Con tàu kinh tế Trung Quốc có nguy cơ trật bánh vì phụ nữ không muốn kết hôn
Việc phụ nữ Trung Quốc không muốn kết hôn có thể làm hỏng nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế của chính phủ nước này.
- 15-09-2016Tỷ phú Trung Quốc phải trả 1 tỷ USD cho vụ ly hôn đắt đỏ nhất lịch sử
- 14-09-2016Chê dự án quá tốn kém và có hại cho môi trường, Tổng thống Peru “dội nước lạnh” vào Trung Quốc
- 14-09-2016Bằng cách này Donald Trump có thể làm Trung Quốc “bốc hơi” 420 tỷ USD
Liu Zhenfeng kết hôn ở tuổi 25. Sau đó, bà có một cuộc sống thường thấy như bao phụ nữ lập gia đình khác – đẻ con, mua nhà và sắm sửa đồ đạc. Con gái bà, Song Zongpei, 28 tuổi, lại không muốn tiếp bước mẹ mình. Song hiện sống chung với hai người bạn ở một căn hộ đi thuê ở Bắc Kinh. Cô đang tập trung cho sự nghiệp và không có kế hoạch kết hôn hoặc làm mẹ trong tương lai gần. “Ở giai đoạn này, điều quan trọng nhất với tôi là sự nghiệp”, Song nói.
Tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm. Xu hướng này tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế và xã hội của Trung Quốc. Tỷ lệ kết hôn giảm dẫn đến tỷ lệ sinh giảm, khiến Trung Quốc có nguy cơ thiếu hụt lao động trong tương lai. Những người độc thân cũng ít chi tiêu cho việc mua nhà, đồ đạc và các sinh hoạt gia đình khác, trong khi đây là những hoạt động chi tiêu mà Trung Quốc rất cần để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nguyên nhân chính khiến tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc giảm là do quan niệm của phụ nữ nước này thay đổi. Số phụ nữ có học thức cao ở Trung Quốc ngày càng tăng. Họ muốn trì hoãn việc kết hôn để xây dựng sự nghiệp và tạo dựng nền tảng tài chính cho riêng mình. Phụ nữ Trung Quốc không xem kết hôn là cách sống duy nhất.
“Phụ nữ Trung Quốc hiện đại có học thức cao và công việc tốt. Họ không cần lấy chồng để có chỗ dựa về kinh tế”, Zhang Xiaobo, giáo sư kinh tế của Đại học Bắc Kinh cho biết.
Truyền thông Trung Quốc đang tích cực phổ biến tầm quan trọng của việc kết hôn. Họ năn nỉ phụ nữ đừng quá kén cá chọn canh trong việc tìm bạn đời. Nhưng có vẻ như thông điệp của họ không được phụ nữ Trung Quốc hưởng ứng.
Năm ngoái, chỉ có 12 triệu cặp đôi Trung Quốc đăng ký kết hôn. Đây là năm thứ hai liên tiếp số người đăng ký kết hôn ở Trung Quốc giảm. Trong khi đó, số vụ ly dị đã tăng lên 3,8 triệu trong năm ngoái, cao gấp đôi so với một thập kỷ trước.
Xu hướng trên có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc. Tỷ lệ kết hôn giảm khiến người tiêu dùng Trung Quốc tiết kiệm nhiều hơn. Người độc thân thường ít mua nhà hơn, đẻ ít con hơn và sắm sửa đồ đạc ít hơn các cặp vợ chồng. Ngoài ra, do tình trạng chênh lệch giới tính ở Trung Quốc, những gia đình có con trai thường phải tiết kiệm tiền trong nhiều năm để mua nhà cho con mình, giúp họ có lợi thế hơn trong việc tìm vợ sau này.
Việc người dân thắt chặt chi tiêu sẽ làm cản trở nỗ lực chuyển đổi mô hình kinh tế của chính phủ Trung Quốc. Nước này đang muốn giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư công để chuyển sang mô hình tiêu dùng nội địa bền vững hơn.
Rõ ràng, sự xuất hiện của tầng lớp phụ nữ thành thị trẻ, có học thức cao đã khiến tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc sụt giảm. Khác với phụ nữ Trung Quốc truyền thống, họ không cần kết hôn để có chỗ dựa về tài chính.
Cheng Guping, 30 tuổi, sống ở thành phố Hàng Châu là một trong những phụ nữ như thế. Cô làm việc cho một start-up và đồng thời đang theo học tiến sĩ kinh tế. Cô cho biết mình vừa chia tay bạn trai vì cô quá bận rộn với công việc và việc học. “Tôi cảm thấy tình yêu của mình chưa đủ lớn. Tôi muốn tập trung hơn cho sự nghiệp trong lúc này”, cô nói.
Cheng chia sẻ, cô cảm thấy khó tìm được đối tượng phù hợp. Cô cho biết, nhiều người đàn ông ở tuổi cô chưa trưởng thành hoặc không có trách nhiệm. Nói về một người bạn trai khác, cô miêu tả, “Khi chúng tôi muốn làm một điều gì đó hoặc đi ăn, anh ấy chỉ tỏ vẻ dễ thương và cười nói: ‘Tùy em’. Điều đó khiến tôi cảm thấy mình như có thêm một cậu con trai”.
Các doanh nghiệp cũng đang phải thay đổi để thích ứng với xu hướng trên. Jiajiashun, một công ty môi giới bất động sản trực tuyến, đang có kế hoạch bán nhà giá rẻ cho khách hàng độc thân. Midea, một nhà sản xuất thiết bị gia dụng, đang mở rộng mảng kinh doanh nồi cơm điện cỡ nhỏ dành cho người độc thân. “Chúng tôi cảm thấy lo lắng về những thay đổi trong cấu trúc gia đình ở Trung Quốc”, Huang Bing, giám đốc sản phẩm của Midea nói.