MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có một "hố đen" 13.000 tỷ USD đang lớn dần ngay tại trung tâm của thị trường tài chính quốc tế

16-07-2019 - 19:33 PM | Tài chính quốc tế

Tháng 6, tổng giá trị các trái phiếu có lợi suất âm đã tăng gấp đôi so với tháng 12 năm ngoái và hiện đang chiếm tới 25% tổng giá trị thị trường trái phiếu toàn cầu.

Các khoản nợ lãi suất âm – những trái phiếu mà nếu như nắm giữ chúng đến khi đáo hạn thì số tiền bạn thu về sẽ giảm đi chứ không phải tăng lên theo thời gian – đang tấn công mọi ngõ ngách của thị trường trái phiếu, hủy diệt lợi nhuận của nhà đầu tư và thay đổi cả hệ thống. Không chỉ dừng lại ở mức lợi suất âm, loại trái phiếu này còn gây ra những hệ lụy dai dẳng hơn cho những người tiết kiệm, nhà đầu tư, người hưu trí, các doanh nghiệp chuyên đi thâu tóm và cả Chính phủ các nước.

1.Tại sao bạn lại mất tiền khi đầu tư vào loại trái phiếu này?

Thông thường thì trái phiếu vẫn được coi là loại tài sản an toàn nhất trên thị trường, vì thế rất nhiều nhà đầu tư đổ xô mua trái phiếu khi thị trường có biến động, ví dụ như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay căng thẳng ở vùng Vịnh.

Trái phiếu thường có mức lợi suất khiêm tốn khi được phát hành bởi 1 Chính phủ, định chế hay công ty. Tuy nhiên, khi được giao dịch thì nhu cầu của nhà đầu tư quá cao có thể khiến giá tăng vọt, lợi suất giảm, dẫn đến trường hợp người nắm giữ chúng không còn thu được lợi nhuận.

Một số quỹ theo dõi các chỉ số trái phiếu chính phủ, có nghĩa là họ sẽ mua vào trái phiếu mà không cần quan tâm đến lợi suất. Và một số nhà đầu tư vẫn có thể kiếm được mức lợi suất dương sau khi đã điều chỉnh theo biến động tỷ giá.

2.Nhà đầu tư đã mua vào bao nhiêu trái phiếu lợi suất âm?

Trong tháng 6, con số lập kỷ lục 13.000 tỷ USD – tăng gấp đôi so với tháng 12 năm ngoái và hiện đang chiếm tới 25% tổng giá trị thị trường trái phiếu toàn cầu. Ở Đức, 85% trái phiếu Chính phủ đang lưu hành có lợi suất âm, có nghĩa là nhà đầu tư trả cho Chính phủ Đức 0,2% để có thể mua loại tài sản này. Chính phủ Đức vừa được vay tiền lại vừa được tặng thêm 2 euro cho mỗi 1.000 euro vay từ nhà đầu tư trong thời hạn 10 năm.

Ngược lại, tất cả 16.000 tỷ USD trái phiếu mà Chính phủ Mỹ phát hành đều có lợi suất ở trên mức 0. Tuy nhiên, trên toàn thế giới các chuyên gia cảnh báo rằng vấn đề có thể trở nên tồi tệ hơn.

3.Vì sao phải lo lắng về hiện tượng này?

Lợi suất âm đi ngược lại với những nguyên lý cơ bản của hệ thống tài chính toàn cầu. "Một trong những quy tắc cơ bản của tài chính – nếu bạn vay tiền càng lâu thì lãi suất phải trả sẽ càng lớn – đã bị phá vỡ", cây bút Marcus Ashworth của Bloomberg viết. Lợi suất của trái phiếu kỳ hạn lên tới 100 năm (đáo hạn vào năm 2117) do NHTW Áo phát hành cách đây 2 năm đã giảm từ mức 2,1% xuống hiện còn khoảng 1,2%.

Hiện tượng này sẽ thôi thúc các nhà đầu tư tìm đến những tài sản rủi ro hơn để hưởng mức lợi suất cao, làm tăng khả năng xuất hiện bong bóng trên thị trường tài chính cũng như thị trường bất động sản.

4.Ai được hưởng lợi từ lợi suất âm?

Các chính phủ. Rõ ràng vay tiền chưa bao giờ tuyệt đến thế khi bạn được trả thêm tiền để đi vay. Cá công ty cũng tranh thủ phát hành trái phiếu để tận dụng lợi ích của chi phí đi vay thấp kỷ lục. Các quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân – vốn thường sử dụng đòn bẩy tài chính để thâu tóm các công ty – đang nhìn thấy nhiều cơ hội hấp dẫn khi chi phí vốn ở mức thấp. Người sở hữu nhà có khoản vay thế chấp lãi suất linh hoạt cũng có lý do để ăn mừng.

5.Ai chịu thiệt?

Các quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm vốn là những nhà đầu tư lớn trên thị trường trái phiếu chính phủ. Các ngân hàng thì nhìn thấy lợi nhuận biên bị bóp nghẹt. Trong khi lợi nhuận từ hoạt động cho vay suy giảm, họ vẫn phải đưa ra mức lãi suất cao để thu hút người gửi tiền.

Ở Đức, NHTW châu Âu đang đứng trước áp lực chính trị lớn vì đã gây tổn hại đến người tiết kiệm. Các NHTW cũng có thể gặp phải rắc rối với "lãi suất đảo ngược" – mà tại điểm này mức chi phí vay mượn quá thấp sẽ gây hại hơn là có lợi cho nền kinh tế vì ngân hàng hạn chế cho vay. Điều này đặc biệt tồi tệ nếu nền kinh tế đang giảm tốc.

6.Nguyên nhân do đâu?

Sau khi thử nhiều cách nhưng vẫn không thể kích thích nền kinh tế tăng trưởng sau khủng hoảng tài chính 2008, một số NHTW ở châu Âu đã bắt đầu cắt giảm lãi suất xuống dưới mức 0 từ năm 2014. Nhật Bản cũng sớm có động thái tương tự. Ý tưởng là để khuyến khích các định chế tài chính tăng cường cho vay. Kể từ năm 2016 đến nay, ECB vẫn duy trì lãi suất cơ bản ở mức -0,4%. Chính sách lãi suất âm ban đầu chỉ là tạm bợ nhưng đã kéo dài khá lâu.

Thị trường còn đang đặt cược rằng ECB sẽ tiếp tục hạ lãi suất, khiến lợi suất trái phiếu ngày càng giảm sâu hơn.

7.Tại sao tình trạng lãi suất âm kéo dài lâu đến vậy?

Dù đã hơn 1 thập kỷ kể từ khủng hoảng tài chính, lạm phát vẫn vắng bóng trong khi tiền lương chỉ tăng một cách khiêm tốn bất chấp tỷ lệ thất nghiệp đã giảm mạnh. Ví dụ, ECB được cho là sẽ không thể đạt được mục tiêu lạm phát gần 2% trong ít nhất là 10 năm nữa. Và chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu Mỹ kỳ hạn 3 năm với kỳ hạn 10 năm mới đây đã bị đảo ngược – dấu hiệu cho thấy nền kinh tế sắp rơi vào suy thoái.

Ngoài Cục dự trữ liên bang Mỹ thì có rất ít NHTW hạ lãi suất trong thời gian trước có thể tăng lãi suất ở thời điểm hiện tại. Điều này có nghĩa là nếu như kinh té thế giới bất ổn một lần nữa thì lãi suất sẽ càng giảm sâu.

8.Tương lai sẽ ra sao?

Ở châu Âu thời gian gần đây nổi lên nhiều tiếng nói lo ngại lục địa già đang đi theo vết xe đổ của Nhật Bản và sẽ phải đối mặt với thập kỷ mất mát – nơi các nhà hoạch định chính sách phải chật vật vực dậy cả đà tăng trưởng và tỷ lệ lạm phát.

Các NHTW vẫn tự tin rằng họ có đủ công cụ cần thiết để chống lại suy thoái kinh tế, trong đó có hạ lãi suất và các gói nới lỏng định lượng. Tuy nhiên, đối với thị trường thì các căng thẳng địa chính trị như chiến tranh thương mại hay vụ Anh rời EU sẽ tiếp tục khiến nhà đầu tư tìm đến các tài sản an toàn nhất, tức là nhu cầu đối với các trái phiếu có lợi suất âm vẫn rất cao.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên