MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Cởi trói” cho kinh tế tư nhân

Kinh tế tư nhân Việt Nam đã có bước phát triển cả về lượng và chất. Tuy nhiên sự phát triển này vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản.

TS. Võ Trí Thành
TS. Võ Trí Thành
Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương
110 bài viết

Xu hướng “li ti hóa”

Theo thống kê của Viện Kinh tế Việt Nam, số doanh nghiệp (DN) "nhỏ và siêu nhỏ" hiện chiếm 95 - 96% tổng số DN; trong khi đó, số lượng DN quy mô vừa chiếm khoảng 1,7% tổng số DN, tạo thành khuyết thiếu cơ cấu nghiêm trọng. Mặc dù khu vực tư nhân có những bước tiến, song thực lực cơ bản vẫn là “nhỏ bé”, “manh mún” và “yếu kém”. Kinh tế tư nhân trong nước, về nguyên tắc phải là lực lượng đóng góp chủ yếu vào GDP thì sau 30 năm đổi mới chỉ đóng góp chưa đến 10%.

Ngoài ra, tỷ lệ DN có đóng thuế thu nhập doanh nghiệp trên tổng số DN hoạt động giảm mạnh, từ 60-70% năm 2010 xuống còn trên 30% năm 2015-2016.

“Cởi trói” cho kinh tế tư nhân - Ảnh 1.

Số doanh nghiệp"nhỏ và siêu nhỏ" hiện chiếm 95 - 96% tổng số doanh nghiệp


Số DN tư nhân giải thể hoặc phải ngừng kinh doanh trong những năm gần đây là rất lớn (bình quân 60.000 – 80.000 DN giải thể/năm. Năm 2018, số lượng DN giải thể là hơn 90.000).

Đáng chú ý, xu hướng “li ti hóa” của DN tư nhân đang ngày càng gia tăng. Năm 2001, số doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa và lớn (sử dụng từ 100 lao động trở lên) chiếm 6%, năm 2013 chỉ còn 3%. Năng suất lao động của các DN tư nhân thuộc nhóm vừa và lớn thậm chí còn thấp hơn so với các DN tư nhân quy mô nhỏ.

Theo ông Nguyễn Quang Huân, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng yếu kém của khu vực kinh tế tư nhân. Cụ thể: việc thực thi pháp luật trong toàn xã hội chưa nghiêm, làm chậm và giảm hiệu quả việc thực thi các quyết sách của Nhà nước. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa đủ sức bứt phá trong quá trình cạnh tranh với các nước trong khu vực. Các DN Việt Nam vẫn phải tiếp tục vật lộn với nạn tham nhũng và sự thiếu bình đẳng.

“Tuy đã có tiến bộ trong cải cách hành chính, nhưng bộ máy vẫn còn quan liêu, cộng với một vài nơi còn có những cán bộ công chức yếu kém, vụ lợi làm thui chột cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Quang Huân chỉ rõ.

“Cởi trói” cho kinh tế tư nhân - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quang Huân, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam

Về phía DN, các DN tư nhân Việt Nam chủ yếu là nhỏ, vừa và kinh tế hộ gia đình nên ít có cơ hội tiếp cận được nguồn lực nhất là đất đai và tài nguyên khác. Tổ chức sản xuất, kinh doanh nhỏ, phân tán, kỹ thuật lạc hậu, sức cạnh tranh yếu của DN tư nhân và hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và dịch vụ dẫn đến bị bỏ lại phía sau trong cuộc cạnh tranh toàn cầu khi thực hiện gia nhập WTO hàng thập kỷ qua.

Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cho rằng, thời gian tới, tình trạng này vẫn khó được cải thiện trong bối cảnh cắt giảm thuế quan, dỡ bỏ rào cản thương mại và mở cửa thị trường sâu hơn, rộng hơn theo các cam kết trong những hiệp định FTA thế hệ mới. Sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhiều ngành, DN và sản phẩm của nước ta sẽ gặp khó khăn hơn.

“Việc thực hiện các cam kết sâu rộng và cao hơn, nhất là vấn đề lao động, việc làm, bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu nội luật hóa các cam kết nếu không được nghiên cứu, chuẩn bị kỹ, có lộ trình và bước đi phù hợp, sẽ tác động tiêu cực đến quá trình đổi mới, hoàn thiện thể chế, giải quyết những vấn đề phức tạp, nhạy cảm”, ông Huân lo ngại.

Biến cái ‘bất định’ thành cái ‘xác định’

Theo ông Nguyễn Quang Huân, mặc dù thách thức còn nhiều nhưng cơ hội đối với khu vực kinh tế tư nhân cũng còn rất lớn. Việt Nam là một trong những nước có nền chính trị ổn định nhất thế giới hiện nay. Đây chính là tiền đề sáng, là động lực quan trọng để các DN trong nước có thể đề ra chiến lược kinh doanh ổn định trong thời gian dài và mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút vốn đầu tư.

Ngoài ra, Việt Nam đã và đang tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) như CPTPP, EVFTA... sẽ tạo ra cơ hội mở rộng, đa dạng hóa thị trường với mức ưu đãi cao, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, mạng lưới sản xuất toàn cầu, góp phần tích cực vào quá trình đổi mới đồng bộ và toàn diện, trao đổi công nghệ và phương thức quản lý kinh doanh mới, khơi dậy tiềm năng của đất nước và sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, để “tháo nút thắt”, biến thách thức thành cơ hội cho DN tư nhân, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, điều quan trọng nhất chính là cả chính sách và DN phải hướng đến cái mới.

“Cởi trói” cho kinh tế tư nhân - Ảnh 3.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

“Khi hướng đến cái mới, chúng ta không chỉ bắt kịp với những nước đi trước mà còn có cơ hội để đi cùng với thế giới. Trước kia chúng ta không biết rất nhiều điều thì thế giới lại biết; chúng ta biết ‘đôi điều’ thì thế giới lại biết ‘nhiều điều’. Gần như không có điều gì chúng ta biết mà thế giới lại không biết nên chúng ta thua và luôn cố gắng bắt kịp. Thế nhưng, có rất nhiều điều chúng ta không biết và thế giới cũng không biết nên ta có thể đi cùng”, TS. Võ Trí Thành nói.

TS Võ Trí Thành cho rằng, để hội nhập được, quan trọng nhất đối với các DN tư nhân là phải "chơi thật", bán được hàng và đứng vững được trên thị trường trong nước và thế giới.

"Điều này đòi hỏi các DN phải phát triển thực chất dựa trên năng lực của chính mình, thắng thật chứ không phải thắng giả vờ dựa trên những ưu đãi của Chính phủ. Khi nào các DN Việt Nam còn nhờ đến những ưu đãi này, nghĩ rằng mình kinh doanh ngành nghề gì thì được gì từ nhà nước thì khi ấy các DN chưa thể phát triển bền vững", TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh cách mạng 4.0, các DN Việt cần nhanh chóng “tư duy lại, thiết kế và xây dựng lại”, ưu tiên và tận dụng nguồn lực để bắt kịp với sự chuyển dịch công nghệ, học hỏi kinh nghiệm để phát triển.

Về ứng phó với bất định, rủi ro, theo TS Võ Trí Thành, nguyên tắc chính là biến cái “bất định” thành cái “xác định”. DN cần học hỏi, chuẩn bị, sử dụng các công cụ phòng chống rủi ro và chấp nhận sai lầm. Nếu như các DN nhà nước với bộ máy cồng kềnh, lợi ích nhóm lớn rất khó chấp nhận sai lầm thì các DN tư nhân có lợi thế hơn trong việc dễ dàng đương đầu với rủi ro.

“Chấp nhận sai lầm cũng là một yếu tố quan trọng để từ đó các DN có thể rút ra những bài học kinh nghiệm và có được thành công. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế hội nhập như hiện nay, các DN tư nhân cần dám nghĩ, dám làm, không nên chờ đợi vào các ưu đãi từ Chính phủ. Yếu tố quyết định nhất đối với thành công của DN tư nhân không phải từ Chính phủ mà là chính bản thân họ”, ông Thành nhấn mạnh./.

Theo Cẩm Tú

VOV

Trở lên trên