MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Phùng Đức Tiến: Công nghiệp nặng của nước ta đang khủng hoảng thật sự, cơ khí chế tạo đang thụt lùi so với mấy chục năm trước!

Đây là ý kiến của đại biểu đoàn Hà Nam đưa ra tại Nghị trường sáng nay (9/6) khi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước.

Toàn bộ thời gian được nói trước Quốc hôi, đại biểu Tiến dành để phát biểu về các vấn đề của ngành công nghiệp, trong đó, trọng tâm là ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.

Đại biểu cho biết, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp Việt Nam có xu hướng chậm lại, trung bình chỉ đạt 14,3%/năm, giai đoạn năm 2006 – 2010 giảm xuống còn gần 10%, giai đoạn 2011 – 2015 giảm hầu hết trong các nhóm ngành công nghiệp.

“Trong đó có cơ khí chế tạo, vốn có vị trí rất quan trọng, là cơ sở động lực cung cấp toàn bộ trang thiết bị cho các ngành công nghiệp khác. Một đất nước không thể đi lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá nếu không có ngành công nghiệp phát triển ở trình độ cao dựa trên nền tảng khoa học tiên tiến”, đại biểu Tiến nói.

Ông cũng nhấn mạnh: “Ngành công nghiệp nặng của nước ta đang khủng hoảng thật sự, đặc biệt cơ khi chế tạo đang đi thụt lùi so với mấy chục năm trước”.

Đại biểu cho biết hiện nay nhu cầu máy móc của Việt Nam khá lớn với con số dự báo là 250 tỷ USD giai đoạn 2011 – 2025. Tuy nhiên, năng lực trong nước chưa đáp ứng được, dẫn đến việc hàng năm phải chi hàng chục tỷ USD để nhập khẩu máy móc.

“Năm 2015, chúng ta nhập khẩu 27,57 tỷ USD tiền máy móc thiết bị, nhưng xuất đi chỉ đạt 8,17 tỷ USD. Bên cạnh đó, năng lực trong nước mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu”, đại biểu nói.

Ông cũng chỉ ra những khó khăn của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành này. Theo đó, doanh nghiệp thiếu công nghệ, tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn, chính sách nhà nước tuy đã đầy đủ nhưng “doanh nghiệp chỉ được hưởng trên giấy”,...

Về công nghiệp hỗ trợ, vị đại biểu tình Hà Nam cho biết, mục tiêu của Việt Nam khi thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ là vốn mà còn là công nghệ, kinh nghiệm quản lý, chuyển giao công nghệ... Nhưng, sau hơn 30 năm đổi mới, thu hút đầu tư, tác động vào ngành chưa rõ nét, chưa có sự lan toả thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển.

“Kết quả của các chương trình ngành công nghiệp hỗ trợ chậm. Trong thời gian dài, ngành chưa được quan tâm đúng mức, tồn tại nhiều yếu kém”, ông nói.

Hiện cả nước có 1.383 doanh nghiệp đang hoạt động, chia làm 3 nhóm chính gồm: cơ khí, điện tử, nhựa và cao su. So với tổng số 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chỉ chiếm 0,03%, trong đó, chỉ có 500 doanh nghiệp cung ứng cho ngành sản xuất ô tô, xe máy...

“Hầu hết vật liệu chế tạo phụ tùng phải nhập khẩu, tỷ lệ cung ứng vật liệu cho 1 số nhóm ngành sản xuất trọng điểm như ô tô chỉ đạt 20 – 30%, da giày, dệt may chỉ đạt 10%, dẫn đến giá trị gia tăng thấp, năng lực cạnh tranh kém”, đại biểu Tiến nói.

Ông cũng nói thêm rằng hiện các doanh nghiệp cung ứng linh kiện chủ yếu là các doanh nghiệp Nhật, Hàn, tiếp đến là Đài Loan, cuối cùng mới là Việt Nam với một số công ty ít ỏi, cho dù Việt Nam có tiềm năng lớn.

Do đó, đại biểu kiến nghị cần đánh giá nghiêm túc lại ngành, nhất là những ngành có “vị trí xứng đáng một thời” để đưa ra các giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, thúc đẩy nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng kinh doanh, môi trường kinh doanh để thu hút nhà đầu tư FDI đầu tư, chuyển giao công nghệ. Cần xây dựng cơ chế đặc thù cho hoạt động nghiên cứu sản xuất trong một số lĩnh vực sản xuất, thí điểm các vườn ươm, viện nghiên cứu, đồng thời, lựa chọn một số doanh nghiệp tiên phong, có tiềm lực để đầu tư.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên