MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'CPTPP là thách thức với nông sản Việt, chưa đủ lớn để dệt may đột phá'

Lãnh đạo Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng khi hội nhập CPTPP, nông sản được nhận định là ngành sẽ gặp khó khăn nhất. Còn với dệt may, quy mô các thị trường tham gia chưa đủ lớn để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư sản xuất trong nước.

Chia sẻ với báo chí bên lề tọa đàm Chính sách thuế và thủ tục hải quan khi thực hiện CPTPP ngày 28/5, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) cho biết ngành hàng được quan tâm nhất hiện nay là nông sản.

“Đây sẽ là ngành gặp khó khăn nhất trong việc điều chỉnh, nhưng không chỉ đối với Việt Nam mà cả các nước khác. Lần đầu tiên có một hiệp định chấp nhận lộ trình 20 năm với một số mặt số nông sản cá biệt. Vì vậy, trong lộ trình đó, chúng ta phải tìm cách chuyển đổi thành công mô hình sản xuất để hội nhập thành công không với chỉ CPTPP mà với cả những đối tác có năng lực cạnh tranh cao hơn sau này”, ông Thái nói.

Liên quan tới lĩnh vực dệt may, ông Thái cho rằng lợi ích mang lại phụ thuộc vào quy mô thị trường.

“CPTPP hiện nay không phải là thị trường lớn nhất với dệt may. Nếu muốn tăng giá trị sản xuất trong nước, quy mô thị trường phải đủ lớn để doanh nghiệp đầu tư sản xuất nguyên liệu tại Việt Nam. Tuy nhiên, CPTPP chưa đủ lớn để thúc đẩy mạnh cho ngành dệt may tăng giá trị sản xuất trong nước như vậy", vị này nhận định.

Ông cũng nhìn nhận dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động, tạo ra nhiều việc làm. Nếu tăng được giá trị cho người lao động, đây sẽ là ngành đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế. Đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ làm việc với Hiệp hội Dệt may Việt Nam và các cơ quan liên quan để thúc đẩy quan hệ với các thị trường khác ngoài CPTPP, như Liên minh châu Âu và Mỹ, nhằm đảm bảo quy mô thị trường đủ lớn để phát triển một số ngành, không riêng dệt may.

CPTPP là thách thức với nông sản Việt, chưa đủ lớn để dệt may đột phá - Ảnh 1.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương). Ảnh: Thanh Long.

Ngoài ra, ông Thái cho biết CPTPP mở ra 3 thị trường mới cho Việt Nam là Canada, Mexico và Peru. “Tuy nhiên, đối với 3 quốc gia này, khả năng cạnh tranh trực tiếp đối với các loại hàng hóa do Việt Nam sản xuất không phải quá lớn. Đây là cơ hội để Việt Nam điều chỉnh nhằm tăng sức cạnh tranh”.

Theo đó, CPTPP có mức độ cam kết với Việt Nam linh hoạt nhất so với các nước còn lại. Cụ thể, mức độ mở cửa ngay khi hiệp định có hiệu lực của Việt Nam là gần 66%, trong khi các nước khác tối thiểu là 80%, có nước lên 95%. “Mức độ linh hoạt này tạo cơ hội để doanh nghiệp điều chỉnh mô hình kinh doanh nhằm đáp ứng môi trường cạnh tranh mới”.

Trong 3 tháng đầu năm, thị trường mà doanh nghiệp Việt Nam tận dụng ưu đãi tốt nhất là Canada. Ông Thái cho biết số bộ hồ sơ xin hưởng ưu đãi thuế khi xuất sang Canada là hơn 400 bộ, trong đó phần lớn là doanh nghiệp dệt may, giày dép, bởi đây là lĩnh vực có biên độ ưu đãi lớn. Ngoài ra, thị trường Nhật Bản cũng được các doanh nghiệp thủy sản tích cực tận dụng.

Mục tiêu của CPTPP là hình thành chuỗi giá trị trong khu vực. Quý I chứng kiến sự chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào một số lĩnh vực của Việt Nam, đồng thời doanh nghiệp Việt Nam cũng tích cực đầu tư xây dựng chuỗi cung ứng trong khu vực để đón đầu chuỗi giá trị mới đang được hình thành, ông Thái bổ sung.

“Tuy nhiên, đây mới là giai đoạn đầu tiên. Việt Nam cần chuẩn bị kỹ hơn nữa để tận dụng tốt hơn ưu đãi này”.

Thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp Việt khi hội nhập

Cũng tại tọa đàm, ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết: “So với các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, lộ trình cắt giảm thuế quan của Việt Nam trong CPTPP tương đối sâu khi cam kết xóa bỏ 65,8% số dòng thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực và 97,8% dòng thuế vào năm thứ 11”.

Khác với FTA khác, CPTPP có điểm mới là cam kết về thuế xuất khẩu. Cụ thể, Việt Nam có lộ trình giảm thuế về 0% đối với hơn 400 dòng hàng xuất khẩu theo lộ trình 5-15 năm, và chỉ duy trì thuế với hơn 70 măt hàng quan trọng như than đá, than non, dầu thô, vàng, quặng…

Theo ông, FTA nói chung và CPTPP nói riêng đều tác động đến doanh nghiệp Việt Nam theo hai chiều. “Về cơ hội, các sản phẩm trên thị trường sẽ đa dạng hơn, từ đó người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Với CPTPP, Việt Nam cũng có cơ hội cơ cấu lại thị trường nhập khẩu theo hướng gia tăng thị phần hàng hóa chất lượng. Ngoài ra, hiệp định sẽ giúp thắt chặt liên kết sản xuất trong nước”.

Tuy nhiên, một thách thức cần phải giải quyết là năng lực cạnh tranh của các ngành hàng và khối doanh nghiệp Việt Nam khi hội nhập. Trong đó, ngành hàng nông sản chịu áp lực cạnh tranh lớn như gạo, thịt lợn, thịt gà… Ông Thăng cho biết nhiều mặt hàng của Việt Nam hiện có sức cạnh tranh khá yếu.

Khối doanh nghiệp cũng chịu áp lực tái cơ cấu sản xuất để vừa nâng cao năng lực canh trạnh vừa đảm bảo duy trì hoạt động. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có vốn nhỏ, trình độ công nghệ chưa cao nên vẫn gặp khó trong việc tiếp cận thị trường bên ngoài.

Theo Thanh Long

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên