“Con đường tơ lụa” của Trung Quốc lớn cỡ nào?
Ngân hàng Credit Suise dự báo Trung Quốc có thể đầu tư tới 500 tỷ USD vào 60 quốc gia trong sáng kiến này 5 năm tới...
- 15-08-2016Vì sao Trung Quốc đưa Singapore vào kế hoạch Con đường tơ lụa
- 07-08-2016Phượt thủ độc hành trên Con đường tơ lụa huyền thoại: "Hãy tháo dây, nhổ neo khỏi bến đỗ an toàn"
- 29-04-2016Trung Quốc hối hả hồi sinh "con đường tơ lụa"
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới và quốc gia đông dân nhất hành tinh, đang muốn gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế bằng sáng kiến “con đường tơ lụa”.
Mạng lưới khổng lồ
Vào cuối tuần này, đông đảo quan chức ngoại giao và lãnh đạo doanh nghiệp từ nhiều quốc gia mà “con đường tơ lụa” dự kiến đi qua sẽ có mặt tại Bắc Kinh để tham dự cuộc họp kéo dài hai ngày về sáng kiến này. Hãng tin CNBC cho biết, đây là sáng kiến nhằm kết nối giữa châu Á, châu Âu, Trung Đông và châu Phi nhằm thúc đẩy thương mại và phát triển.
“Con đường tơ lụa”, còn có tên “một vành đai, một con đường” là sáng kiến được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu công bố vào năm 2013, sau đó được coi là một trong ba chiến lược quốc gia chính và trở thành một chương trong kế hoạch 5 năm 2016-2020 của nước này.
Mục tiêu của “con đường tơ lụa” là tạo một tuyến thương mại từ châu Á, qua châu Âu và Trung Đông và tới châu Phi, với một mạng lưới hậu cần và giao thông khổng lồ, sử dụng đường bộ, cảng biển, đường sắt, đường ống, sân bay, các mạng lưới điện xuyên quốc gia, và thậm chí cả các tuyến cáp quang.
Kế hoạch này bao hàm 65 quốc gia, chiếm tổng cộng 1/3 GDP toàn cầu và 60% dân số thế giới, tức vào khoảng 4,5 tỷ người - theo ước tính của Oxford Economics.
Sáng kiến này là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm gia tăng ảnh hưởng toàn cầu, bởi thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, Bắc Kinh có thể giúp các quốc gia nằm trên tuyến thương mại này thu hút thêm vốn đầu tư và gia tăng hoạt động giao thương.
Ngoài ra, “con đường tơ lụa” được dự báo sẽ mang lại lợi ích cho khu vực phía Tây còn kém phát triển của Trung Quốc thông qua kết nối với các quốc gia láng giềng. Trong dài hạn, “con đường tơ lụa” sẽ giúp Trung Quốc tăng cường tiếp cận với các nguồn năng lượng ở nước ngoài.
Trước mắt, sáng kiến này có thể tạo một “cú hích” cho nền kinh tế Trung Quốc nhờ nhu cầu ở nước ngoài, hút bớt một phần công suất dư thừa của ngành công nghiệp nặng Trung Quốc. Tuy nhiên, giới phân tích nói rằng đây chỉ là những lợi ích phụ.
Thay vào đó, quan trọng hơn cả, “con đường tơ lụa” là một cơ hội để Trung Quốc nắm bắt vai trò lãnh đạo toàn cầu - một vai trò vốn trước đây thuộc về Mỹ và giờ có thể đang bị bỏ ngỏ, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trong bối cảnh Mỹ dường như muốn co cụm, Trung Quốc rõ ràng muốn mở rộng ảnh hưởng của mình. Điều này thể hiện rõ trong bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ hồi tháng 1 năm nay. Trong đó, ông Tập ca ngợi những lợi ích của toàn cầu hóa và kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế.
Hàng trăm tỷ USD chờ đợi?
Theo dự kiến, hầu hết vốn đầu tư cho “con đường tơ lụa” được cấp bởi các ngân hàng chính sách và ngân hàng thương mại của Trung Quốc. Tuy nhiên, các ước tính về chi phí cho sáng kiến này rất khác nhau.
Năm 2015, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) cho biết đã dành riêng 890 tỷ USD cho hơn 900 dự án thuộc sáng kiến trên. Đầu năm ngoái, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc tuyên bố đã bắt đầu cấp vốn cho hơn 1.000 dự án. Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) cũng cung cấp vốn cho “con đường tơ lụa”.
Theo ước tính của Oxford Economics, 4 ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc đã cấp 90 tỷ USD vốn vay cho các nước trên tuyến “con đường tơ lụa” trong năm 2016. Ngân hàng Credit Suise dự báo Trung Quốc có thể đầu tư tới 500 tỷ USD vào 60 quốc gia trong sáng kiến này 5 năm tới.
Đến thời điểm này, một số dự án đã được khởi động, bao gồm một tuyến đường sắt dài 418 km nối giữa Trung Quốc với Lào, cùng một loạt dự án hạ tầng với tổng vốn đầu tư 46 tỷ USD mang tên hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan. Một dịch vụ tàu hỏa chở hàng sẽ nối giữa Trung Quốc và châu Âu. Ngoài ra, Trung Quốc và Pháp đang cùng phát triển nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point trị giá 24 tỷ USD ở Anh.
Mặc dù vậy, cũng đã có những thông tin về sự trì hoãn và nhập nhằng của các dự án. Đã xuất hiện những lo ngại quanh việc vốn đầu tư có được sử dụng đúng mục đích - một vấn đề không rõ theo dõi ở nhiều quốc gia nơi có dự án được đầu tư.
Các doanh nghiệp quốc doanh và tư nhân của Trung Quốc từ lâu đã đầu tư ra nước ngoài. Các chuyên gia tại công ty nghiên cứu IHS nói rằng trên một phương diện nào đó, sáng kiến “con đường tơ lụa” chỉ là một cách xây dựng thương hiệu thông minh cho những gì Trung Quốc đang làm.
Ngoài ra, việc Bắc Kinh dùng ảnh hưởng chính trị bằng cách đưa ra một kế hoạch lớn như vậy sẽ giúp các công ty nước này giành hợp đồng nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Giới phân tích nhận đinh, “con đường tơ lụa” sẽ mang lại lợi ích lớn cho các công ty quốc doanh Trung Quốc, từ các công ty dầu khí tới đường sắt. Trong dài hạn, sáng kiến này cũng có thể giúp thúc đẩy việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ thông qua khuyến khích sử dụng đồng tiền này trong các giao dịch thương mại và tài chính trên tuyến thương mại được thiết lập.