MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Cơn sốt' ô tô điện - ngành giúp các ông lớn kiếm bộn tiền, nhưng cũng khiến không ít 'gã khổng lồ ngã ngựa'

'Cơn sốt' ô tô điện - ngành giúp các ông lớn kiếm bộn tiền, nhưng cũng khiến không ít 'gã khổng lồ ngã ngựa'

Hồi đầu năm 2021, "cơn bão xe điện" đã góp phần đưa Elon Musk trở thành tỷ phú giàu nhất hành tinh, nhưng "cơn bão này" cũng là 1 phần nguyên nhân khiến "gã khổng lồ" Evergrande đứng trên bờ vực phá sản. Vậy kịch bản nào sẽ đến với ngành ô tô điện Việt Nam?

"Cơn bão ô tô điện" giúp các "ông lớn" kiếm bộn tiền

Elon Musk – CEO Tesla

Bất chấp ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng COVID-19, 2020 là một năm thắng lớn với Tesla, khi tổng doanh thu tăng hơn 36% so với 2019. Tháng 4/2021, Tesla đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2021, với khoản lãi lớn 1 tỷ USD - chưa từng thấy trong lịch sử hãng xe điện này.

CEO Elon Musk đã có những thành công đột phá, khiến Tesla trở thành hãng xe có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới, thậm chí vượt cả Toyota. Giá trị cổ phiếu của công ty đã tăng hơn 6 lần trong 2020 và vẫn đang tiếp tục tăng trong năm 2021.

Theo Bloomberg, nhờ "cơn bão xe điện", tài sản ròng của Elon Musk đã tăng 197% vào tháng 8/2020. Ông "bỏ túi" gần 8 tỷ USD chỉ riêng ngày 17/8, trở thành người giàu thứ 4 thế giới với khối tài sản 90,3 tỷ USD.

Đến đầu năm 2021, nhờ cơn sốt cổ phiếu của Tesla đã khiến ông Musk trở thành tỷ phú giàu có nhất hành tinh, đồng thời cũng lọt vào Top 100 nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới.

Larry Ellison

Larry Ellison hiện là cổ đông lớn thứ 2 tại Tesla. Ông tham gia hội đồng quản trị của hãng xe điện từ cuối năm 2018, sau khi mua 3 triệu cổ phiếu, trị giá khoảng gần 1 tỷ USD. Và đến tháng 1 năm nay, cổ phiếu Tesla đã mang lại cho Ellison lợi nhuận khổng lồ, lên đến hơn 1,6 tỷ USD.

Wang Chuanfu – Chủ tịch BYD

Từng là trẻ mồ côi, được anh chị nuôi đi học và sinh ra tại một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc. Tỷ phú Wang Chuanfu thành lập công ty pin sạc BYD vào giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, sau này mở rộng sang sản xuất ô tô điện và thành công rất nhanh. Công ty đã từng được nhà đầu tư gạo cội Warren Buffett để mắt, đầu tư nắm giữ 8% cổ phần thông qua công ty Berkshire Hathaway.

Trong cơn sốt xe điện trên toàn thế giới, giá cổ phiếu của BYD đã tăng tới 174% vào năm 2020 tại HongKong, giúp Wang Chuanfu nắm giữ khối tài sản lên đến 16,3 tỷ USD.

Bên cạnh những tỷ phú giàu lên nhờ sự góp mặt của xe điện, thì cũng không ít những "gã khổng lồ" ngã ngựa vì xe điện

Hứa Gia Ân – Chủ tịch Evergrande

China Evergrande thành lập công ty ô tô điện Evergrande NEV vào năm 2018. Chủ tịch Hứa Gia Ân khẳng định Evergrande NEV sẽ nhanh chóng vượt qua Tesla của tỷ phú Elon Musk tại thị trường Trung Quốc.

Công ty đã huy động hàng tỷ USD tiền đầu tư vào xe điện dù không hề có doanh số.

Theo Bloomberg, ông Bill Russo, CEO hãng tư vấn Automobility nhận định về Evergrande NEV: "Đây là một công ty kỳ lạ. Họ đổ rất nhiều tiền đầu tư nhưng chẳng sản xuất được gì. Họ lao vào một ngành công nghiệp khó nhằn mà bản thân họ không hề có kiến thức gì cả".

Theo Fortune, trong nửa đầu 2021, ước tính Evergrande NEV lỗ ròng 740 triệu USD.

Bên cạnh đó, Wall Street Journal cho biết, China Evergrande còn dùng startup ô tô điện làm phương tiện huy động vốn cho cả tập đoàn. Dù vậy, đến tháng 9 này, giá cổ phiếu của Evergrande NEV đã giảm 92% so với mức đỉnh hồi tháng 4. China Evergrande tính bán công ty xe điện cho Xiaomi nhưng không thành công.

Theo Bloomberg, làn sóng đầu tư và mở rộng nhà máy để sản xuất xe điện ồ ạt tại Trung Quốc đang cho thấy những mặt trái, đặc biệt, Chính phủ nước này phải bắt đầu "hãm phanh". Dù Trung Quốc không công khai số liệu về các công ty trong ngành xe điện phá sản, nhưng từ năm ngoái đến nay, ít nhất đã có hơn 10 nhà sản xuất xe điện phải đóng cửa hoặc tái cơ cấu để tránh phải giải thể.

Còn tại Việt Nam hiện nay, một trong những "ông lớn" đi đầu trong lĩnh vực phát triển xe ô tô điện là Vingroup.

Tháng 6/2021, trong cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định: "Tại sao chúng tôi tự tin việc bán xe trên thế giới, vì đối tượng chúng tôi nhắm đến không phải xe điện mà là chuyển đổi từ xe xăng thành xe điện. Xe điện Vinfast không thua kém Tesla. Sắp tới, mức độ thông minh sẽ cao cấp hơn, tự lái cấp độ 3 chính thức, chứ không phải tự nhận như một số hãng bây giờ".

Chủ tịch Vingroup dự tính, đến năm 2026 sẽ bán hàng trăm nghìn xe. Ngay trong năm tới đây, nếu không vì thiếu chip, Vingroup dự kiến bán khoảng 56.000 xe. Nhưng do thiếu chip, nên kế hoạch phải co lại còn 15.000 xe.

Hồi tháng 4/2021, Vinfast đã khiến cả thế giới phải chú ý, khi bất ngờ đăng TVC quảng cáo trên các chương trình "CNN Newsroom", "Inside Politics"… của kênh truyền hình CNN. Đây là TVC quảng cáo của mẫu ô tô điện VF e36, dự kiến sẽ được mở bán tại thị trường Mỹ, Canada và châu Âu từ cuối năm nay.

Theo phân tích của ASEAN Today, Vinfast được đánh giá là nhân tố quan trọng tạo đà phát triển ngành công nghiệp xe điện của khu vực Đông Nam Á, khi lĩnh vực này đang trên đà phát triển nhanh chóng ở các nước trong khu vực.

Một minh chứng cho tiềm năng phát triển ô tô điện của Vinfast, ngày 24/3/2021, Vinfast chính thức công bố nhận đặt hàng mẫu xe điện đầu tiên VF e34 với giá 690 triệu đồng/chiếc, và chỉ sau 12 giờ mở bán, mẫu xe điện đầu tiên của Vinfast đã nhận được lượng đặt hàng "khủng", với số lượng hơn 3.692 đơn. Đây là 1 kỷ lục chưa từng có trên thị trường ô tô điện Việt Nam.

Theo Vinfast, việc sở hữu nhân lực chất lượng cao, chính sách mở cửa và khả năng bắt kịp xu thế tất yếu của ngành công nghiệp điện hóa sẽ mang đến 1 tương lai đầy triển vọng cho thị trường xe ô tô điện Việt Nam. Với tiềm năng vốn có, cộng với những chính sách ưu đãi của Chính phủ để thúc đẩy ngành công nghiệp không khói này, nếu tận dụng tốt cơ hội để phát triển thì thị trường xe ô tô điện Việt Nam sẽ nhanh chóng bứt tốc, khẳng định vị thế trong khu vực và vươn tầm thế giới.

Tuy nhiên, phát triển ngành ô tô điện tại Việt Nam vẫn chứa đựng nhiều thách thức. Trước tuyên bố về việc Vinfast sẽ thực hiện ước mơ đưa ô tô điện ra toàn cầu và ghi tên mình trên bản đồ thế giới, ông Peter Wells, Giáo sư về Kinh doanh và Bền vững tại Trung tâm Nghiên cứu Công nghiệp Ô tô của Đại học Cardiff, nói với Asia Times, những tham vọng mà Vinfast đặt ra là vô cùng thách thức.

"Họ đang cố gắng thâm nhập vào một số thị trường mới. Mặc dù xe điện ngày càng phổ biến với người tiêu dùng, nhưng lĩnh vực này đã tràn ngập các thương hiệu lớn như Tesla của Elon Musk và Lynk and Co. của Trung Quốc - Thụy Điển".

Bill Russo, người đứng đầu công ty tư vấn Automobility Ltd có trụ sở tại Thượng Hải và là cựu Giám đốc điều hành của Chrysler cho biết: "Điểm mạnh của công ty này là về tốc độ tiếp thị và họ dường như được sinh ra để hướng tới toàn cầu".

"Liệu người Mỹ có mua xe Việt Nam? Ô tô Nhật Bản là sự lựa chọn giá rẻ trong những năm 1970 và Hàn Quốc là sự lựa chọn vào những năm 1980. Vì vậy, có tiền lệ rằng các công ty châu Á có thể thành công trên thị trường", Russo nói thêm.

Ông Lê Hồng Hiệp, thành viên cấp cao của Chương trình Nghiên cứu Việt Nam tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, kế hoạch mở rộng sang các thị trường châu Âu và châu Mỹ của Vinfast "được cả Chính phủ và công chúng Việt Nam đón nhận vì Vingroup hiện được coi là một trong những 'nhà vô địch quốc gia', có thể giúp chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam theo hướng đổi mới và hiệu quả hơn".

"Và ngay cả trong trường hợp sự mở rộng về phương Tây của Vinfast không đạt được kỳ vọng, nó chắc chắn cũng sẽ giúp những 'nhà vô địch quốc gia' đang lên của Việt Nam hiện hữu trên bản đồ quốc tế", ông Hiệp kết luận.

Hồng Nhuận

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên