MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Cuộc chiến" cắt giảm điều kiện kinh doanh: Phải thực chất, không hình thức

Hàng ngàn điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm trong năm 2018 nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp về một môi trường kinh doanh thông thoáng, lành mạnh, bình đẳng.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành được Chính phủ chỉ đạo, các bộ, ngành thực hiện quyết liệt năm 2018 vừa qua. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp (DN) vẫn chờ đợi một môi trường kinh doanh thông thoáng, lành mạnh hơn nữa.

Tiết kiệm ngàn tỉ nhưng... chưa đủ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong nhiệm kỳ của mình đã nêu cao tinh thần quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính, nói và làm, hướng tới phục vụ người dân và DN. Ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là hoàn thiện thể chế, chính sách.

Tiếp đó là phát huy nội lực, biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội, tạo ra cơ chế thu hút các nguồn lực. Trong đó, cải thiện môi trường kinh doanh là "mệnh lệnh thường xuyên" mà Chính phủ giao cho các bộ ngành.

Theo báo cáo mới nhất của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, tính đến cuối tháng 11-2018, các bộ đã trình và ban hành 21 văn bản quy phạm pháp luật; cắt giảm, đơn giản hóa 6.776 trong tổng số 9.926 dòng hàng kiểm tra chuyên ngành, vượt 36,5% chỉ tiêu giao.

Cuộc chiến cắt giảm điều kiện kinh doanh: Phải thực chất, không hình thức - Ảnh 1.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong năm 2018 - ảnh: Minh Chiến

Về cắt giảm điều kiện kinh doanh, đã có hơn 3.300 trong tổng số 6.200 ĐKKD được cắt giảm, đơn giản hóa. Ước tính việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính giúp DN và người dân tiết kiệm tổng cộng gần 18 triệu ngày công và hơn 6.000 tỉ đồng mỗi năm.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định việc cắt giảm điều kiện kinh doanh thực sự là một "cuộc chiến" đầy khó khăn trong bối cảnh hiện tại. TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng việc cải cách môi trường kinh doanh hay nói gọn hơn là cắt giảm điều kiện kinh doanh đã thực hiện một số lần trong những năm trước, tuy nhiên kết quả vẫn chỉ là "nửa vời". Ông Cung nhấn mạnh "cuộc chiến" này còn khó khăn, trong khi xã hội, người dân và cộng đồng DN lại kỳ vọng rất lớn. Do vậy, cơ quan quản lý cần phải có động lực, phương pháp để thực hiện.

Có thể thấy rằng, chưa bao giờ "cuộc chiến" cắt giảm điều kiện kinh doanh lại nhận được sự quan tâm nhiều như vậy. Cộng đồng DN quan tâm, người dân quan tâm, thế hệ trẻ cũng quan tâm để có những bước đi thuận lợi hơn trong hành trình khởi nghiệp. Bộ, ngành cũng đặc biệt quan tâm vấn đề này dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá những con số thống kê trong năm 2018 vừa qua chưa phản ảnh đầy đủ bức tranh về môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Phần lớn các bộ, ngành mới chỉ cắt giảm những quy định nhỏ, cách tiếp cận cũ cho nên chưa thật sự có giá trị lớn, không giải quyết được bất cập thực tiễn, nhiều nơi còn thực hiện đối phó, chỉ để lấy chỉ tiêu.

Cuộc chiến cắt giảm điều kiện kinh doanh: Phải thực chất, không hình thức - Ảnh 2.

Doanh nghiệp kỳ vọng việc cải thiện môi trường kinh doanh phải đi vào thực chất, tránh hình thức, đối phó - ảnh: Minh Chiến

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM cho quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh ở thời điểm hiện tại chưa mang lại những lợi ích rõ ràng cho DN, chỉ mới tháo gỡ được những vướng mắc nhỏ, sức ảnh hưởng chưa sâu rộng.

"Chúng ta mới chỉ nhìn nhận "cuộc chiến" này ở phạm vi điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành, trong khi trên thực tế có hàng loạt phương thức quản lý khác đang gây khó khăn cho DN mà chúng ta chưa tính tới. Đây thực sự là một thách thức rất lớn trong thời gian tới" - ông Hiếu nhấn mạnh.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra việc bãi bỏ kiểm tra chuyên ngành chỉ tập trung vào những mặt hàng không có hoặc rất ít được kinh doanh, mà giữ lại những mặt hàng có khối lượng thương mại lớn.

Đi vào thực chất trong năm 2019

Năm 2019, Chính phủ lựa chọn phương châm 12 chữ "kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá". Với phương châm này, "cuộc chiến" cải thiện môi trường kinh doanh có tiếp tục duy trì được sự quyết liệt cao độ trước những thách thức không hề nhỏ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhìn nhận những rào cản, sách nhiễu trong môi trường kinh doanh khiến người dân, DN rất bức xúc. Do đó, người đứng đầu Tổ công tác của Thủ tướng khẳng định phải cải cách mạnh mẽ không chỉ trong năm nay mà các năm tới. Theo ông, bộ ngành phải làm cương quyết, đi vào cụ thể, thực chất, không hình thức, để thấy được sự hài lòng của người dân, DN.

Cuộc chiến cắt giảm điều kiện kinh doanh: Phải thực chất, không hình thức - Ảnh 3.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên chỉ đạo các bộ ngành quyết liệt cắt giảm điều kiện kinh doanh - Ảnh: Minh Chiến

"Tổ công tác tập trung vào vấn đề cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh thì năm 2019 sẽ đi sâu vào tổ chức thực hiện, vào những vấn đề cụ thể, để thấy rằng cải cách phải đi vào thực chất, phải thể hiện bằng số lượng, chất lượng"- ông Dũng nhấn mạnh.

Theo đó, từ những ngày đầu năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thay vì ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP như những năm trước. Chính phủ đã đưa ra các chỉ tiêu, chỉ số để các bộ, cơ quan, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao ngay từ đầu năm.

Bà Nguyễn Thu Thủy, chủ một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) kỳ vọng năm 2019 các bộ, ngành sẽ cải cách mạnh mẽ hơn nữa trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính để DN giảm bớt các chi phí. Bà Thủy cũng kiến nghị Chính phủ quan tâm đến việc dẹp bỏ các chi phí "không chính thức" mà DN phải bỏ ra trong quá trình đầu tư, kinh doanh.

Phó Viện trưởng CIEM cho rằng các bộ ngành phải thay đổi tư duy về cải cách để "cuộc chiến" này đi vào thực chất. Bởi theo ông, thời gian qua cải cách đều xuất phát từ Chính phủ, Chính phủ yêu cầu, thậm chí ra hạn chót thì các bộ ngành mới thực hiện, chưa có sự chủ động ở các cơ quan này.

"Do đó, cần thay đổi cách tiếp cận, bộ ngành cần tăng cường tính chủ động để đi vào thực chất, không hình thức. Nên mạnh dạn bãi bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh như bãi bỏ cấp chứng chỉ hành nghề; bãi bỏ kinh nghiệm làm việc…"- ông Hiếu thẳng thắn.

Theo Minh Chiến

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên