MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Con dao hai lưỡi" từ những thói quen tưởng chừng lành mạnh: Năm mới, thập kỷ mới rồi, thay đổi ngay vì sức khỏe thôi!

27-01-2020 - 21:07 PM | Sống

Uống nhiều nước, dùng chỉ nha khoa, quan tâm đến những thực phẩm ăn hàng ngày... đều là những thói quen được xem là tốt cho sức khỏe. Nhưng liệu chúng ta có đang duy trì chúng đúng cách? Cùng lắng nghe lời khuyên từ các chuyên gia.

Thế giới chuyển động, hàng ngày, mỗi chúng ta tiếp nhận hàng trăm thói quen được cho là tốt. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ về tất cả, bạn sẽ rơi vào trạng thái hoang mang. Sự thật là chúng ta đang duy trì những thói quen vàng chưa đúng cách. Vậy làm thế nào để bạn nhận biết được điều đó?

Để nghiên cứu sâu hơn về điều này, chúng tôi đã hỏi các chuyên gia về bảy thói quen nghe có vẻ lành mạnh nhưng thực tế lại không phải như vậy.

1. Uống 2 lít nước mỗi ngày và sự thật 

Uống 2 lít nước mỗi ngày đã trở thành khẩu hiệu và tôn chỉ sống của rất nhiều người trên thế giới. Tuy nhiên, tiến sĩ Elroy Vojdani - người tiên phong trong lĩnh vực y học chức năng tại Los Angeles - chia sẻ: “Một số người sẽ cần nhiều hơn hoặc ít hơn tùy thuộc vào mức độ hoạt động và lượng nước mà họ hấp thụ từ các nguồn khác nhau”. 

Nếu da hoặc môi của bạn có dấu hiệu nứt nẻ, nguyên nhân có thể là do cơ thể bạn đang bị thiếu nước. Quan trọng hơn, bạn cần hấp thụ lượng nước phù hợp với nhu cầu cơ thể của mình.

Lời khuyên của các chuyên gia là hãy mua nước trong chai thủy tinh hoặc tốt hơn là bạn nên tái sử dụng các bình thủy tinh còn sạch và đổ đầy nước đã được lọc vào trong đó. Với chai nhựa, bạn có thể nuốt phải các hóa chất như BPA và phthalate có hại ngay cả trong chai không có chứa BPA. Ngoài ra, chai nhựa là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường và cần hạn chế.

Con dao hai lưỡi từ những thói quen tưởng chừng lành mạnh: Năm mới, thập kỷ mới rồi, thay đổi ngay vì sức khỏe thôi! - Ảnh 1.

Nếu da hoặc môi của bạn có dấu hiệu nứt nẻ, nguyên nhân có thể là do cơ thể bạn đang bị thiếu nước. Quan trọng hơn, bạn cần hấp thụ lượng nước phù hợp với nhu cầu cơ thể của mình.

2. Dùng chỉ nha khoa hàng ngày, lợi hay hại? 

Theo nha sĩ thẩm mỹ Bill Dorfman – người tham gia chương trình Extreme Makeover (Hoán đổi sắc đẹp) trên kênh ABC và là tác giả của cuốn sách Billion Dollar Smile (Nụ cười tỷ đô): “Bàn chải đánh răng chỉ có thể làm sạch 3 trên 5 bề mặt răng miệng, vì vậy để làm sạch 2 bề mặt còn lại bạn nên sử dụng chỉ nha khoa. Nếu không, bạn sẽ rất dễ bị sâu răng. Trường hợp không được điều trị kịp thời, chúng có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng".

Tệ hơn nữa, tiến sĩ Dorfman cho biết “mảng bám còn sót lại có thể dẫn đến nhiễm trùng miệng mãn tính, mà chúng có liên quan đến các bệnh về tim mạch. Bạn nên dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần mỗi ngày trước khi bạn đánh răng, thực hiện chuyển động lên, xuống dọc các răng. Hãy nhớ việc sử dụng chỉ nha khoa đúng cách vô cùng quan trọng, nếu dùng sai cách, chỉ nha khoa có thể vô tình gây tổn thương niêm mạc răng lợi của chính bạn".

Con dao hai lưỡi từ những thói quen tưởng chừng lành mạnh: Năm mới, thập kỷ mới rồi, thay đổi ngay vì sức khỏe thôi! - Ảnh 2.

Bàn chải đánh răng chỉ có thể làm sạch 3 trên 5 bề mặt răng miệng, vì vậy để làm sạch 2 bề mặt còn lại bạn nên sử dụng chỉ nha khoa. Nếu không, bạn sẽ rất dễ bị sâu răng. Trường hợp không được điều trị kịp thời, chúng có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng.

3. Thanh lọc, làm sạch cơ thể - có cần thiết không? 

Thanh lọc, làm sạch để loại bỏ độc tố là hoạt động cần thiết cho cơ thể bạn.

Kellie Gragg, RDN, giám đốc Câu lạc bộ spa và sức khỏe ở Colorado Springs, Colorado tại Hoa Kỳ cho biết: “Ngoại trừ một số trường hợp giảm cân nhanh chóng, ngắn hạn, các nhà nghiên cứu cho rằng việc thanh lọc, loại bỏ độc tố chỉ hiệu quả khi bạn chăm sóc bản thân khoa học thông qua việc ăn uống và sinh hoạt hàng ngày”. 

Cô cho biết thêm cơ thể được cấu tạo để trung hòa và loại bỏ hầu hết các độc tố mà bạn tiếp xúc hàng ngày. Khi bạn chăm sóc tốt cho bản thân, hệ thống giải độc sẽ hoạt động hiệu quả nhất.

Một số lời khuyên được đưa ra là tránh ăn thực phẩm chế biến có chất bảo quản, uống nhiều nước, tăng cường vận động, ngủ đủ giấc và thường xuyên theo dõi lượng hóa chất độc hại tích tụ trong chất béo của cơ thể, từ đó xây dựng và điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, khoa học.

4. Bổ sung men vi sinh - nên hay không? 

Nếu bạn đang tìm cách để cải thiện sức khỏe lâu dài, đặc biệt là nếu bạn bị Hội chứng ruột kích thích (IBS) hoặc thỉnh thoảng có vấn đề về tiêu hóa thức ăn, men vi sinh có thể giúp ích.

Tiến sĩ Vojdani - bác sĩ y khoa, người sáng lập Regeneral Medical - cho biết, men vi sinh giúp thay đổi thành phần của vi khuẩn trong ruột của bạn, sau đó làm giảm viêm ruột hệ thống. 

Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng ruột và não bộ có mối liên hệ chặt chẽ về mặt sức khỏe, đường ruột khỏe mạnh có thể giúp chúng ta giảm nguy cơ phát triển các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer, hay Parkinson.

Trong trường hợp cần bổ sung men vi sinh, bạn nên tìm mua những sản phẩm có chứng nhận tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) với các loại vi khuẩn Lactobacilli và bifidobacteria và ít nhất 20 tỷ CFU mỗi khẩu phần. 

Con đường ngắn nhất để bổ sung men vi sinh vào cơ thể chúng ta là thông qua việc tăng cường rau xanh, sữa chua và các món soup.

5. Tính toán số lượng calo - có thực sự cần thiết? 

Tính số lượng calo cần thiết được cho là phần cốt yếu trong các chương trình giảm cân mang tính chất thương mại, nhưng nó không hoạt động một cách hiệu quả.

Hầu hết các bài tập giảm cân hiện nay đều tập trung vào việc kiểm soát lượng calo cần thiết trong cơ thể, tuy nhiên hoạt động này không thực sự hiệu quả. Theo thạc sĩ Robin Foroutan, chuyên gia dinh dưỡng y học tích hợp, người phát ngôn của Viện Hàn lâm Dinh dưỡng và Ăn kiêng New York, kiểm soát chặt chẽ lượng calo không phải là một thói quen tốt cho cơ thể.

"Điều quan trọng thực sự là không phải ai cũng hấp thụ lượng calo theo cùng một cách hoặc đốt cháy calo với cùng một tốc độ, và các loại calo khác nhau ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất theo những cách khác nhau” - thạc sĩ Robin cho hay. 

Mặc dù bạn quan tâm việc bạn ăn bao nhiêu mỗi ngày là một ý tưởng tốt, nhưng nếu tính lượng calo theo một cách khắt khe có thể dẫn đến việc ăn uống không điều độ và hấp thụ những thực phẩm không lành mạnh trong thời gian dài gây nên những tác hại khôn lường.

Con dao hai lưỡi từ những thói quen tưởng chừng lành mạnh: Năm mới, thập kỷ mới rồi, thay đổi ngay vì sức khỏe thôi! - Ảnh 3.

6. Theo dõi cân nặng hàng ngày - nên hay không? 

Thông thường, khi bạn đang cố gắng giảm hoặc duy trì cân nặng, bạn sẽ bước lên bàn cân và theo dõi chỉ số kg hiển thị mỗi ngày. Tuy nhiên, hành động này cũng có những mặt tiêu cực. 

Theo chuyên gia Gragg: “Đối với một số người theo dõi cân nặng một cách thường xuyên có thể trở nên ám ảnh và cực kỳ không tốt cho sức khỏe”. Vậy nên đừng biến mình trở thành nô lệ của bàn cân. Bạn chỉ cần nhớ rằng cân nặng không cho chúng ta biết tất cả mọi thứ về cơ thể, đừng để cân nặng trở thành gánh nặng tâm lý của chính bạn.

Theo Health

Nguyễn Ngân

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên