Điểm lại 5 dự án FDI 'khủng' 9 tháng đầu năm: LG đầu tư thêm 2,15 tỷ USD, DN Singapore, Nhật Bản rót hàng tỷ USD vào sản xuất điện
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch đầu tư, bất chấp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 9 tháng đầu năm vẫn tăng 4,4%.
- 25-09-2021CEO Qualcomm Đông Dương: ‘Tốc độ 5G kỷ lục tại Viettel Innovation Lab là bước tiến rất quan trọng trong thương mại hoá dịch vụ 5G Việt Nam’
- 24-09-2021Thống nhất chung một ứng dụng chống dịch, người có app xanh được phép di chuyển
- 24-09-2021Lộ diện top 10 tỉnh thành thu hút FDI 9 tháng đầu năm: TP. HCM, Hà Nội hay Bắc Ninh đều không đứng đầu
Theo Cục Quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và tiếp tục có tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khu vực phía Nam.
Tính đến 20/9/2021, dịch Covid-19 làm một số nhà máy bị ngưng hoặc giảm công suất, các dự án FDI dự kiến giải ngân giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 5,5 điểm phần trăm so với 8 tháng năm 2021, ước tính 13,28 tỷ USD.
Tuy vậy, vốn đầu tư đăng ký mới và vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục duy trì tăng và đạt mức tăng mạnh hơn so với 8 tháng đầu năm. Trong đó, tổng vốn đăng ký mới đạt gần 12,5 tỷ USD (tăng 20,6% so với cùng kỳ) và tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 6,4 tỷ USD (tăng 25,6% so với cùng kỳ).
Song số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh vẫn giảm so với cùng kỳ (tương ứng 37,8% và 15%).
"Việc suy giảm số dự án này chủ yếu tập trung vào nhóm dự án quy mô nhỏ (dưới 5 triệu USD), trong khi số lượng các dự án quy mô lớn (trên 50 triệu USD) vẫn duy trì tăng mạnh trong 9 tháng năm 2021", Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.
Đặc biệt, một số dự án lớn trong 9 tháng đầu năm 2021 có thể kể đến bao gồm:
(1) Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD với mục tiêu truyền tải và phân phối điện, sản xuất điện tại Long An (cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 19/3/2021).
(2) Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,15 tỷ USD (trong đó điều chỉnh tăng 1,4 tỷ USD ngày 30/8/2021 và tăng 750 triệu USD ngày 04/02/2021).
(3) Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD với mục tiêu xây dựng một nhà máy nhiệt điện nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia tại Cần Thơ (cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 22/01/2021).
(4) Dự án nhà máy sản xuất giấy Kraft Vina công suất 800.000 tấn/năm (Nhật Bản), tổng vốn đầu tư 611,4 triệu USD với mục tiêu sản xuất giấy kraft, giấy lót và giấy bao bì tại Vĩnh Phúc (cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 23/7/2021).
(5) Dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD (giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cấp ngày 13/5/2021).
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây là kết quả tích cực trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp FDI gặp khó khăn trong sản xuất và kinh doanh.
Trước sự sụt giảm đáng kể số lượng dự án cấp mới và điều chỉnh vốn, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, việc hạn chế nhập cảnh và chính sách cách ly dài ngày làm chững lại các đoàn chuyên gia và nhóm phát triển dự án vào Việt Nam khảo sát và làm các thủ tục đầu tư.
Việc phong tỏa nhà máy và hạn chế di chuyển của người lao động trong các khu công nghiệp làm đình trệ sản xuất, giảm công suất và sản lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng cũng góp phần làm ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư mới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.
"Đặc biệt, do đóng cửa nhà máy, thiếu hụt lao động để sản xuất nên nhiều đơn hàng phải chuyển sang các địa bàn khác trong chuỗi cung ứng. Tuy đây chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng nếu kéo dài tình trạng này thì có khả năng nhà đầu tư sẽ chuyển sản xuất sang nước khác", Cục Đầu tư nước ngoài cảnh báo.