MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Con đường duy nhất để người Việt thực sự thoát kiếp “nô dịch” trong tư duy, tiềm thức là gì?

"Vị trí địa lý, lịch sử đã trao vào tay Việt Nam cơ hội đứng lên lãnh đạo khối ASEAN. Chúng ta đã mất nhiều cơ hội, và lần này, chỉ có dũng khí của kẻ có tầm nhìn xa, dám đương đầu để nhận trọng trách lớn, mới biết nắm bắt lấy cơ hội này!”.

Đây là những chia sẻ trong tham luận của ông Nguyễn Hữu Thái Hoà, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chiến lược kiêm Giám đốc chiến lược (CSO) của Tập đoàn VNPT tại một buổi hội thảo nói về giấc mơ Việt Nam.

Theo đó, ông cho biết, con đường duy nhất để người Việt Nam có thể “ngẩng cao đầu” và thật sự thoái khỏi “kiếp nô lệ” từ trong tư duy, tiềm thức chính là phải ý thức và dám đề ra một chiến lược cụ thể để định vị Việt Nam trở thành một trung tâm quan trọng của thế giới.

Vị giám đốc chiến lược này cho biết, định vị Việt Nam trước tiên có thể làm ngay là định vị lại thương hiệu Việt. Hiện hai chữ “Việt Nam” hiện nay trên Google Search đang có giá trị thương hiệu lớn gấp nhiều lần những nước khác trong khu vực hoặc có diện tích, dân số tương đương.

Điều đó một phần nhờ những ánh hào quang của Việt Nam trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ trong quá khứ.

“Chúng ta phải biết nhanh tay tận dụng thương hiệu Việt trước khi thế giới quên lãng chứng ta, bằng những giá trị chất lượng và sự khác biệt trong từng sản phẩm, dịch vụ!”, ông cho biết.

“Tôi nghiệm thấy rằng đất nước và con người Việt Nam dù bản sắc riêng không thật sự mạnh mẽ nhưng lại hội tụ hầu như đầy đủ tất cả những giá trị nổi bật của nhiều nền văn hoá, có nhiều điều kiện để hình thành được một “thương hiệu chất lượng toàn cầu”, chất lượng cao trong xu thế phát triển đa chiều của thời đại toàn cầu hoá ngày nay”, ông Thái Hoà khẳng định.

So sánh với các nước, ông Nguyễn Hữu Thái Hoà cho biết Việt Nam có rất nhiều điểm thuận lợi. Đó là Việt Nam đã tiếp thu căn bản của tinh hoa văn hoá phương Tây từ rất sớm. Chữ viết Việt Nam ngày nay sử dụng mẫu tự Latin giúp ta dễ tiếp cận và giao tiếp với phương Tây, thuận lợi hơn nhiều so với các thổ ngữ của Thái Lan, Ấn Độ, kể cả Trung Quốc.

Thực tế cũng cho thấy là nhiều chuyên gia từ Pháp, Mỹ... đều thích đến và làm việc tại Việt Nam và dễ dàng hoà nhập với con người và văn hoá Việt hơn các dân tộc khác.

Người Nhật vốn là một dân tộc rất đặc trưng trong cung cách ứng xử và văn hoá công việc, đang đặt rất nhiều kỳ vọng trong việc hợp tác với Việt Nam. Điều này thể hiện qua số lượng lớn các dự án đầu tư FDI từ Nhật vào Việt Nam trong nhiều năm qua.

“Tôi thì cho rằng người Nhật sở dĩ có nhiều thiện cảm với chúng ta là do rất trân trọng truyền thống anh hùng và ý chí của nhân dân Việt Nam qua các cuộc chiến tranh giữ nước”, ông Hoà nhận xét.

Các nước ASEAN từ nhiều năm nay đã xem Việt Nam là một thành viên quan trọng trong vùng và vị trí chiến lược về mặt chính trị, quân sự, kinh tế, thương mại của Việt Nam ở bản đồ Đông Nam Á càng làm tăng thêm tầm ảnh hưởng.

Bản chất người Việt là dễ hoà nhập và linh động, ông Hoà cho hay. Do vậy, theo ông, nếu ta biết học tập các giá trị về chất lượng dịch vụ cao, các cách quản lý kinh doanh... từ các nước bạn, đồng thời dựa trên nền tảng khá dồi dào về nguồn nhân lực, tài nguyên bản địa, thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có một tương lai sáng sủa không hề thua kém bạn bè trong khu vực.

Mặt khác, đối với người láng giềng Trung Quốc, ông Thái Hoà cho rằng nếu Việt Nam không tạo được những đột biến đặc biệt, Việt nam có thể sẽ là cái bóng, mãi lẽo đẽo đi sau Trung Quốc.

“Tôi cho rằng việc ta giải quyết thành công các mối quan hệ với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực chính là những yếu tố quyết định cho chiến lược phát triển của Việt Nam. Ta phải biết phát huy được những thành tựu của Trung Quốc, đồng thời cần tránh những bài học xương máu từ thất bại của họ. Nhưng quan trọng nhất là ta phải có những định hướng chiến lược riêng, mà chỉ với đặc thù của Việt Nam sẽ phát huy được hiệu quả cao. Đó là những đặc thù của riêng ta mà Trung Quốc và các quốc gia khác không có được!”, ông Thái Hoà nhấn mạnh.

Ông cho biết, đặc thù chiến lược Việt Nam cũng chính là “giấc mơ chất lượng” mà ông ấp ủ, hướng đến trong nhiều năm qua.

Theo đó, xây dựng được một thương hiệu chất lượng toàn cầu nhưng cũng là một thương hiệu Việt Nam chất lượng cao trong mắt bạn bè thế giới. Nghĩa là trong 10, 20 năm nữa, khi một nhãn hiệu “Made in Vietnam” xuất hiện trên thị trường là đồng nghĩa với giá trị chất lượng cao, uy tín và có đặc thù nổi trội khác hẳn với những nhãn hiệu “sàn sàn bậc trung” như chính sách không cần đồ tốt, chỉ cần hợp túi tiền của Trung Quốc.

Một cơ hội mà theo ông Thái Hoà là Việt Nam không nên bỏ qua chính là tận dụng các tập đoàn đa quốc gia. Bởi thông qua các hình thức liên doanh, liên kết, giới thiệu sản phẩm ra thế giới đồng thời học hỏi được cách làm của họ.

“Những thương hiệu Việt Nam cần biết tập trung vào thế mạnh của mình và cũng phải biết cách quảng bá cho hình ảnh chất lượng tích cực của thương hiệu Việt Nam”, ông nói. Bởi một “giấc mơ chất lượng” cho thương hiệu Việt như thế mới có thể góp phần đưa nước Việt Nam tự khẳng định mình để mạnh mẽ tiến lên phía trước trong vận hội của thời đại mới!”.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên