MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu dệt may ‘èo uột’ dù kết quả kinh doanh khởi sắc

Dẫu bối cảnh ngành tăng trưởng vượt trội, kết quả kinh doanh khởi sắc nhưng nhiều cổ phiếu dệt may tính đến hiện nay đa phần giảm so với thời điểm cuối năm 2017.

Quý I kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng trưởng vượt trội

Hiệu hội Dệt may Việt Nam dự báo năm 2018, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt khoảng 34,2 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2017. Thực tế, riêng quý I, kim ngạch xuất khẩu dệt may đã đạt 7,8 tỷ USD, tăng trưởng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đà tăng trưởng vượt trội trong kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam có sự đóng góp lớn của việc tăng xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Cụ thể, quý I ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu dệt may vào Nhật Bản đạt 26,57% trong khi mức dự báo cho cả năm chỉ 12%, tại thị trường Trung Quốc tăng 25,6% (mức dự báo cả năm là 15,2%) và thị trường Hàn Quốc là 22,31% (mức dự báo cả năm 16,1%).

Dẫu vậy, 3 thị trường trên chỉ chiếm 22% trong tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam; trong khi chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là thị trường Mỹ và EU với lần lượt 3,1 tỷ USD và 1,1 tỷ USD, tương đương 35%. Hai thị trường này ghi nhận mức tăng trưởng 13,21% và 0,09%, cũng vượt hơn hẳn mức dự báo cho cả năm.

Cổ phiếu dệt may ‘èo uột’ dù kết quả kinh doanh khởi sắc - Ảnh 1.

Ngoài các thị trường truyền thống thì các thị trường khác cũng có mức tăng trưởng đáng kể 19,46% với 877 triệu USD. Theo thông tin từ ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam tại buổi họp báo ngành diễn ra ngày 17/4, xuất khẩu dệt may quý I đến các thị trường như Canada, Cộng hòa liên bang Nga đều tăng khá.

Ngoài ra, ông Cẩm cho biết các doanh nghiệp trong ngành dệt may đã có đủ đơn hàng cho hết quý II năm 2018 và thậm chí nhiều doanh nghiệp có đơn hàng hết quý III.

Kết quả kinh doanh khởi sắc nhưng cổ phiếu gần như không tăng

Theo BCTC tháng 4 vừa công bố, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) cho biết lũy kế 4 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 823 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 30,7 tỷ đồng, cùng tăng trưởng 50% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 4, công ty đạt doanh thu thuần 222,7 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước; lãi ròng 9 tỷ đồng, tăng 50%.

Công ty lý giải hai nguyên nhân giúp lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Đó là thời gian qua gặp nhiều thuận lợi như tìm được đơn hàng số lượng lớn, dòng sản phẩm phù hợp với thế mạnh. Đồng thời, TNG cũng đã phát huy tối đa năng lực sản xuất của nhà máy theo đúng công suất thiết kế khi lập dự án, cơ cấu lại khách hàng tập trung vào khách hàng lớn có thương hiệu và uy tín.

Ông Trần Như Tùng, Thành viên HĐQT CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) cho biết công ty đã có đủ đơn hàng đến hết quý III, tình hình đơn hàng năm nay tốt hơn so với năm 2017 và cho đến hết tháng 5 thì đơn hàng nhận về tăng trưởng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, doanh thu đến hết tháng 5 của TCM được dự báo đạt 60 triệu USD, tương đương với 47% kế hoạch năm 2018. Với tỷ suất lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh duy trì khoảng 18% thì công ty đạt lợi nhuận gộp 10,8 triệu USD.

Trước đó, công ty cũng có công bố thông tin trong tháng 4 doanh thu thuần đạt khoảng 10,72 triệu USD, tương ứng khoảng 243 tỷ đồng. Với tỷ suất lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh đạt khoảng 18% thì lợi nhuận gộp khoảng 1,9 triệu USD, ứng 44 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 36 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh trong tháng 4 có sự đóng góp của hoạt động chuyển nhượng lô đất Khu công nghiệp Nhị Xuân (TP.HCM).

Như vậy, lũy kế 4 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu thuần 1.055 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 85 tỷ đồng, thực hiện 33% kế hoạch doanh thu và 45% kế hoạch lãi ròng.

CTCP Everpia (HOSE: EVE) báo cáo quý I đạt doanh thu thuần 234,7 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước; lãi ròng 20,4 tỷ đồng, tăng trưởng 127%. Theo lý giải của công ty, cả 3 mảng kinh doanh chăn gia, bông tấm và khăn đều khởi sắc. Cụ thể, hiệu ứng từ các chương trình tiếp thị chăn ga đã thực hiện từ năm 2017 và thời tiết tương đối thuận lợi, mảng bông tấm phục hồi tốt với số lượng đơn hàng tăng trưởng đến 20%, mảng khăn bắt đầu đi vào quỹ đạo sinh lời sau khi nhận chuyển nhượng từ Texpia. Đồng thời, công ty cũng cải tổ mạnh trong quản lý sản xuất và quản lý chi phí như bóc tách, kiểm soát chi phí theo phòng ban, thuê một nhóm chuyên gia Hàn Quốc về tư vấn cải tổ nhà máy, sắp xếp dây chuyền…

Tập đoàn Dệt May Việt Nam (UPCoM: VGT) cũng không kém cạnh khi báo cáo lãi ròng quý đầu năm tăng trưởng 41% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tăng thêm 504 tỷ đồng, ứng mức tăng 13% để lên 4.399 tỷ đồng là động lực chính cho đà tăng trưởng lợi nhuận.

Tập đoàn cho biết một số dự án đã chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2016 như nhà máy sợi Nam Định, nhà máy sợi Phú Cường đã đi vào ổn định sản xuất kinh doanh và từ quý I/2018 bắt đầu có lãi. Một số đơn vị trong tập đoàn trong quý đạt lãi tăng so với cùng kỳ năm trước như Tổng CTCP Dệt may Hà Nội (tăng 28 tỷ đồng), Tổng CTCP Dệt may Hòa Thọ (tăng 13,3 tỷ đồng) và Tổng công ty Dệt may Miền Nam (giảm lỗ 19 tỷ đồng).

Ngoài ra, CTCP Sản xuất kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (HOSE: GIL), CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (HOSE: GMC), Tổng CTCP May Việt Tiến (UPCoM: VGG), CTCP Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội.

Tuy nhiên, điều đang nói là cổ phiếu các doanh nghiệp dệt may cho đến hiện nay hầu như không tăng so với cuối năm trước. Vào cuối năm 2017, giá TNG vào khoảng 13,000-14.000 đồng/cp nhưng hiện nay đã rơi về 12.900 đồng/cp, TCM giảm 24% từ 26.500 đồng/cp về 20.000 đồng/cp, VGT tăng nhẹ từ 10.730 đồng/cp lên 11.800 đồng/cp, EVE giảm từ 19.200 đồng/cp về 17.500 đồng/cp, GMC gần như không tăng tại mức giá 27.000 đồng/cp hay STK giảm từ 19.700 đồng/cp về 17.900 đồng/cp.

Diễn biến giao dịch TCM, VGT, EVE, TNG 6 tháng qua (nguồn: VietstockFinance)

Cổ phiếu dệt may ‘èo uột’ dù kết quả kinh doanh khởi sắc - Ảnh 2.

Hiện tại do ảnh hưởng từ thị trường chung khi hầu hết các cổ phiếu trụ bị bán mạnh và nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, tuy nhiên với kết quả kinh doanh khởi sắc, nhóm cổ phiếu dệt may trong năm nay dự kiến sẽ được các nhà đầu tư chú ý hơn, đặc biệt là khi CPTPP đã được ký kết.

Theo Ngọc Điểm

Người đồng hành

Trở lên trên