vùng xa, người có hoàn cảnh khó khăn, người có công….” – Bộ trưởng cho biết.

Vị Bộ trưởng quản lý và điều hành chi tiêu ngân sách cũng thông tin thêm rằng đối với hai lĩnh vực y tế và giáo dục, sẽ chuyển đổi phương thức quản lý, với tinh thần tổng chi ngân sách cho hai lĩnh vực này đảm bảo tỷ trọng không thấp hơn trước, nhưng không để tăng lên mà chuyển sang đối tượng yếu thế nhiều hơn.

“Nếu làm được như thế thì ta không bao cấp cho người giàu nữa mà thu hút nguồn lực xã hội. Còn nhiều vấn đề phải lo về chất lượng, thì phải giải quyết đồng bộ các chính sách” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên