MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đà Nẵng: Khởi kiện 15 “nhân tài”

21-06-2016 - 07:30 AM | Xã hội

Sau khi nhiều “nhân tài” được cử đi đào tạo ở nước ngoài nhưng không trở về làm việc như cam kết, TP Đà Nẵng phải thay đổi chính sách “chiêu hiền đãi sĩ”

Theo một lãnh đạo Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng, từ tháng 10-2014 đến nay, đơn vị này đã khởi kiện 15 “nhân tài” vi phạm hợp đồng, buộc bồi hoàn số tiền hàng chục tỉ đồng.

Gần đây nhất, ngày 26-5 tại phiên phúc thẩm, TAND Cấp cao ở Đà Nẵng đã bác kháng cáo của ông Hồ Viết Luận, yêu cầu bồi hoàn kinh phí đào tạo do vi phạm hợp đồng đào tạo theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của TP (Đề án 922). Số tiền mà ông Luận phải bồi thường gần 2,7 tỉ đồng.

Theo hồ sơ, ông Luận tham gia Đề án 922 với thời gian học 4 năm ngành kỹ sư xây dựng dân dụng và môi trường tại ĐH Nottingham (Vương quốc Anh) từ tháng 9-2010. Tổng kinh phí ông Luận đã nhận từ ngân sách TP là 2,695 tỉ đồng. Hợp đồng đã ký, sau khi tốt nghiệp học viên phải trở về làm việc cho TP Đà Nẵng từ 7 năm trở lên. Nếu ông Luận không thực hiện đúng hợp đồng thì phải bồi thường. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp bậc ĐH, ông Luận có nguyện vọng hoãn thời gian về làm việc cho TP để tiếp tục học tiến sĩ bằng kinh phí tự túc trong 3 năm nhưng trung tâm không đồng ý.

Đề án 922 được TP Đà Nẵng triển khai từ năm 2004 nhằm hỗ trợ đào tạo bậc ĐH tại các cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Có 630 người tham gia đề án và khoảng một nửa học viên đã về làm việc. Khoảng 20 học viên vì lý do kết quả học tập không đạt đã phải ra khỏi đề án; 27 người chủ động xin ra và được TP đồng ý; 15 người đi học nhưng không về làm việc như thỏa thuận; 4 người đã về làm việc chưa được 7 năm đã bỏ ra nước ngoài, một người không nhận việc theo sự phân công của tổ chức.

Từ năm 2014, nhận thấy đề án có một số bất cập, TP Đà Nẵng quyết định không xét tuyển ở bậc ĐH nữa mà chỉ tuyển sau ĐH hoặc bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ công chức. Bên cạnh đó, việc xét duyệt cấp học bổng cũng chặt chẽ hơn trước, không nặng về số lượng.

Quá nhiều cản ngại

Qua trường hợp của con trai, tôi có những kiến nghị cần phải tháo gỡ.

Thứ nhất, cần hỗ trợ cho những người được đào tạo phát triển. Con tôi được cử đi học thạc sĩ tại Nhật. Học xong về nước làm việc ở một dự án lớn ở TP HCM vài năm, con tôi xin được nguồn tài trợ của nước ngoài để qua Nhật cập nhật kiến thức chuyên môn đang làm. Đây là một cơ hội tốt, nhà nước và gia đình không phải chi tiền, không mất mát gì của cơ quan. Rất tiếc, cơ quan cháu không cho đi vì “chưa có nhu cầu đào tạo”. Con tôi xin nghỉ việc không hưởng lương 3 tháng để được tham dự khóa đào tạo này. Sau vụ đó, cháu có thêm một cơ hội đi đào tạo dài hạn ở nước ngoài nữa nhưng đành phải bỏ lỡ.

Thứ hai, cần những cán bộ quản lý có tầm và có tâm. Trong cơ quan, những sếp ở cấp cao thì rất quý mến và tạo điều kiện thuận lợi để những em đã được đào tạo ở nước ngoài về làm việc. Tuy nhiên, vài cán bộ ở cấp giữa thì hay đố kỵ và thể hiện quyền uy bằng mọi thủ đoạn. Thậm chí, cháu còn bị đe dọa: “Mày chuyển đi đâu cũng không thoát khỏi tay tao, bạn bè tao trong ngành này chỗ nào cũng có…”.

Thấy không thể có môi trường thuận lợi để phục vụ lâu dài trong nước, sau khi hết thời hạn 5 năm làm việc theo thỏa thuận, con tôi ra nước ngoài làm việc và tiếp tục học thêm mặc dù cháu không hề muốn phải xa nhà lâu năm.

Quốc Việt (TP HCM)

Theo Trần Thường

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên