Cuộc đời vất vưởng của thế hệ "ăn bám" cha mẹ tại Nhật Bản
Họ là những thanh niên Nhật Bản từng tôn thờ chủ nghĩa độc thân và được gọi là kẻ ăn bám, hay nhiều người đùa vui là những "ký sinh trùng độc thân". Tuy nhiên, khi cha mẹ qua đời, cuộc đời của họ trở nên mông lung và không biết tương lai sẽ ra sao.
- 10-04-2017Đàn ông Nhật Bản mặc áo "mang thai" với trọng lượng 7kg để trải nghiệm và cảm thông nhiều hơn với phụ nữ
- 09-04-2017Hơn 40 nghìn người Nhật Bản thử nước uống này và công dụng tuyệt vời không ngờ đến
- 09-04-2017Chỉ với 5 ví dụ, quốc gia này cho thấy họ "đáng sợ" hơn cả Nhật Bản
Nếu có một đất nước nào với tỷ lệ độc thân thuộc hàng ngất ngưởng trên thế giới thì chắc chắn đó là Nhật Bản. Những thanh niên Nhật không muốn yêu, ngại cưới, lười có con và tôn thờ chủ nghĩa độc thân.
Họ được gọi là những kẻ ăn bám; hay nhiều người đùa vui một cách chơi chữ là "những kẻ độc thân ký sinh" cha mẹ đến cuối đời. Nhưng có lẽ, chẳng ai ngờ được cuộc sống lại khó lường và đến lúc nào đó, họ phải chấp nhận thực tế rằng tuổi trẻ rồi cũng sẽ qua, cuộc đời của họ sẽ vất vưởng và nghiệt ngã khi cha mẹ - những người mà họ sống dựa dẫm suốt bao nhiêu năm, qua đời.
Theo số liệu từ viện nghiên cứu và đào tạo Thống kê, có khoảng 4,5 triệu người dân Nhật Bản độ tuổi từ 35 đến 54 vẫn sống cùng cha mẹ trong năm 2016. Được biết, xu hướng này nổi lên từ khoảng 2 thập kỷ trước, khi những người trẻ Nhật Bản tìm đến một cuộc sống "vô lo vô nghĩ" và chỉ trích lối sống gia đình ổn định của cha mẹ thế hệ trước.
Cô Hiromi Tanaka ngồi trong căn phòng nhỏ của mình.
Giờ đây, khi không có khoản lương hưu, trợ cấp xã hội hay tiền tiết kiệm, những người trung niên với cuộc sống quanh quẩn ở nhà đang trở thành một gánh nặng với phúc lợi xã hội, vốn đã chịu nhiều áp lực từ dân số già và lực lượng lao động giảm sút.
Cô Hiromi Tanaka là một trong những người như vậy. Hồi còn trẻ, cô từng hát bè cho các nhóm nhạc Pop nhưng công việc cũng không được lâu dài. Nhớ lại tuổi trẻ của mình, cô trầm ngâm:
"Tôi đã quen với lối sống bấp bênh và nghĩ rằng, mọi thứ rồi cũng sẽ có cách và ổn thôi", Tanaka trả lời phỏng vấn Reuters khi đang ngồi chơi piano trong một góc phòng nhỏ.
Giờ đây, khi đã bước qua tuổi 54, Tanaka chỉ có thể trông chờ vào lớp dạy học hát của mình với số học sinh ít ỏi, cũng như chút tiền hưu trí của mẹ cô. Ở tuổi cũng đã ngoài ngũ tuần, Tanaka không có kế hoạch gì về tiết kiệm tiền mà thậm chí còn đang sử dụng hết những đồng tiền tiết kiệm cuối cùng.
"Cha tôi qua đời năm ngoái, khoản tiền lương hưu vì thế cũng bị vơi một nửa", cô nói. "Nếu mọi chuyện tiếp tục như vậy, mẹ tôi và tôi sẽ khánh kiệt mất".
Tanaka là một trong hàng triệu người độc thân Nhật Bản chọn lối sống "ở vậy" cả đời. Theo số liệu được đưa ra vào tháng trước, trong số những người trên 50 tuổi, cứ 4 người đàn ông lại có 1 người độc thân; con số này với phụ nữ là 1/7.
"Trong thời kỳ kinh tế bong bóng cho tới giữa những năm 1990, thế hệ thanh niên Nhật độ ngoài 20 chỉ muốn hưởng thụ tuổi trẻ của mình. Họ nghĩ rằng đến năm 30 tuổi, họ sẽ kết hôn", Masahiro Yamada, một nhà xã hội học từ đại học Chuo.
"Tuy nhiên, 1/3 trong số họ không bao giờ kết hôn và giờ họ đã bước qua tuổi 50", Yamada chia sẻ trong bài phỏng vấn với Reuters.
Tương lai bấp bênh
Xu hướng này không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn tới tỷ lệ sinh giảm tại Nhật Bản cũng như dân số đang tăng trưởng âm. Nó cũng khiến nhu cầu tiêu dùng bị thụt giảm nghiêm trọng khi việc hình thành các hộ gia đình mới sẽ tạo nên nguồn động lực cho chi tiêu cá nhân.
Khoảng 20% những người trung niên độc thân Nhật Bản phụ thuộc vào sự nuôi nấng, bao bọc của cha mẹ. Chính vì thế, nó cũng đe dọa tới an ninh xã hội: "Một khi họ dùng hết tài sản và tiền tiết kiệm ba mẹ để lại, họ sẽ phải đi xin trợ cấp xã hội", Yamada nói.
Theo các chuyên gia, vấn đề này không chỉ do lối sống của người trẻ ngày càng Tây hóa hay hiện đại mà do tình trạng thiếu việc làm, công việc không ổn định, lương thấp. Những người làm việc bán thời gian hay làm việc hợp đồng chiếm khoảng 40% lực lượng lao động tại Nhật Bản, so với con số 20% vào những năm 1980.
Dù gần đây, thị trường lao động tại Nhật Bản đã được thắt chặt, đồng nghĩa với việc giảm số người độc thân sống với cha mẹ nhưng xu hướng này vẫn chưa thể thay đổi trong thời gian một sớm một chiều, Katsuhiko Fujimori, một chuyên gia kinh tế tại viện nghiên cứu thông tin Mizuho chia sẻ.
"Đó là bởi vì việc tăng lượng lao động thời vụ cũng như chi phí cuộc sống đắt đỏ khiến nhiều người không thể kết hôn, dù họ muốn vậy", ông cho biết.
"Một khi bạn đã rơi khỏi chiếc thang nghề nghiệp, rất khó để trở lại", Hirotoshi Moriyama, thành viên của tổ chức phi chính phủ giúp tìm việc làm cho người trung niên nhận định.
Giờ đây, ông Akihiro Karube chỉ có thể dựa vào nguồn tiền lương hưu ít ỏi từ cha mình.
Akihiro Karube, 53 tuổi, làm việc trong một công ty quảng cáo kể từ sau khi ra trường. Đến khi 30 tuổi, ông đã kiếm được một khoản kha khá. Akihiro trở về sống với cha mẹ sau một cuộc hôn nhân ngắn ngủi. Tuy nhiên, đến khi 43 tuổi, ông bị chẩn đoán mắc chứng bệnh Parkinson.
Những nỗ lực để tìm được việc mới gần như không đem lại kết quả gì. Giờ đây, ông phải sống dựa vào tiền lương hưu của cha mẹ cộng với chút tiền dành cho người tàn tật.
"Tôi chỉ ước rằng mình có một nguồn thu nhập ổn định, đó là tất cả điều tôi muốn", ông Akihiro chia sẻ. Giờ đây, chỉ còn mình ông đang sống với người cha già 84 tuổi ở ngoại ô Tokyo.
Tương lai với những người như ông Akihiro thực sự rất mờ mịt. Họ không biết phải làm sao khi cha mẹ qua đời, đặc biệt là những người mang bệnh tật và khó có khả năng làm việc.
"Vấn đề của họ là nguồn thu nhập hay cuộc sống sẽ ra sao sau khi cha mẹ qua đời", Ohasi, một thành viên của nhóm tư vấn cho biết. "Đấy như một quả bom nổ chậm vậy".
Trí thức trẻ