MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có thêm khoảng 40 doanh nghiệp báo lãi vượt xa kế hoạch năm 2017

20-02-2018 - 13:13 PM | Doanh nghiệp

Mùa báo cáo tài chính năm 2017 đã dần khép lại, giai đoạn cuối có thêm rất nhiều doanh nghiệp bão lãi tăng trưởng mạnh, vượt xa kế hoạch năm.

Mùa báo cáo tài chính năm 2017 đã dần khép lại, những doanh nghiệp cuối cùng đang công bố kết quả kinh doanh cả năm. Ngoài hàng loạt các doanh nghiệp đã được thống kê báo lãi vượt xa kế hoạch năm 2017, giai đoạn cuối còn thêm khoảng 40 doanh nghiệp vừa báo lãi lớn trong năm.  

Không chỉ lãi lớn, vượt xa kế hoạch, Vinamilk (VNM) còn thường xuyên góp mặt trong top những doanh nghiệp lãi ngàn tỷ hàng năm. LNST năm 2017 của Vinamilk đạt 10.278 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với năm 2016. Doanh thu đạt trên 51.000 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ, trong đó riêng doanh thu hàng nội địa đạt 43.572 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ.

Tập đoàn Vingroup (VIC) cũng góp mặt trong top những doanh nghiệp lãi ngàn tỷ năm 2017. Doanh thu cả năm đạt trên 90.355 tỷ đồng tăng 57% so với năm trước đó còn lợi nhuận sau thuế đạt 5.440 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ và vượt 81% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Masan Group (MSN) thông báo riêng doanh thu tài chính cả năm đạt 1.404 tỷ đồng, trong đó riêng thanh lý các khoản đầu tư đạt 931 tỷ đồng. Đây là khoản lãi từ bán trái phiếu chuyển đổi của Techcombank. Do vậy dù doanh thu thuần cả năm còn 37.621 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt trên 3.607 tỷ đồng, giảm 4% so với năm 2016 nhưng cũng vượt xa chỉ tiêu lợi nhuân từ 3.200 tỷ - 3.400 tỷ đồng mà ĐHCĐ giao phó. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty me đạt trên 3.100 tỷ đồng.

Có thêm khoảng 40 doanh nghiệp báo lãi vượt xa kế hoạch năm 2017 - Ảnh 1.

Còn Vinaconex (VCG) đang tích cực thoái vốn tại các công ty con và công ty liên kết. Riêng quý 4/2017 doanh thu tài chính đạt 688 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ chủ yếu nhờ hoạt động thoái vốn. Hiện Vinaconex đã giảm số lượng thành viên xuống còn 27 công ty con.

Doanh thu cả năm 2017 đạt 11.015 tỷ đồng, tăng 30%.  Lợi nhuận gộp đạt 1.868 tỷ đồng, tăng 30%. Nhờ khoản thu nhập tài chính 905 tỷ đồng, tăng 355% so vo với cùng kỳ năm trước, Vinaconex khép lại năm 2017 với lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 1.412 tỷ đồng, tăng 182% so với năm 2016. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) đạt mức 3.129 đồng, tăng mạnh so với năm trước. Con số này giúp Vinaconex vượt xa chỉ tiêu hơn 443 tỷ đồng lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó.

Có thêm khoảng 40 doanh nghiệp báo lãi vượt xa kế hoạch năm 2017 - Ảnh 2.

Góp mặt trong số những doanh nghiệp ngành xây dựng vượt chỉ tiêu lợi nhuận cả năm còn có Tổng CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (Constrexim – CTX) với số lãi cả năm đạt 261 tỷ đồng – mức lợi nhuận kỷ lục công ty đạt được từ trước tới nay và vượt xa chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó (68 tỷ đồng).

Nguyên nhân Constrexim lãi lớn năm 2017 một phần nhờ doanh thu tăng gấp đôi cùng kỳ, và phần lớn nhờ tỷ trọng giá vốn hàng bán trong doanh thu thuần giảm sâu.

Tư vấn Xây dựng điện 2 (TV2) ngoài việc báo cáo lợi nhuận trước thuế đạt gần 270 tỷ đồng, vượt 113% so với kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế năm 2017 đạt trên 214 tỷ đồng, gấp 2,1 lần lợi nhuân đạt được năm 2016. TV2 còn được nhắc đến là doanh nghiệp đạt EPS cao nhất toàn thị trường trong năm 2017 với EPS đạt 39.268 đồng/cổ phiếu.

Phục Hưng Holdings (PHC) đạt mức doanh thu kỷ lục 2.170 tỷ đồng trong năm 2017, tăng trưởng 48% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay trong 1 năm, đạt trên 30,5 tỷ đồng, tăng 69,6% so với năm trước đó và vượt xa chỉ tiêu 25 tỷ đồng lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó.

Có thêm khoảng 40 doanh nghiệp báo lãi vượt xa kế hoạch năm 2017 - Ảnh 3.

CEO Group (CEO) đạt 1.833 tỷ đồng doanh thu năm 2017, tăng trưởng 30% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt trên 321,1 tỷ đồng, tăng trưởng 39,7% so với lợi nhuận đạt được năm 2016 và vượt 16,8% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ gần 177,6 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ. Tính đến cuối năm 2017 tổng cộng tài sản công ty đạt 5.650 tỷ đồng, tăng 1.820 tỷ đồng so với đầu năm.

CTCP Vimeco (VMC) vừa bất ngờ báo lãi 231 tỷ đồng sau thuế năm 2017, gấp 8 lần lợi nhuận đạt được năm 2016 và vượt xa chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Với kết quả đó Vimeco cũng thông báo ngày 28/2 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông chi tạm ứng cổ tức đợt 1/2017 bằng tiền tỷ lệ 100%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 10.000 đồng.

FPT công bố số lãi sau thuế năm 2017 đạt 3.522 tỷ đồng, tăng 36,7% so với năm 2016, trong đó lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ 2.927 tỷ đồng. Trước đó Thế giới di động (MWG) cũng đã báo lãi sau thuế tăng trưởng 40% so với năm trước đó, đạt 2.206 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp ngành cung cấp vật liệu xây dựng cũng có năm bội thu, đặc biệt các doanh nghiệp ngành thép, và vật liệu ngành xây dựng. Đã có hàng loạt doanh nghiệp ngành thép hân hoan báo lãi tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ trước đó như Thép Hòa Phát, như Tập đoàn Hoa Sen… Lần này thêm Thép Pomina (POM) báo lãi sau thuế kỷ lục gần 700 tỷ đồng, tăng 130% so với năm 2016 và vượt 74,4% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó. Doanh thu thuần cả năm cũng đạt 11.370 tỷ đồng, tăng 22,3% so với năm 2016.

Có thêm khoảng 40 doanh nghiệp báo lãi vượt xa kế hoạch năm 2017 - Ảnh 4.

Theo giải trình từ phía Pomina, chi phí sản xuất ngày càng giảm đã góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của Công ty mẹ và các công ty con; đồng thời thị trường bất động sản tiếp tục tăng khiến nhu cầu hàng hóa bán ra mạnh, cả công ty mẹ và các công ty con đều có lãi.

Tổng công ty Viglacera (VGC) lãi trước thuế 910 ty đồng năm 2017, vượt 8% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt trên 755 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ hơn 635 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2017 tổng cộng tài sản công ty đạt 15.876 tỷ đồng, tăng 2.887 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Xét về mặt doanh thu, cả năm Viglacera đạt gần 9.070 tỷ đồng, tăng 11,4% so với năm trước đó.

Còn Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex – GEX) đạt trên 1.300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2017, gấp đôi lợi nhuận đạt được năm 2016 và lần đầu ghi danh vào câu lạc bộ những doanh nghiệp lãi nghìn tỷ trong năm.

Có thêm khoảng 40 doanh nghiệp báo lãi vượt xa kế hoạch năm 2017 - Ảnh 5.

Doanh thu cả năm 2017 của Gelex đạt 11.986 tỷ đồng, tăng trưởng 64% so với cùng kỳ và vượt 10% kế hoạch năm. Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của Gelex tăng mạnh phần lớn do chi phí giá vốn giảm sâu nhờ công ty đã tái cấu trúc, kiện toàn lại bộ máy sản xuất. Bên cạnh đó năm 2017 Gelex ghi nhận hơn 526 tỷ đồng lợi nhuận từ việc bán các khoản đầu tư vào doanh thu tài chính, ngoài ra nguồn thu lãi tiền gửi cũng tăng mạnh. Trong năm số lượng công ty con được hợp nhất tăng, kết quả kinh doanh các công ty con cũng tốt hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2016.

Mặt hàng chủ lực là nhựa, doanh thu năm 2017 của Anphat Plastics (AAA) đạt 4.070 tỷ đồng, tăng trưởng 90% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 263,36 tỷ đồng – tăng 84% so với năm trước đó. Đây cũng là con số lợi nhuận kỷ lục AAA đạt được kể từ khi thành lập tới nay.

Sam Holdings (SAM) của Shark Vương – ông Trần Anh Vương – cũng công bố đạt 2.222 tỷ đồng doanh thu năm 2017, tăng gần 22% so với năm 2016. Doanh thu tài chính tăng đột biến đến 3,7 lần so với cùng kỳ là nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận trước thuế đạt 143 tỷ đồng, vượt 35% chỉ tiêu lợi nhuận được giao. Lợi nhuận sau thuế đạt trên 114 tỷ đồng, gấp 5,4 lần lợi nhuận đạt được năm 2016, trong đó lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ gần 110 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi cao nhất công ty đạt được trong 4 năm trở lại đây.

XNK Bình Thạnh (GIL) đạt gần 2.170 tỷ đồng doanh thu, tăng 68% so với năm 2016; lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 51,6%, đạt mức 141 tỷ đồng và vượt xa chỉ tiêu lãi 75 đến 85 tỷ đồng mà ĐHCĐ giao phó.

Ngành bia, Sabeco (SAB) công bố chi phí cho quảng cáo, tiếp thị, hỗ trợ trong năm vừa qua giảm 100 tỷ đồng so với năm trước đó nhưng doanh thu vẫn được cải thiện, đạt 34.165 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với năm 2016, trong đó riêng quý 4 doanh thu đạt 10.467 tỷ đồng.

Có thêm khoảng 40 doanh nghiệp báo lãi vượt xa kế hoạch năm 2017 - Ảnh 6.

Tính chung cả năm 2017 Sabeco lãi sau thuế 5.137 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 10,35% so với năm 2016, vượt 9,2% chỉ tiêu lợi nhuận được giao, trong đó lợi nhuận thuộc về công ty mẹ 4.840 tỷ đồng;  EPS đạt 7.147 đồng/cổ phiếu.

Lợi nhuận từ đường giảm sâu, năm 2017 Đường Quảng Ngãi (QNS) cũng ghi nhận đạt 7.644 tỷ đồng doanh thu, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thu về 1.017 tỷ đồng, giảm 28% so với năm 2016 nhưng cũng giúp công ty hoàn thành gấp 5,5 lần chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Nhờ doanh thu và lợi nhuận lớn từ mảng trái cây, năm 2017 Hoàng Anh Gia Lai (HAG) bất ngờ báo lãi sau thuế 1.032 tỷ đồng trong năm 2017, tăng mạnh so với số lỗ gần 2.200 tỷ đồng năm 2016. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 630 tỷ đồng. Năm 2017 Hoàng Anh Gia Lai đặt mục tiêu lãi 552 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Con số đạt được đã vượt xa chỉ tiêu được giao. 

"Đứa em" của HAGL – HAGL Agrico (HNG) cũng gây bất ngờ khi lãi sau thuế cả năm trên 918 tỷ đồng, vượt xa mục tiêu 461 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế được giao. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ cũng lên đến gần 927 tỷ đồng, nâng tổng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối năm lên 1.317 tỷ đồng.

PAN Group (PAN) thành công lớn trong việc đưa Bibica trở thành công ty con. Doanh thu hợp nhất cả năm đạt 4.045 tỷ đồng, tăng trưởng 48% so với cùng kỳ, trong đó nông nghiệp và thực phẩm tiếp tục là hai mảng kinh doanh đóng góp chính vào kết quả hoạt động của tập đoàn. Doanh thu mảng nông nghiệp của PAN đạt 1.520 tỷ đồng, đóng góp 37%, còn mảng thực phẩm ghi nhận 2.555 tỷ, đóng góp 62,7% vào doanh số. 

Có thêm khoảng 40 doanh nghiệp báo lãi vượt xa kế hoạch năm 2017 - Ảnh 7.

Lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 371 tỷ đồng, tăng trưởng 44% so với năm trước đó. Đóng góp chính vào sự tăng trưởng lợi nhuận của PAN Group trong năm 2017 chủ yếu đến từ khoản lãi từ đánh giá lại giá trị hợp lý khoản đầu tư vào Bibica với giá trị 240,6 tỷ đồng sau khi đưa Bibica trở thành công ty con.

Nhắc đến Bibica ta thường nhớ luôn tới Bánh kẹo Hữu Nghị (HNF). Lợi nhuận trước thuế cả năm 2017 đạt gần 63 tỷ đồng, vượt 59% chỉ tiêu lợi nhuận được giao. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 50 tỷ đồng, tăng trưởng 58% so với lợi nhuận đạt được năm 2016. 

Năm 2017 Vinafor (VIF) cũng bất ngờ báo lãi sau thuế hợp nhất cả năm gần 1.100 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ 1.082 tỷ đồng. Vinafor cũng là cái tên mới gia nhập câu lạc bộ những doanh nghiệp lãi nghìn tỷ trong năm. Đây cũng là tín hiệu vui cho Vinafor đánh dấu năm đầu tiên đưa cổ phiếu lên sàn.

Riêng quý 4/2017 Traphaco (TRA) lãi trước thuế 100 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm 2017 doanh thu thuần đạt 1.868 tỷ đồng, giảm 6% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế đạt trên 260 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với năm 2016 và vượt 7,4% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó.

Doanh thu cả năm 2017 của Phân bón Bình Điền (BFC) đạt hơn 6.300 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2016. Lượng phân bón tiêu thụ trong năm đạt 164.231 tấn. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt trên 350 tỷ đồng, xấp xỉ bằng cùng kỳ và vượt 24,2% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Tính đến hết năm 2017 Phân bón Bình Điền còn gần 2.100 tỷ đồng giá trị hàng tồn kho, tăng 536 tỷ đồng so  với đầu năm.

Phân bón Bình Điền cũng đã xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2017 với mục tiêu đạt 6.345 tỷ đồng dpanh thu và 425 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất. Về sản xuất, năm 2018 Phân bón Bình Điền dự kiến sản xuất được 690.000 tấn phân bón và lượng hàng tiêu thụ cũng ước khoảng 690.000 tấn.

Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC – PVS) đạt 16.729 tỷ đồng doanh thu năm 2017, giảm 10% so với năm trước đó; Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 801 tỷ đồng – giảm 23% so với năm 2016 nhưng cũng vượt xa chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2017 đạt 1.729 đồng. Tại thời điểm cuối năm 2017, tổng tài sản PVS đạt 23.135 tỷ đồng.

Ngành hàng không, Vietnam Airlines (HVN) vừa có quý 4 kinh doanh khởi sắc khi lợi nhuận trước thuế đạt 526 tỷ đồng trong đó có 313 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ. Tính chung cả năm 2017, doanh số của Vietnam Airlines có mức tăng trưởng 18,4% so với năm trước, đạt trên 83.000 tỷ đồng. 

Có thêm khoảng 40 doanh nghiệp báo lãi vượt xa kế hoạch năm 2017 - Ảnh 8.

Lợi nhuận sau thuế đạt 2.666 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ của hãng tăng mạnh nhờ tỷ giá biến động có lợi và hoạt động bán tái thuê đóng góp nhiều hơn vào lợi nhuận khác. Doanh thu đến từ hoạt động bán tái thuê mang về cho Vietnam Airlines 771 tỷ đồng trong năm 2017, gấp 10 lần cùng kỳ.

Còn Hãng hàng không Vietjet (VJC) lãi sau thuế cả năm trên 4.500 tỷ đồng. Vietjet cũng góp mặt trong top những doanh nghiệp đạt lãi nghìn tỷ năm 2017.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) lãi sau thuế trên 4.200 tỷ đồng năm 2017, trong khi mục tiêu đặt ra cho cả năm là lãi 3.669 tỷ đồng trước thuế cả năm. Cùng với kết quả kinh doanh khả quan, giá cổ phiếu ACV cũng tăng mạnh giai đoạn cuối năm 2017 đầu năm 2018. Đặc biệt đã dễ dàng vượt qua mốc 100 điểm để góp mặt vào danh sách "câu lạc bộ 3 chữ số", thậm chí có lúc còn khớp lệnh ở mức giá 120.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên hiện giá ACV đã điều chỉnh giảm về mức 92.000 đồng/cổ phiếu.

Có thêm khoảng 40 doanh nghiệp báo lãi vượt xa kế hoạch năm 2017 - Ảnh 9.

Diễn biến giá cổ phiếu ACV trong 1 năm gần đây.

Cũng trong ngành hàng không, CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS – SGN) cũng báo lãi sau thuế 230 tỷ đồng năm 2017, tăng 32% so với năm 2016 và vượt 18% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 208 tỷ đồng.

Vừa lên sàn trong năm 2017, CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (AST) đã báo cáo đạt 659 tỷ đồng doanh thu năm 2017, gấp đôi năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng trưởng đến 236% so với cùng kỳ, đạt trên 147 tỷ đồng.

Taseco Airs cho biết, đây là kết quả của việc mở rộng quy mô tăng thêm 18 địa điểm kinh doanh tại các cảng hàng không Nội Bài, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Phú Quốc. Các địa điểm kinh doanh mới mở sau quý 3/2017 đã có sự ổn định và tăng trưởng, đồng thời công ty tập trung kinh doanh các nhóm hàng mới là nhóm có hiệu quả kinh doanh cao.

Doanh nghiệp ngành logistic và vận tải, CTCP Container Việt Nam (Viconship – mã chứng khoán VSC) đạt 1.303 tỷ đồng doanh thu năm 2017, tăng trưởng 20% so với năm 2016 và vượt 13,3% kế hoạch cả năm. Đây cũng là mức doanh thu cao kỷ lục công ty đạt được từ trước đến nay. Lợi nhuận sau thuế đạt 263,8 tỷ đồng, xấp xỉ bằng năm 2016. 

Gemadept (GMD) đạt trên 3.923 tỷ đồng doanh thu trong năm 2017, vượt chỉ tiêu hơn 3.800 tỷ đồng mà ĐHCĐ giao phó. Lợi nhuận sau thuế đạt trên 581 tỷ đồng, tăng trưởng 315% so với năm trước đó.

Tiếp nối thành công của các doanh nghiệp ngành thủy điện trong năm 2017, Thủy điện Quế Phong (PHC) cũng đạt gần 41 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt 5,7% chỉ tiêu lợi nhuận được giao. Năm 2017 được xem là năm thành công của hầu hết các doanh nghiệp ngành thủy điện nhờ mưa nhiều, lượng nước tích trữ đạt chỉ tiêu.

Tuy nhiên, thành công vượt trội nhất năm 2017 phải kể đến các doanh nghiệp ngành ngân hàng. Ngoài hàng loạt doanh nghiệp báo lãi kỷ lục, tăng trưởng đột biến vượt xa chỉ tiêu cả năm trước đó như Vietcombank, VietinBank, BIDV, VIB… thì Techcombank (TCB) cũng đã báo lãi hơn 8.000 tỷ đồng trước thuế năm 2017, vượt 60% chỉ tiêu lợi nhuận ĐHCĐ giao phó. Lợi nhuận sau thuế đạt 6.445 tỷ đồng.

Mùa báo cáo tài chính năm 2017 xem như đã khép lại, các doanh nghiệp đang tích cực xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu hoạt động cho năm mới 2018. Với kết quả kinh doanh khả quan năm 2017, hứa hẹn năm 2018 sẽ có thêm nhiều đột phá, danh sách những doanh nghiệp lãi nghìn tỷ trong năm sẽ ngày càng kéo dài ra.

Thạch Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên