Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: VND có thoát thế “kẹp giữa” USD và CNY?
Trao đổi với BizLIVE, các chuyên gia kinh tế cho rằng câu chuyện tỷ giá USD/VND cuối năm 2018 có “nóng” hay không phụ thuộc một phần vào cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng như cách hành xử của cả hai bên.
- 17-09-2018Xuất siêu lập kỷ lục, "bức tường lửa" chống phá giá cho VND
- 16-09-2018Việt Nam xuất siêu lớn, tỷ giá USD/VND hạ nhiệt nhanh
- 13-09-2018VNDS: Ngân hàng dần ưu tiên tăng trưởng tín dụng cho người vay mua nhà
“Kiềng 3 chân”: USD – CNY – VND?
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang leo thang khi Mỹ chính thức áp mức thuế 10% lên 200 tỷ USD đối với gần 6.000 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bao gồm túi xách, gạo, hàng dệt may từ ngày 24/9/2018. Đến 01/01/2019, mức thuế này sẽ được tăng lên 25%.
Phía Trung Quốc đáp trả bằng gói thuế 60 tỷ USD lên các sản phẩm như: máy bay loại nhỏ, máy tính, hàng dệt may sẽ bị áp thêm 5% thuế; Các mặt hàng như hoá chất, thịt và rượu vang sẽ bị áp thuế lên 10%.
Trên thị trường tiền tệ, đồng CNY đã mất giá 5,22% so với đồng USD từ đầu năm đến ngày 21/9/2018, tương ứng từ mức 6,5066 USD/CNY tăng lên mức 6,8461 USD/CNY.
Câu chuyện thương mại và câu chuyện tỷ giá sẽ là một bài toán khó cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong vấn đề tỷ giá CNY/VND và tỷ giá USD/VND khi cả Mỹ và Trung Quốc là 2 bạn hàng lớn của Việt Nam.
Tỷ trọng kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam - Mỹ chiếm tỷ trọng 12,6% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá, tương ứng 38,9 tỷ USD; Việt Nam - Trung Quốc chiếm tỷ trọng 21%, tương ứng 64,8 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2018 (theo Tổng Cục Thống kê).
Tính từ đầu năm đến 21/9/2018, tỷ giá USD/VND đã tăng 2,8%, tương ứng từ mức 22.735 USD/VND lên mức 23.370 USD/VND; Tỷ giá CNY/VND giảm 1,4%, tương ứng ở mức 3.496 CNY/VND giảm còn 3.447 CNY/VND.
Trao đổi với phóng viên của BizLIVE, các chuyên gia kinh tế đã có những nhận định về cuộc chiến này.
Hiện chưa lo tỷ giá, cái khó là khẳng định giá trị VND
(TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia)
Trao đổi với BizLVE: TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh: "Phải cố gắng giữ ổn định tất cả giá trị kinh tế vĩ mô đã đạt được".
Việt Nam tốt nhất nên “lấy bất biến ứng vạn biến”, phải cố gắng giữ ổn định tất cả giá trị kinh tế vĩ mô đã đạt được, tránh những tác động bất lợi từ cuộc chiến tranh thương mại này. Việt Nam cần phải có những biện pháp phòng thủ như giảm bớt thâm hụt thương mại phi chính thức (biên giới) giữa Việt Nam - Trung Quốc. Cố gắng duy trì sự đầu tư trực tiếp và gián tiếp của nước ngoài vào Việt Nam, không để rút vốn ồ ạt.
Các nhà đầu tư nước ngoài đang bán ròng trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, nhưng họ không chuyển tiền về nước mà chuyển sang các quốc gia khác, Việt Nam cần giữ ổn định tỷ giá hối đoái để hút dòng vốn này, bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho dự trữ ngoại hối, tạo “tấm nệm” 2 chiều cho bài toán tỷ giá.
Dòng vốn ngoại vào Việt Nam hiện đã rất thuận lợi. Doanh nghiệp nước ngoài có thể mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam không có trở ngại gì. Khi các nhà đầu tư chạy khỏi Trung Quốc để tránh “bão” thương mại họ sẽ chọn quốc gia nào có vĩ mô ổn định, tỷ giá hối đoái ổn định để họ không bị mất tiền.
Ngân hàng Nhà nước nên giữ cách điều hành tỷ giá như hiện nay, có tăng có giảm và công bố công khai để tránh sốc tâm lý cho thị trường, tránh tin đồn thất thiệt… Ngân hàng Nhà nước cũng phải có biện pháp chống găm giữ ngoại tệ của các ngân hàng thương mại.
Ngoài ra, việc giữ lãi suất VND ổn định cũng giúp tỷ giá “thăng bằng” hơn. Lãi suất VND hiện nay vẫn trong khả năng kiểm soát được, nhưng đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới mức 5%. Vì sức ép tăng lạm phát là có khi giá xăng đã tăng và thuế môi trường với xăng sẽ tăng kịch khung từ 01/01/2019, giá lương thực thực phẩm cũng tăng…
Từ nay đến cuối năm 2018, tỷ giá USD/VND sẽ chưa có biến động ghê gớm. Nếu xảy ra cuộc chiến tiền tệ từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tạo nên cuộc chiến tranh kinh tế toàn diện thì VND tất sẽ ảnh hưởng.
Việt Nam xuất siêu nhiều hơn, không có lý do gì tỷ giá biến động
(PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ)
Trao đổi với BizLIVE: PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng: "Tỷ giá nếu có điều chỉnh thì chỉ điều chỉnh nhẹ theo tín hiệu thị trường, không tạo cú sốc về tỷ giá".
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thì lợi thế cho Việt Nam nhiều hơn là thách thức. Cán cân thương mại Việt Nam sẽ xuất siêu nhiều hơn, dự trữ ngoại hối sẽ tốt hơn nhờ nguồn cung ngoại hối tăng lên. Khi nguồn cung ngoại tệ dồi dào thì không có lý do gì tỷ giá lại biến động.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải giữ tỷ giá ổn định để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Chính sách điều hành tỷ giá tiếp tục duy trì cách điều hành trong những năm qua đã đạt được. Nếu có điều chỉnh thì chỉ điều chỉnh nhẹ theo tín hiệu thị trường, không tạo cú sốc về tỷ giá.
Việc hút ròng tiền đồng trong thời gian qua của Ngân hàng Nhà nước làm cho tiền đồng có giá, cũng góp phần ổn định tỷ giá. Lãi suất tiền đồng không nên tăng thêm, chỉ nên giữ lại ở mức này là tốt rồi. Không nên tạo nên những biến động, hay cú sốc cho thị trường tiền tệ trong thời gian tới để hút các dòng vốn ngoại “di cư” vào Việt Nam. Độ mở về tự do hoá tài khoản vốn hiện nay ở Việt Nam đã tương thích với thế giới rồi.
Do đó, đánh giá của Ngân hàng Thế giới cho thấy chỉ số môi trường kinh doanh năm 2018 của Việt Nam tăng 14 bậc, lên mức 68/190 nền kinh tế. Môi trường đầu tư đang được cải thiện khi Chính phủ đang thực hiện một Chính phủ minh bạch, kiến tạo.
Các nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam vì họ đánh giá cao về sự ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô tăng trưởng tốt trong hơn 05 năm qua, chính sách tỷ giá 05 năm qua được điều chỉnh linh hoạt, không biến động nhiều, có lợi cho nhà đầu tư.
Nếu đồng CNY tiếp tục giảm giá, VND giảm theo nhưng nhẹ hơn
(Ông Chua Hak Bin, Kinh tế trưởng Tập đoàn Maybank Kim Eng)
Trao đổi với BizLIVE: Ông Chua Hak Bin khẳng định: "Hầu hết các đồng tiền của các nước trong Asean khác cũng sẽ giảm giá nếu đồng CNY giảm giá".
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang leo thang khi cả Mỹ và Trung Quốc đều áp thuế quan lên khoảng 1/2 tổng lượng thương mại của hai nước. Việt Nam là một nước phụ thuộc xuất khẩu và sẽ chịu tác động bởi sự “rối loạn” trong chuỗi cung ứng. Nhưng Việt Nam nổi lên là quốc gia hưởng lợi nhờ luồng thương mại và đầu tư chuyển hướng từ Trung Quốc để tránh hàng rào thuế quan.
Đồng CNY sẽ tiếp tục giảm giá sâu hơn nếu cuộc chiến thương mại leo thang, đặc biệt nếu mức thuế Mỹ áp cho danh mục hàng hóa trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc tăng lên 25% từ ngày 1/01/2019. Đồng VND cũng sẽ giảm nhưng ở mức độ thấp hơn.
Tiền VND yếu sẽ giúp giảm tải áp lực tiêu cực từ chiến tranh thương mại và tính cạnh tranh từ đồng CNY. Hầu hết các đồng tiền của các nước trong Asean khác cũng sẽ giảm giá nếu đồng CNY giảm giá.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện đang ở vị thế tài chính mạnh nhờ vào dự trữ ngoại hối tích lũy lớn (đến cuối tháng 4/2018 dự trữ ngoại hối Việt Nam hơn 63,5 tỷ USD). Vì vậy, việc bán ra thêm 3-5 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối nhằm ổn định tiền VND, giữ tiền VND giảm giá nhẹ là một chính sách phù hợp và không có gì lo lắng cả.
Việt Nam nên tập trung tận dụng cơ hội này để tăng thu hút đầu tư nước ngoài và hợp đồng thương mại, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến tăng trưởng và sức mạnh đồng tiền.
Tỷ giá thuận lợi từ 5 yếu tố tích cực của cán cân thanh toán
(Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Khối nghiên cứu và Phân tích của VCBF)
Trao đổi với BizLIVE: Ông Nguyễn Hoàng Linh nhận định: "Các chính sách liên quan đến tỷ giá của Chính phủ được hỗ trợ tích cực bởi mức dự trữ ngoại tệ cao".
Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở cao, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2017 đạt gần 455 tỷ USD. Các biến động mạnh trên thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam đều có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam.
Trong mỗi biến động như vậy, chúng tôi tin rằng Chính phủ luôn có những tính toán và cân nhắc cẩn trọng trong điều hành vĩ mô, bao gồm cả vấn đề tỷ giá để đảm bảo tính ổn định và tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhìn vào lịch sử điều hành chính sách mấy năm qua, chúng tôi khá tự tin vào khả năng điều hành nền kinh tế nói chung và trong việc tiếp tục ổn định tỷ giá nói riêng của Chính phủ.
Hơn nữa, các chính sách liên quan đến tỷ giá của Chính phủ cũng được hỗ trợ tích cực bởi mức dự trữ ngoại tệ cao (ước tính khoảng 62-63 tỷ USD) và đặc biệt là cán cân thanh toán tiếp tục được cải thiện theo hướng tích cực nhờ: Thặng dư thương mại hàng hóa đang trong chiều hướng tăng, với giá trị 8 tháng 2018 đạt 2,8 tỷ USD so với nhập siêu 2,13 tỷ USD trong 8 tháng 2017; Thâm hụt dịch vụ trong chiều hướng giảm, nhờ ngành du lịch tăng trưởng cao; Vốn đầu tư trực tiếp (FDI) giải ngân tiếp tục duy trì tăng trưởng ở mức cao, 8 tháng đạt 11,25 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ 2017, trong khi tổng vốn FDI đăng ký (cấp mới và tăng thêm) cũng đạt 24,35 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ 2017; Nguồn kiều hối tiếp tục dồi dào, 7 tháng 2018 đạt 2,9 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoá; Chính phủ tiếp tục chương trình thoái vốn nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giúp thu hút nguồn vốn đầu tư gián tiếp (FII).
Mặc dù tác động của căng thẳng thương mại đến nền kinh tế Việt Nam chưa thể lượng hóa được trong thời gian này, có khá nhiều quan điểm cho rằng về dài hạn Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ sự dịch chuyển sản xuất cũng như nguồn hàng nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc đổ sang Việt Nam. Các tổ chức quốc tế uy tín cũng tiếp tục duy trì dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam, với mức tăng trưởng GDP trung bình trên 6% trong 3-5 năm tới, giúp hỗ trợ việc thu hút nguồn vốn FDI và FII trong tương lai.
BizLive