MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Cú đột kích" của tỷ giá và nỗi lo lãi suất?

27-11-2016 - 14:32 PM | Tài chính - ngân hàng

Những thông điệp “trấn an” liên tục được NHNN gửi đến thị trường, tuy nhiên đằng sau đó mối lo ngại về việc USD tăng giá tạo tâm lý đầu cơ và gây áp lực lên tiền đồng cũng đang được bàn luận tới.

Chưa đầy 1 tháng, tỷ giá USD/VND tăng gần 2%

Tỷ giá USD/VND đã có 10 tháng bình yên. Khác với những năm trước, thay vì một quota "cứng" , ngay từ đầu năm NHNN đã áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm, điều chỉnh từng ngày. Song luật bất thành văn, cứ vào mùa vụ cuối năm, tín dụng dồn toa, nhu cầu thanh toán cũng gia tăng,... thì tỷ giá năm nay vẫn không thoát khỏi biến động lớn.

Tỷ giá đã đón những cơn sóng cao dồn dập trong nửa cuối tháng 11. Sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, tại các ngân hàng thương mại, đến nay đồng bạc xanh đã tăng giá 425 đồng theo chiều giá bán và tăng 400 đồng chiều mua vào, tương đương tăng 1,9%.

Trên thị trường thế giới, đồng USD liên tục tăng trong suốt 2 tuần trở lại đây và neo ở mức cao nhất trong vòng 14 năm bởi triển vọng Fed sẽ nâng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 14/12 tới.

Sau khi tăng mạnh mẽ, giá USD đã có dấu hiệu chững lại khi NHNN phát đi thông điệp sẽ sử dụng mọi biện pháp, kể cả bán ngoại tệ can thiệp để ổn định thị trường. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm tỷ giá vẫn đang được dự đoán có thể tăng tiếp.

Tỷ giá tăng mạnh, trong khi đó các giao dịch trên thị trường liên ngân hàng diễn ra nhộn nhịp, sôi động. Theo báo cáo của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài qua hệ thống báo cáo thống kê về NHNN, trong tuần đến ngày 18/11, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân bằng USD quy đổi ra VND đạt 52.662 tỷ đồng, tăng 3.003 tỷ đồng so với tuần trước đó. Các ngân hàng đang tăng cường vay mượn đồng đô la để đáp ứng nhu cầu thanh toán cuối năm cho các doanh nghiệp.

Những thông điệp “trấn an” liên tục được NHNN gửi đến thị trường, tuy nhiên đằng sau đó mối lo ngại về việc USD tăng giá tạo tâm lý đầu cơ và gây áp lực lên tiền đồng cũng đang được bàn luận tới.

Lo ngại lãi suất tăng cuối năm

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết nguyên nhân chủ yếu USD tăng giá do thị trường kỳ vọng các chính sách của ông Donald Trump sẽ làm tăng chi tiêu, kích thích tăng trưởng kinh tế và bên cạnh đó là kỳ vọng lớn của nhiều người vào việc Fed tăng lãi suất trong tháng 12.

Theo vị này, áp lực từ việc tăng tỷ giá lên VND là có, nếu đồng USD tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ thì tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ và thậm chí là dịch chuyển dòng tiền có thể sẽ diễn ra.

Nếu USD tiếp tục tăng thì dòng tiền có thể đảo chiều, chuyển từ kênh gửi tiết kiệm sang USD. Sự dịch chuyển tiền gửi tiền đồng sang đô la Mỹ có thể tiếp tục diễn ra, từ đó có thể gây áp lực lên thanh khoản tiền đồng. Khi đó, các NHTM sẽ phải xem xét điều chỉnh tăng lãi suất tiền đồng để thu hút vốn.

Hiện thanh khoản hệ thống ngân hàng đã bớt dư thừa so với giai đoạn trước - điều này được thể hiện qua động thái bơm ròng qua kênh tín phiếu của NHNN và xu hướng tăng trở lại của lãi suất liên ngân hàng. Nhiều khả năng tín dụng đang tăng tốc mạnh khiến lượng vốn dư thừa trong hệ thống ngân hàng không còn nhiều như trước.

Trong khi đó, lạm phát mục tiêu năm nay có thể vượt mức 4%, cao hơn nhiều so với lạm phát bình quân năm 2015 chỉ ở 0,63%, trong khi lãi suất tiền gửi VND từ đầu năm đến nay đã giảm nhiều so với năm trước.

Còn theo phân tích của CTCK Vietcombank (VCBS), những tháng cuối cùng của 2016, mặt bằng lãi suất có thể chịu một số áp lực nhất định như tỷ giá nóng lên; FED tăng lãi suất dự kiến và tháng 12 sắp tới và tăng trưởng tín dụng gia tốc về cuối năm theo yếu tố mùa vụ.

Mặc dù vậy, khi phân tích sâu hơn, VCBS cho rằng những áp lực này là không lớn. Trước hết, tỷ giá và thị trường ngoại hối được kỳ vọng sẽ tiếp tục ổn định, những biến động về tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát của NHNN như đề cập ở trên.

Tiếp theo đó, kịch bản FED tăng lãi suất trong tháng 12 đã được nhìn nhận, dự báo cũng như có sự chuẩn bị từ khá lâu. Đối với tăng trưởng tín dụng, cũng chưa thấy sự đột biết từ phía cầu của nền kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng giảm tốc.

Ở chiều ngược lại, lãi suất đang được hỗ trợ bởi một số yếu tố như định hướng từ Chính phủ và NHNN trong việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp ở mức hợp lý để hỗ trợ nền kinh tế; lạm phát vẫn đang được giữ ở mức mục tiêu đề ra và thanh khoản của hệ thống ngân hàng mặc dù có thể sẽ bớt dư thừa trong ngắn hạn nhưng dự kiến sẽ không chuyển sang trạng thái thiếu hụt.

Tổ chức này không đánh giá cao việc mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ tăng trong những tháng tới mà nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì ở mức ổn định và chỉ dao động nhẹ quanh mức hiện tại.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên