Chuyên gia Deloitte giải thích chuyện "chuyển giá" của doanh nghiệp FDI là hợp pháp ra sao?
Dù là hoạt động bình thường trong kinh doanh, nhưng chuyển giá tại Việt Nam thường được biết đến với những ý nghĩa tiêu cực, mang hàm nghĩa trốn thuế. Việc này đặc biệt được quan tâm, nhất là sau khi thu hút FDI đã sang một trang mới.
Chuyển giá là một hoạt động bình thường
Phát biểu tại Hội thảo "Ưu đãi đầu tư, giao dịch liên kết: Thực trạng và giải pháp" ngày 10/7, ông Thomas McClelland, TGĐ Công ty TNHH Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam, nhận định việc chuyển giá là hoạt động không thể tránh khỏi trong kinh doanh. Theo cách diễn giải của ông, chuyển giá thậm chí còn được xem là một nghệ thuật.
Dù vậy, "chuyển giá" trong ngôn ngữ của Việt Nam đang phần nhiều mang ý nghĩa tiêu cực, mà thường gợi nhắc đến việc trốn thuế, cần ngăn chặn.
Qua kinh nghiệm tại Việt Nam, đại diện Deloitte bày tỏ rằng không nghĩ có tập đoàn đa quốc gia nào cố ý để dịch chuyển lợi nhuận của Việt Nam ra nước ngoài. Các doanh nghiệp thay vào đó thường gặp một số khó khăn vì hướng dẫn của cơ quan thuế không rõ ràng.
Phân tích về việc chuyển giá, ông McClelland nói rằng hoạt động này liên quan đến giá các giao dịch giữa các công ty thuộc cùng tập đoàn nhưng thường ở các khu vực địa lý khác nhau trên thế giới dẫn đến nhu cầu đồng nhất các quy định về giá chuyển nhượng trên toàn cầu.
Hiện các nước OECD đã xây dựng chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận "BEPS" và các quy định này đã được Việt Nam đưa vào trong Nghị định 20, từ tháng 5/2017.
Đa phần Nghị định 20 đã nhất quán với khuyến nghị trong BEPS của OECD, theo ông McClelland. Tuy nhiên, một số điểm vẫn còn nhiều khác biệt, khiến người nộp thuế cũng như các bên tư vấn thuế còn quan ngại.
Bên cạnh đó, ông McClelland cho biết nói đến chuyển giá không chỉ nói về tỷ suất lợi nhuận và phân tích so sánh mà còn phải xem xét đến thực tế kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, các cơ quan thuế cần hiểu rõ về thực tế kinh doanh của doanh nghiệp và có những hành động tương ứng.
Ông nói rằng cần chú trọng đảm bảo việc tuân thủ của doanh nghiệp thay vì lựa chọn một số doanh nghiệp nhất định để thực hiện việc thanh tra, kiểm tra. Ngoài ra, cần sử dụng một phương pháp xác định giá thị trường và việc điều chỉnh sau đó dựa trên một cơ sở dữ liệu bí mật nên được thay đổi. "Các doanh nghiệp đã tuân thủ đầy đủ các quy định nên được có cơ hội giải trình", ông nói.
Doanh nghiệp kêu lỗ nhưng vẫn mở rộng kinh doanh?
TS. Nguyễn Minh Phong, dù chia sẻ với ông Thomas McClelland khi nói rằng chuyển giá cũng có loại hợp pháp nhưng ông đặc biệt nhấn mạnh đến hình thức chuyển giá để trốn thuế. Ông gọi đó là hành động bất hợp pháp và vô đạo đức.
"Mặc dù bản chất doanh nghiệp là tìm kiếm lợi nhuận nhưng nếu nếu coi việc chuyển giá là hình thức trốn thuế một cách cố tình thì cần lên án", ông Phong nhấn mạnh.
Phân tích của ông chỉ ra trong thời gian qua, các doanh nghiệp FDI đang bộc lộ một số điểm đáng lưu ý. Ví dụ như tỷ lệ ấn tượng là trung bình từ 50 – 60% doanh nghiệp báo lỗ. Trong đó, phải kể đến 1/3 doanh nghiệp FDI không nộp đủ thông tin để phân tích tình hình làm ăn.
"Quản lý tài chính của mình như thế nào, chả nhẽ họ không nộp thì mình chịu", ông Phong đặt câu hỏi.
Bên cạnh đó, do doanh nghiệp FDI báo lỗ, ngân sách vì thế mất đi nguồn thu nên "đành" tăng thu vào dân, theo ông Phong. Như vậy, ông đánh giá rằng ngành Thuế phải chăng đang chọn chỗ dễ để làm, chỗ khó chuyển giá trong doanh nghiệp thì lại tránh.
Điều đáng ngạc nhiên là, dù doanh nghiệp FDI báo lỗ nhưng tốc độ đầu tư lại nhanh, mà như vị chuyên gia này bày tỏ "phải chăng đấy là sự cười nhạo thách thức của FDI với ngàn thuế?".
Hay một điểm khác là tốc độ tăng doanh thu của doanh nghiệp FDI đang lớn hơn rất nhiều tốc độ tăng vốn sở hữu. Điều này được nhìn nhận là có dòng chảy ngược của lợi nhuận – tức lợi nhuận từ Việt Nam đã chảy về nước sở tại.
Bình luận thêm về hoạt động chuyển giá, bà Nguyễn Vân Chi, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách đồng tình với đại diện Deloitte khi cho rằng đây là hiện tượng tự nhiên, xảy ra ở cả các công ty đa quốc gia khi vào Việt Nam cũng như cả các tổng công ty trong nước.
Tuy nhiên, bà cho rằng cần phải làm rõ những hoạt động chuyển giá như thế nào là đúng quy định, như nào là chuyển giá nhằm chuyển lợi nhuận về nơi có chế độ thuế thấp hơn để lợi dụng tránh thuế.
Bên cạnh đó, bà cho biết Chính phủ đã có nhiều hành động để quản lý vấn đề này mà cụ thể là Nghị quyết 20, đạt được nhiều hiệu quả. Dù vậy, bà Chi nói rằng vẫn cần cân nhắc để làm cho Nghị quyết này tiến đến sát hơn với những quy định của OECD.
Để chống hình thức chuyển giá dẫn đến trốn thuế, TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh cần coi chuyển giá là ưu tiên số 1 của ngành Thuế, tập trung đầu tư vào đây như một ngành kinh doanh có lợi.
Theo ông, cần đổi mới chính sách thuế theo hướng giảm bớt đi sự đơn giản, tràn lan, cảm tính và nhiều kẽ hở thậm chí có lợi ích nhóm chuyển sang hướng thông minh hơn, hiệu quả hài hoà hơn.