MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu ngân hàng: Từ xanh non đến chín gấp

Duy trì mức tăng trong hơn 6 tháng qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng trở thành điểm nhấn của thị trường. Nhưng những ngày cuối tuần thứ ba của tháng 6, cổ phiếu vua này bất ngờ đảo chiều. Đâu là nguyên nhân khiến cổ phiếu ngân hàng từ xanh non đến… chín gấp?

Liên tục trong nhiều tháng qua, cổ phiếu ngân hàng đã trở thành trụ đỡ của thị trường chứng khoán Việt Nam. Dòng tiền đổ vào nhóm cổ phiếu này tăng mạnh.

Tăng, rồi lại tăng…

Thị giá của nhiều cổ phiếu ngân hàng bắt đầu tăng từ cuối năm 2016 và tăng mạnh trong vài tháng gần đây. Ngân hàng càng nhỏ thì mức tăng càng lớn. Đơn cử: mã NVB của Ngân hàng Quốc Dân tăng tới 100% kể từ đầu năm cho tới nay; SHB của NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội tăng gần 67%. STB của NHTMCP Sài Gòn Thương Tín tăng 18% trong vòng một tháng qua, còn nếu tính từ đầu năm cho tới nay thì cổ phiếu này tăng xấp xỉ 55%. Cũng có tốc độ tăng tương tự STB là cổ phiếu MBB của NHTMCP Quân đội. ACB của NHTMCP Á Châu tăng xấp xỉ 50%; BID của Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam tăng trên 40%, VIB của NHTMCP Quốc tế cũng tăng khoảng 20% trong thời gian ngắn.

Điều gì đã khiến cổ phiếu ngân hàng có thể trở về thời vàng son nhanh như vậy? Câu trả lời nằm ở những số liệu, thông tin rất thuyết phục. Trước hết, hai năm gần đây tín dụng đã có mức tăng trưởng vượt bậc. Đặc biệt, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2017, tăng trưởng tín dụng đã đạt mức gần 7% - cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Mà tín dụng vốn là nguồn thu chính nên cũng không ngạc nhiên khi nhiều ngân hàng đã báo lãi lớn trong mùa đại hội cổ đông vừa qua.

Thứ hai, nghị quyết riêng của Quốc hội về xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng làm tăng kỳ vọng xử lý nợ xấu nhanh, hiệu quả hơn, tạo dòng tiền lớn cho thị trường. Thứ ba, hàng loạt ngân hàng như Techcombank, VPbank, TPBank, LienVietPostBank, Kienlongbank… đã thông báo đăng ký lưu ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD). Nhiều ngân hàng cũng khẳng định sẽ ưu tiên niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán ngay trong năm 2017 mà không thông qua UPCoM.

Bên cạnh đó, dự kiến cuối năm 2018, 10 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam sẽ chính thức áp dụng tiêu chuẩn Basel II nên năm nay họ sẽ phải tăng vốn và thực hiện hàng loạt biện pháp để đạt yêu cầu về chuẩn mực an toàn hoạt động quốc tế… Và hướng đi lên chung của thị trường chứng khoán góp phần đẩy cổ phiếu ngân hàng tăng.

Song, ngay khi các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu vào ngày 21/6 vừa qua thì nhiều cổ phiếu ngân hàng bất ngờ chìm trong sắc đỏ. Điều này cũng diễn ra ở những ngày giao dịch tiếp theo.

Giảm và sẽ tiếp tục giảm?

Trở lại chuyện tăng giá. Thị giá cổ phiếu VP Bank ngày 18/5 đạt đỉnh 37.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn thị giá của những ngân hàng lớn, có thương hiệu cùng thời điểm này: Vietcombank quanh mức 36.000 đồng/cổ phiếu; Vietinbank là 18.100 đồng; BIDV gần 17.000 đồng. Khối lượng mua vào cổ phiếu VPBank trên sàn OTC luôn cao gấp nhiều lần khối lượng bán ra… Hay mã EIB của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) có những giao dịch thỏa thuận với số lượng lớn. Riêng phiên chiều ngày 8/6, hơn 53 triệu cổ phần đã được trao tay với tổng giá trị khoảng 686 tỷ đồng. Trong hai phiên ngày 6/6 và 7/6 cũng đã có gần 4 triệu cổ phiếu EIB được giao dịch thỏa thuận. Đáng chú ý, Eximbank là một hiện tượng khi hai lần tổ chức ĐHĐCĐ trong năm 2016 đều bất thành…

Rõ ràng có sự bất thường trong giao dịch các cổ phiếu ngân hàng mà có lẽ chỉ những người trong cuộc - những người tìm mọi cách mua gom, đẩy giá cổ phiếu các ngân hàng tăng mới thực sự biết mục đích là gì. Với đại chúng, nguyên nhân “bề nổi” khiến giá cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh thì như đã nói ở trên, song có một nguyên nhân rất ít được nhắc đến: nhân sự.

Câu chuyện của ông Nguyễn Đức Hưởng là một ví dụ thú vị. Tháng 4/2017 giới ngân hàng không khỏi ngỡ ngàng khi ông này từ nhiệm vị trí Phó chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Tổng giám đốc LienVietPostBank để sang ứng cử vào HĐQT của Sacombank, dù đã gắn liền với biệt danh “Hưởng Liên Việt” từ lâu. Bất ngờ hơn, cuối tháng 5/2017 ông Hưởng lại rút khỏi danh sách đề cử của Sacombank để tham dự ĐHĐCĐ bất thường lần hai của LienVietPostBank và lên giữ chức Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này.

Chuyện nhân sự cấp cao “chuyển qua, chuyển lại” ở các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ vẫn diễn ra lâu nay, nhưng với trường hợp LienVietPostBank thì rất đáng chú ý. Trước ông Hưởng, Chủ tịch HĐQT của LienViet Postbank là ông Dương Công Minh, còn gọi là “Minh Him Lam”.

Năm 2016, trong một lần nói chuyện cởi mở tại một tọa đàm, ông Minh cho biết, Liên Việt áp dụng mô hình quản trị duy nhất ở Việt Nam: HĐQT điều hành ngân hàng, điều hành tới cả những hoạt động nhỏ nhất. Ông chia sẻ: “Biết người đi vay làm sai mà vẫn cho vay để họ bị vào tù thì không phải là đạo đức của người làm ngân hàng”. Ông cũng cho hay: “Liên Việt bây giờ chưa tin được, dù đã có hội đồng 10 người, nhưng tôi chưa yên tâm hoàn toàn. Bây giờ nó chưa phải là tốt, nhưng rồi sẽ tốt. Tôi sẽ từ từ giải quyết”. Và giờ sau một năm, lý do gì khiến ông Minh rời khỏi ghế Chủ tịch LienViet Postbank? Việc này sẽ tác động thế nào đến Liên Việt? Câu trả lời còn ở phía trước. Câu chuyện nhân sự cấp cao tại nhiều ngân hàng khác như: BIDV, Sacombank, Eximbank, Dong ABank… với những nhân tố bí ẩn cũng sẽ là yếu tố gây bất ngờ cho thị trường tới đây.

Còn một nguyên nhân khác khiến thị giá cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh trong thời gian qua, đó là việc thị trường kỳ vọng vào Nghị quyết của Quốc hội sẽ thúc đẩy vấn đề xử lý nợ xấu khi đối tượng tham gia xử lý nợ xấu được mở rộng hơn. Nhưng vấn đề là nghị quyết này không mở đối với nhà đầu tư nước ngoài. Trước đây đã từng xuất hiện thông tin Chính phủ đang xem xét việc cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia sâu vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng Việt Nam, nhưng từ đó đến giờ vẫn không có gì chính thức diễn ra. Ngay cả Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) ngay từ khi thành lập đã đánh tiếng có nhà đầu tư ngoại tham gia… Nhưng đến tận bây giờ vẫn không có cái tên chính thức nào được nêu ra. Tới đây quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng sẽ diễn ra quyết liệt hơn, nhất là việc xử lý ngân hàng yếu kém, vấn đề sở hữu chéo, thoái vốn đầu tư ngoài ngành… Vai trò của các ngân hàng thương mại nhà nước sẽ tiếp tục được củng cố với việc tăng mạnh vốn điều lệ và Nhà nước vẫn nắm quyền chi phối.

Theo Thái Thanh

Enternews

Trở lên trên