MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cử nhân không viết nổi cái đơn hay chuyện tại sao sinh viên Việt Nam cứ ra trường là thất nghiệp

Những kỹ năng nghe chừng rất đơn giản, như soạn thảo một cái đơn hay công văn, nhưng nhiều sinh viên đại học mới ra trường không thực hiện được.

Trong một hội thảo gần đây của các trường đại học, vấn đề việc làm cho sinh viên lại được mang ra mổ xẻ. Sinh viên ra trường thất nghiệp từ lâu đã trở thành một nỗi “ám ảnh” đối với xã hội. Thống kê cho thấy trong năm 2017, sẽ có khoảng 200.000 người thất nghiệp có trình độ đại học.

Khảo sát của World Bank cho biết kỹ năng và khả năng sẵn sàng của người lao động là mối quan tâm lớn đối với người sử dụng lao động. Vấn đề hiện nay nằm ở chỗ phần lớn ứng viên không có khả năng phù hợp mà đơn giản như chỉ là việc soạn thảo một văn bản với hình thức “tử tế”.

“Cá nhân tôi hay phỏng vấn các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng, họ cho biết những kỹ năng tưởng như rất đơn giản như chỉ cần đạt ở mức độ vừa phải thì sinh viên của chúng ta lại rất yếu. Ví dụ kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, viết văn bản… có sinh viên còn không thể viết được một cái đơn theo yêu cầu. Đây là điều đáng lo ngại”, thầy Nguyễn Duy Đạt,ĐH Thương Mại nói.

Câu chuyện soạn thảo văn bản này, thậm chí còn bi hài hơn nếu nghe chuyện kể của cô Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên ĐH Ngoại Thương kể không lâu trước đó. Cô cho biết, trách cử nhân cũng là một lẽ, nhưng có những người dù đang học lên Tiến sỹ, một cái văn bản căn lề đúng chuẩn “cũng không làm được”.

“Cô đã yêu cầu bạn này phải làm lại, khi nào được về mặt hình thức văn bản mới thôi”, cô Ánh nhấn mạnh.

Cuối tháng 10 năm ngoái cũng được nghe một chuyện thật như đùa do bà Phạm Thị Ly đến từ ĐH Quốc gia TP.HCM kể.

“Có doanh nghiệp nước ngoài đã tâm sự với tôi rằng đã mất 2 năm để tẩy sạch những gì sinh viên đã học. Sau đó, mất thêm 2 năm nữa để dạy những kỹ năng mà mình cần”, bà nói. “Dường như có khoảng cách giữa việc đào tạo của các trường đại học và những gì xã hội thực sự cần”, đại diện này nói thêm.

Đặt trách nhiệm lên vai của các trường liệu có chính xác? Thực tế, vấn đề này cũng từng được đặt ra trong các phiên họp tại nghị trường.

Số liệu của đại biểu tỉnh Thanh Hoá Bùi Sỹ Lợi cho thấy cả nước có khoảng 2.450 trường đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề và các trung tâm dạy nghề cho đến cấp huyện. Tuy nhiên, đại biểu này nhận định nó chỉ dừng lại ở quy mô số lượng chứ chất lượng còn nhiều bất cập.

“Quy mô của chúng ta rất lớn nhưng không đáp ứng với yêu cầu cơ cấu về chất lượng của nguồn nhân lực… Đây là một vấn đề không cân đối giữa cơ cấu đào tạo với cơ cấu sử dụng. Tôi cho rằng chúng ta đang đào tạo điều nhà trường có, chưa phải đào tạo điều thị trường lao động cần”, ông nói.

Nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng, trước khi đổ lỗi cho nhà trường, cho xã hội, thì phải tự vấn bản thân người học.

“Nếu cuối cùng, phải chọn quy trách nhiệm, thì phải quy cho bản thân người học. Bất cứ chuyện gì xảy đến trách nhiệm đầu tiên phải là ở mình. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, giảng viên Ngoại Thương Nguyễn Hoàng Ánh nhận định.

“Tự lo lấy thân” là điều mà giảng viên này gửi gắm. Vị này cho rằng sinh viên phải biết được cái mình muốn và tìm cách thực hiện nó chứ không phải đi chăm chăm đổ lỗi.

“Không phải sinh viên nào cũng chăm chỉ, chịu khó học trên giảng đường” vị này cho hay. Bởi, quay trở ngược lại câu chuyện ban đầu, một kỹ năng nhỏ như soạn thảo văn bản cũng chưa được học cho tử tế, thị trường lao động nào có thể “chịu đựng”.

Câu chuyện sinh viên thiếu kỹ năng dường như đã trở thành thách thức đối với các trường đại học. Đối đối phó với thực trạng trên, hiện tại, ông Nguyễn Duy Đạt đã đề xuất cần đưa các hoạt động kiến tập tại doanh nghiệp hàng năm vào chương trình đào tạo chính thức.

“Không cần phải đợi đến năm cuối mà từ năm thứ 2, thứ 3, sinh viên đã phải đi kiến tập tại các doanh nghiệp”, ông Đạt cho hay.

Trong lúc chờ đợi thêm một lời giải khác, dường như đây cũng là một ý tưởng đáng để suy nghĩ.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên