MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện “mạnh ai nấy làm” ở miền Trung và lời nhắn gửi của Phó Thủ tướng: Mong câu nói đó sớm là hoài niệm!

Câu nói ấn tượng nhất tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung 2017 thuộc về TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Bởi ông đã hài hước khi cho rằng rằng: Ừ thì miền Trung nhiều thế mạnh thật, nhưng mạnh nhất là … mạnh ai người nấy làm!

“Nơi cuộc đua xuống đáy”

Sáng 25/9, tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng nhiều lãnh đạo Bộ, Tỉnh uỷ, UBND các tỉnh duyên hải miền Trung, chuyên gia kinh tế và gần 500 doanh nghiệp tham dự Diễn đàn kinh tế miền Trung (CREF) năm 2017.

Diễn đàn CREF là cơ hội để các bên ngồi lại với nhau nhằm giải một bài toán từ bấy đến nay vẫn chưa có lời giải: xung đột lợi ích giữa các tỉnh.

Các tỉnh miền Trung, như nhận xét thẳng của Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao là chủ yếu phát triển dựa trên tiềm năng mà những tiềm năng này lại khá tương đồng với nhau. Điều này dẫn đến cơ cấu ngành, sản phẩm của các địa phương trong vùng bị trùng lặp, cái thì thiếu, cái thì thừa.


Ảnh: Việt Tuấn - Đồ hoạ: Hương Xuân

Ảnh: Việt Tuấn - Đồ hoạ: Hương Xuân

Hầu hết các khu kinh tế đều rất giống nhau đã tạo ra những cuộc đua xuống đáy khốc liệt nhất, TS. Huỳnh Thế Du (ĐH Fulbright) bình luận.

Như ông Du phân tích, ở góc độ địa phương, nếu nhìn những gì của Quảng Nam, Quảng Ngãi đang có hôm nay là cả một sự cám dỗ khi chỉ với một dự án, hay doanh nghiệp lớn đầu tư vào, mọi chuyện có thể thay đổi, nhất là về khía cạnh ngân sách.

Như thế, với tiềm năng tương đối giống, các địa phương sẽ tìm nhiều cách khác nhau để có được những công trình như vậy. Những điều này về sau tạo ra hiện trạng đầu tư với mô hình “quả mít”, nơi nào cũng giống nơi nào, không mũi nhọn, trọng tâm.


Ảnh: Việt Tuấn - Đồ hoạ: Hương Xuân

Ảnh: Việt Tuấn - Đồ hoạ: Hương Xuân

Giải quyết vấn đề này, như trọng tâm được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại Diễn đàn là cần phải tăng cường liên kết giữa các địa phương, các vùng để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tạo không gian phát triển thống nhất, khắc phục tình trạng đầu tư trùng lặp, kém hiệu quả.

Chính phủ, trên thực tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và trực tiếp làm việc với các vùng, các địa phương về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước, hình thành và phát triển các mô hình hợp tác liên kết vùng hiệu quả, bền vững.

“Không thể phát triển kinh tế mà không gian kinh tế bị chia cắt như chúng ta”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Động lực liên kết, theo Phó Thủ tướng trước tiên là lợi ích về kinh tế, mà ở đó lợi thế so sánh của từng địa phương phải được tôn trọng và phát huy, không chỉ vì bản thân tỉnh đó mà vì lợi ích chung cả vùng, cao hơn là cả nước.


Ảnh: Việt Tuấn - Đồ hoạ: Hương Xuân

Ảnh: Việt Tuấn - Đồ hoạ: Hương Xuân

Cũng theo Phó Thủ tướng, Bộ Chính trị đã yêu cầu điều chỉnh dần cơ chế xây dựng ngân sách Nhà nước theo quan điểm phát triển vùng và theo cơ sở dữ liệu về kinh tế xã hội của từng địa phương.

Có địa phương tăng trưởng nhanh nhưng có địa phương mức tăng trưởng mức độ, được giao nhiệm vụ như hậu cần, do đó khi phân bổ về ngân sách hay nguồn lực phải nhìn tổng thể cả vùng sau đó mới đến đia phương. Phân bổ ngân sách theo từng tỉnh nên không trách nhiều chuyên gia nói 63 nền kinh tế trong 63 tỉnh. “Đó là điểm then chốt về mặt tư duy và nhận thức”, Phó Thủ tướng cho biết.

Trong vấn đề về tư duy, nhận thức động lực, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế vùng, 10 năm gần đây rất rõ, Nghị quyết lần 12 nhấn mạnh chúng ta phải có thể chế kinh tế vùng phù hợp, phải có thể chế tương ứng để phát huy đầu tàu, an toàn cho cả nước. Khó khăn thì có cơ chế để địa phương có cơ hội rút ngắn.

Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng nhận định cần xây dựng cơ chế đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt để thử nghiệm thể chế cần thiết, tạo ra cực tăng trưởng có tính lan toả cho vùng.

Nút thắt hôm nay và hi vọng tất cả sớm trở thành quá vãng

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bên cạnh phát ngôn hài hước khi nhận xét các tỉnh miền Trung mạnh ai người nấy chạy, thân ai người nấy lo cũng thẳng thắn chỉ ra một hiện trạng cần bàn khi nói về vùng đất này. Đó là du lịch.


Ảnh: Việt Tuấn - Đồ hoạ: Hương Xuân

Ảnh: Việt Tuấn - Đồ hoạ: Hương Xuân

“Du lịch miền Trung oai nhất cả nước nhưng nội dung chủ yếu cũng chỉ là đến tắm thôi. Chúng ta có gì hơn là tắm đâu”, ông nói.

Như ông phân tích, phần giá trị gia tăng của du lịch miền Trung rất thấp. Bản thân của ngành du lịch, dù được định tính là “mũi nhọn” nhưng cũng không biết nhọn là như thế nào. Do đó, ông đề nghị các tỉnh này nên đề xuất lên Trung ương để có chương trình xác định rõ ràng, không lờ mờ, và cũng để tránh đi vào vết xe mang tên “mạnh ai người đấy làm”.

Bên cạnh đó, ông Thiên cũng nói rằng cần đánh giá tương quan cảng biển và khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghiệp miền Trung thế nào để có chính sách rõ ràng hơn cũng như phải có cơ chế phối hợp, bắt nguồn từ lợi ích.

“Tôi vẫn tin miền Trung có thế mạnh nếu biết liên kết, phối hợp thì hiệu quả sẽ tăng lên nhiều. Tôi đề nghị Chính phủ có thể đề xuất thành lập ban chỉ đạo chuyên về phát triển vùng, mức độ tập trung chiến lược, phát triển vùng và đặc khu”, ông Thiên quả quyết.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận xét có môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho tư nhân phát triển. Trong đó, đáng chú ý là chỉ số PCI tăng dần theo từng năm mà những địa phương tiêu biểu có thể kể đến là Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định…

Tuy nhiên, các tỉnh miền Trung vẫn còn một số hạn chế trong việc phát triển doanh nghiệp tư nhân như số lượng doanh nghiệp trên bình quân đầu người còn ít (35 doanh nghiệp trên 10.000 dân); doanh nghiệp lớn đang được hưởng hỗ trợ nhiều hơn; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế… Mặt khác, đó còn là sự mong manh của môi trường mà sự cố Formosa vẫn còn nhiều ám ảnh. Do vậy, như ông Tuấn phân tích, nếu chọn du lịch làm mũi nhọn thì phải có hành động bảo vệ môi trường.


Ảnh: Việt Tuấn. Đồ hoạ: Hương Xuân

Ảnh: Việt Tuấn. Đồ hoạ: Hương Xuân

Ông cũng bình luận: “Về chính sách, tôi muốn dùng 2 chữ động, năng động hơn, hành động hơn. Trong khu vực không có nhiều lợi thế thì phải có sự chuyển động mạnh mẽ hơn của lãnh đạo”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Một cuộc khảo sát nhỏ đã được diễn ra trước khi Diễn đàn kết thúc. Theo đó, 2/3 người tham dự đã tin rằng miền Trung có thể có những đột phá, cất cánh tương xứng với tiềm năng. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nằm trong đa số những người tin tưởng.

Phó Thủ tướng cũng tin rằng việc ngồi lại của ngày hôm nay và những hành động sắp tới sẽ biến câu nói thật như đùa của TS. Trần Đình Thiên trở thành “hoài niệm”.

Những ý kiến tại Diễn đàn này cũng sẽ được ông ghi nhận, báo cáo lại Chính phủ và sẽ có phản hồi.

Về kiến nghị của Diễn đàn và Ban điều phối về cơ chế điều phối vùng, theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã có văn bản xuất phát từ kiến nghị Diễn đàn lần thứ nhất (năm 2014), đã nêu đến khái nhiệm hội đồng vùng.

“Dứt khoát không có chính quyền cấp vùng, Hiến pháp cũng không quy định và chưa có ai đặt vấn đề” – Phó Thủ tướng khẳng định.

Ông cũng nhấn mạnh giờ là lúc hành động và yêu cầu các bộ, ngành kết hợp với Ban điều phối vùng rà soát, xem xét lại nội dung của 10 kiến nghị đã nêu trước đó. Ông cũng đề nghị Ban điều phối vùng có báo cáo tổng hợp các kiến nghị đề xuất với Thủ tướng và Chính phủ, Văn phòng Chính phủ sẽ có thông báo ý kiến của Thủ tướng về các vấn đề này.

Phó Thủ tướng nói: “Phải có kết luận cụ thể chứ họp xong xuôi tất cả lại về thì không có ý nghĩa gì”.

Ngoài ra, ông cũng tán thành việc Diễn đàn Kinh tế miền Trung sẽ được tổ chức định kỳ 2 năm một lần.

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên