[Chuyện thất bại] Ông chủ Uniqlo: "Người ta khá sợ thất bại nên họ chẳng thành công"
Tỷ phú Tadashi Yanai, người sở hữu hãng Fast Retailing, công ty mẹ của thương hiệu thời trang Uniqlo cho biết mình đã quá quen với việc thất bại.
- 20-07-2017Uniqlo đang phải "vật lộn" trên chính sân nhà Nhật Bản
- 14-07-2017Zara, H&M, Uniqlo vào Việt Nam: Còn cửa nào cho doanh nghiệp trong nước trước cơn bão hàng ngoại “giá rẻ”?
LTS: Trước khi trở thành những người thành công và giàu có, hầu hết các doanh nhân trên thế giới đều nếm trải rất nhiều thất bại. Nhưng họ không bỏ cuộc mà coi những thất bại đó là động lực và bài học để tiến lên phía trước.
NDH xin giới thiệu với độc giả series bài viết "Chuyện thất bại" kể về những khó khăn mà các doanh nhân nổi tiếng từng phải đương đầu, từ đó truyền cảm hứng giúp bạn vượt qua những trở ngại trong sự nghiệp và cuộc sống.
Kỳ 16. Ông chủ Uniqlo: "Người ta khá sợ thất bại nên họ chẳng thành công"
Tadashi Yanai, nhà sáng lập tập đoàn Fast Retailing được đánh giá là một trong những doanh nhân thành công nhất Nhật Bản. Ông chính là người đã gây dựng Fast Retailing từ một doanh nghiệp gia đình nhỏ thành hãng bán lẻ thời trang nổi tiếng thế giới. Theo bảng xếp hạng của tạp chí Forbes, Yanai đang sở hữu khối tài sản trị giá 15,3 tỷ USD - là người giàu thứ 2 Nhật Bản và 76 trên thế giới.
Đóng góp lớn vào thành công của Fast Retailing chính là thương hiệu đang "tung hoành" tại nhiều nước châu Á - Uniqlo. Thương hiệu này được biết đến với việc phát minh ra nhiều loại nguyên vật liệu mới như các loại vải giữ ấm Heattech, hay chất vải làm mát để mặc trong mùa hè oi nóng như AIRism. Tính trung bình, cứ mỗi tuần, lại có một cửa hàng của Uniqlo được mở trên thế giới.
Ngoài Uniqlo, tập đoàn Fast Retailing còn bao gồm các công ty con khác như: GU (Nhật Bản), Theory (Nhật Bản), Comptoir des Cottonniers S.A.S (Pháp), Princesse Tam.Tam S.A.S (Pháp), J Brand (Mỹ).
Trong năm tài chính 2016, doanh thu thuần của Fast Retailing đạt hơn 1.786 tỷ yen (tương đương với hơn 17,3 tỷ USD). Tập đoàn này sở hữu 3.160 cửa hàng trên toàn thế giới tính đến tháng 8 năm ngoái. Con số này dự kiến sẽ nâng lên 3.304 cửa hàng khi kết thúc tài chính năm 2017.
Doanh thu và số cửa hàng của Fast Retailing (năm tài chính kết thúc vào tháng 8 hàng năm)
Dù thành công như vậy, nhưng giống như nhiều doanh nhân nổi tiếng khác, con đường đến với vinh quang của Tadashi Yanai không phải lúc nào cũng trải hoa hồng. Chia sẻ trong một chương trình của kênh Channel NewsAsia vào năm 2016, tỷ phú giàu thứ 2 Nhật Bản khẳng định hai từ "Thất bại" với ông không hề xa lạ.
"Khi Uniqlo mở rộng ra nước ngoài, chúng tôi từng thất bại ở Anh. Sau đó, chúng tôi thất bại ở Trung Quốc và tiếp tục thua tại Mỹ", nhà sáng lập hãng bán lẻ quần áo lớn nhất châu Á chia sẻ.
Yanai cho biết, năm 2001, Uniqlo từng cố gắng thâm nhập thị trường Anh khi mở 21 cửa hàng trong 2 năm. Tuy nhiên, mở rộng quá nhanh và quản lý yếu kém đã buộc thương hiệu phải đóng cửa 16 cửa hàng sau đó.
"Đó là một tổn thất rất lớn", ông nhớ lại.
Tỷ phú Tadashi Yanai đã quá quen với chuyện thất bại
Với thị trường Mỹ, đây vẫn là bài toán khó với Uniqlo và tỷ phú Yanai. Không chỉ phải cạnh tranh quyết liệt với những đối thủ nặng ký như Zara (Tây Ban Nha) và H&M (Thụy Điển), thương hiệu Nhật Bản cũng tỏ ra lép vế trước 2 tên tuổi nội địa là Gap và Forever 21.
Năm 2012, Uniqlo từng đặt mục tiêu tham vọng là mở 1.000 cửa hàng tại Mỹ. Nhưng theo tạp chí Forbes, các sản phẩm của công ty vẫn chưa được nhiều người dân quốc gia này ưa chuộng. Sau khi đóng cửa 6 địa điểm, Uniqlo chỉ còn 47 cửa hàng tại Mỹ tính đến tháng 3/2017 - một con số rất khiêm tốn so với mục tiêu đã đề ra.
Yanai cho biết ông chưa bao giờ nản lòng trước những khó khăn. Triết lý trong cuộc sống của vị doanh nhân 68 tuổi là "Chín thất bại, một thành công" và kinh doanh là hành trình tiến tới "huy chương vàng".
"Người ta khá sợ thất bại nên họ chẳng thể thành công", tỷ phú Tadashi Yanai nhấn mạnh.
Yanai luôn mong muốn đưa Fast Retailing trở thành hãng bán lẻ thời trang hàng đầu thế giới. Ông từng đưa ra mục tiêu đến năm 2020, doanh thu của tập đoàn phải lên đến 44 tỷ USD/năm.
Trả lời câu hỏi tại sao luôn phải quan tâm đến vị trí số một, ông đáp: "Tại sao lại không nhỉ? Nếu bạn đặt ra cái đích đó, mọi người sẽ phải nghĩ cách làm thế nào để đạt được".
"Tôi chưa bao giờ thỏa mãn với bất cứ thành quả nào bởi vì thế giới này luôn luôn chuyển động. Giống như khi bạn leo núi vậy. Khi lên đến đỉnh, bạn sẽ thấy ngọn núi khác cao hơn nữa. Một ngày nào đó tôi sẽ qua đời, đó là quy luật cuộc sống. Nhưng tôi là người đang leo núi", doanh nhân Nhật nói.
Người đồng hành