MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Covid-19 gây tổn thương các thị trường gạo, tấm và ngô đến mức nào?

26-01-2021 - 21:27 PM | Thị trường

Covid-19 gây tổn thương các thị trường gạo, tấm và ngô đến mức nào?

Nguồn cung lúa gạo – loại lương thực quan trọng nhất của hàng tỷ người dân trên toàn cầu – bị thắt chặt và việc vận chuyển gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đang đẩy giá gạo thế giới tăng không ngừng.

Giá gạo tại các nước sản xuất chủ chốt của Châu Á năm 2020 đã tăng khoảng 20 – 45% do nhu cầu nhiều bất thường, nhất là chủng loại chất lượng thấp (làm thức ăn chăn nuôi hoặc nguyên liệu thay thế) và do thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến sản lượng gạo ở một số thị trường chủ chốt.

Khô hạn ở Đông Nam Á khiến xuất khẩu gạo của Thái Lan và Việt Nam – nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 và 3 thế giới –bị giảm tổng cộng 1/4 trong khoảng thời gian tháng 1-11/2020 so với cùng kỳ năm 2019.

Bước sang năm 2021, xu hướng giá gạo tăng vẫn chưa dừng lại.

Tại Ấn Độ, giá gạo 100% tấm hiện đã tăng lên 280 USD/tấn tại một số cảng biển nước này, so với 260 USD/tấn hồi tháng 12/2020, và dự báo sẽ còn tăng tiếp.

Hợp đồng tham chiếu gạo (loại 5% tấm) của Thái Lan và Việt Nam hiện có giá cao hơn lần lượt 23% và 45% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá gạo nội địa ở Trung Quốc tăng khoảng 25%.

Giá gạo tại các trung trung tâm gạo của thế giới tăng cao

Covid-19 gây tổn thương các thị trường gạo, tấm và ngô đến mức nào - Ảnh 1.

Nhiều khách hàng Châu Á tăng cường nhập khẩu gạo tấm càng khiến cho nguồn cung trở nên hạn hẹp.

Trung Quốc, nước sản xuất gạo hàng đầu thế giới, tháng 12/2020 đã nhập khẩu gạo Ấn Độ lần đầu tiên trong vòng ít nhất 3 thập kỷ. Nước này vẫn đang tiếp tục mua gạo 100% tấm để làm mì và làm thức ăn chăn nuôi. Việt Nam cũng mua gạo tấm của Ấn Độ để làm thức ăn chăn nuôi và nấu bia rượu.

Thị trường một số loại ngũ cốc khác như ngô, lúa mì và đậu tương cũng "nóng" lên do thời tiết cực đoan ở những khu vực sản xuất chủ chốt và tình trạng vận chuyển bị tắc nghẽn do dịch Covid-19 càng khiến giá gạo tăng nhanh, vì trong nhiều trường hợp, gạo và các ngũ cốc khác có thể sử dụng thay thế nhau.

Tiêu thụ ngũ cốc của Trung Quốc năm 2020 mạnh mẽ đến nỗi không chỉ làm cạn kiệt kho dự trữ của quốc gia này, mà còn thúc đẩy hoạt động nhập khẩu ngũ cốc lên mức cao kỷ lục, khiến giá ngô, lúa miến và lúa mạch tăng mạnh. Nhu cầu nhập khẩu mạnh từ khách hàng Trung Quốc đã đẩy giá ngũ cốc thế giới tăng lên mức cao kỷ lục chưa từng có trong vòng 6 – 7 năm. Theo đó, giá ngô, một loại ngũ cốc quan trọng dùng sản xuất thức ăn chăn nuôi, tăng 25% đã tác động lan truyền tới thị trường ngũ cốc lương thực, buộc ngành chăn nuôi phải chuyển sang sử dụng gạo phẩm cấp thấp (giá rẻ), như gạo 100% tấm, làm thức ăn cho vật nuôi.

Chỉ số giá ngũ cốc của FAO năm 2020 cao nhất kể từ 2014

Covid-19 gây tổn thương các thị trường gạo, tấm và ngô đến mức nào - Ảnh 2.

Cước phí vận chuyển gạo từ Ấn Độ đến châu Phi đã tăng gấp ba lần, từ 50 USD/tấn tháng 11/2020 lên 150 USD/tấn hiện nay. Theo Mital Shah, giám đốc điều hành của công ty Sunrice – một trong những nhà nhập khẩu gạo lớn nhất Đông Phi, có trụ sở tại Kenya cho biết, các nhà nhập khẩu gạo Kenya trước kia chỉ phải trả 850 – 900 USD chi phí cho mỗi container, nhưng nay giá đã tăng lên 1.650 – 2.100 USSD/container. Kenya hàng năm tiêu thụ khoảng 700.000 tấn gạo, trong đó khoảng 600.000 tấn được nhập khẩu.

Trong khi đó, gạo luôn là vấn đề nhạy cảm tại nhiều quốc gia Châu Á và Châu Phi bởi giá lương thực tăng luôn là vấn đề đáng lo ngại ở những quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu.

Năm 2008, cuộc khủng hoảng lương thực thế giới khiến giá gạo và các ngũ cốc khác tăng bất thường đã dẫn đến tình trạng bất ổn ở một số quốc gia. Lần này cũng vậy, giá gạo tăng đúng lúc chi phí vận chuyển tăng cao do dịch Covid-19 đang làm dấy lên lo ngại rằng những quốc gia nghèo – vốn phụ thuộc vào gạo nhập khẩu – sẽ khó có thể đáp ứng đủ nguồn cung lương thực.

Theo chuyên gia về gạo của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), Shirley Mustafa, ngay lúc này thì Châu Phi chưa rơi vào tình trạng khó khăn về cung ứng lương thực. Tuy nhiên, nếu xuất khẩu gạo của Châu Á bị hạn chế thì tình hình trong 6-10 tháng tới sẽ trở nên nghiêm trọng, bởi đó là giai đoạn giáp hạt ở miền Bắc và miền Tây Châu Phi.

Châu Phi cận Sahara là một khách hàng mua gạo lớn trên thế giới, vốn phụ thuộc tới 40% vào gạo nhập khẩu. Trong khi đó, Nam Á và Đông Nam Á là nguồn xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Khu vực này cũng có nền văn hóa ăn cơm hàng ngày.

Reuters dẫn lời giám đốc điều hành của công ty xuất khẩu gạo lớn nhất Ấn Độ - Satyam Balajee, ông Himanshu Agarwal cho biết: "Từ trước tới nay, các nước Châu Phi thường mua gạo 100% tấm vì giá rẻ hơn các loại khác". Tuy nhiên, gần đây, các nước Châu Á như Việt Nam và Trung Quốc cũng bắt đầu mua gạo 100% tấm và trả giá cao hơn so với khách hàng Châu Phi trả.

Trước thực trạng đó, các nước nhập khẩu gạo Châu Phi đang liên kết lại để mua hàng rời (không đóng bao). Tuy nhiên, khó khăn đối với họ không chỉ là tình trạng khan hiếm container khiến giá tăng cao, mà còn bởi xuất khẩu gạo từ Đông Nam Á giảm sút. Một số chuyên gia dự báo trong khoảng 1-2 tháng nữa, khu vực này sẽ thiếu hụt khoảng 50.000 – 60.000 tấn gạo.

Tham khảo: Reuters

Vũ Ngọc Diệp

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên