MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Quốc hội: Tăng trưởng GDP năm nay 3,4% là phù hợp

Đại biểu Bùi Thu Hằng, Đoàn Hòa Bình cho rằng tăng trưởng GDP năm nay ở mức 3,4% là phù hợp.Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Đoàn Tiền Giang cũng đặt vấn đề rằng Chính phủ và Quốc hội nên xem xét điều kế hoạch tăng trưởng kinh tế năm nay, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP do ảnh hưởng của dịch Covid-19.Các đại biểu cũng góp ý rằng việc triển khai gói hỗ trợ phải được kiểm tra, giám sát tránh tình trạng 'bò đi lạc vào nhà quan, quan đi lạc vào hộ cần nghèo' như thời gian vừa qua.

Sáng ngày (13/6), Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về  Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước 2018.

Đại biểu Quốc hội: Tăng trưởng GDP năm nay 3,4% là phù hợp - Ảnh 1.

Đại biểu Bùi Thu Hằng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình.

Đại biểu Bùi Thu Hằng, Đoàn Hòa Bình đề xuất Chính phủ nghiên cứu dự báo tình hình dịch Covid-19, đưa ra kịch bản tăng trưởng, để xuất giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và trình Quốc hội ở thời điểm thích hợp. Theo đó, bà Hằng cho rằng tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức bằng một nửa mục tiêu Quốc hội giao - tức 3,4% là phù hợp.

Đồng tình, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Đoàn Tiền Giang cũng đặt vấn đề xem xét điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng kinh tế, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP với Chính phủ và Quốc hội. Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, ADB, WB, và IMF đều dự báo tăng trưởng kinh tế GDP Việt Nam lần lượt là 4,8%, 4,9% và 2,7%.

Trước đó, trong buổi làm việc tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Chính phủ không xin điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP mà cố gắng để đạt ở mức cao nhất các mục tiêu.

Bà dẫn thông tin cho biết, trong khi tăng trưởng kinh tế của nhiều nước âm, Việt Nam vẫn đạt 3,82%. Còn với Việt Nam, Chính phủ không trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng mà "cố gắng để đạt ở mức cao nhất các mục tiêu đề ra trong năm nay".

Trong báo cáo bổ sung tình hình - kinh tế xã hội 2019 của Chính phủ cho thấy 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt. Nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo với Quốc hội. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,02% thay vì 6,8% như báo cáo trước đó. Đây là mức tăng trưởng thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.

Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt 20,4 tỷ USD, tăng 6,8%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 517 tỷ USD, xuất siêu hơn 11 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) vượt 9,9% dự toán; nợ công ở mức 54,7% GDP (đã báo cáo 56,1%).

Góp ý về việc triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất và duy trì tăng trưởng kinh tế ông Hải còn đề xuất việc triển khai chính sách hỗ trợ cần kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của cộng đồng và người dân để tránh tình trạng “bò đi lạc nhà quan, quan đi lạc vào hộ cận nghèo” như báo chí đã nêu trong thời gian gần đây.

Bình luận về nội dung này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng việc triển khai chính sách hỗ trợ vẫn có những độ trễ và phải đơn giản hóa các thủ tục hơn nữa để những đối tượng được hưởng hỗ trợ tiếp cận chính sách một cách kịp thời hơn.

“Cần có cách tiếp cận từ hai phía. Không chỉ người dân, doanh nghiệp tìm đến các tổ chức hỗ trợ mà những cơ quan thực thi chính sách như ngân hàng, thuế cũng chủ động tiếp cận nhóm đối tượng thụ hưởng. Bằng cách này tốc độ giải ngân và thực thi chính sách sẽ tăng gấp đôi và giảm được độ trễ tối đa”, ông Lộc nói.

Đồng thời, PGS TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng phía cơ quan nhà nước phải tăng tốc hơn nữa trong việc triển khai chính sách hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Trong khi đó, người dân và doanh nghiệp đều rất nóng lòng mong muốn được nhận hỗ trợ. Tuy nhiên, ông Thiên cũng lý giải việc chính sách có độ trễ nhất định có thể do thẩm quyền của mỗi cơ quan, ví dụ như đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp của Chính phủ lại thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Trước đó, do tác động của dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ từ trực tiếp đến gián tiếp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định cuộc sống, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh duy trì tăng trưởng kinh tế như chính sách an sinh xã hội, tài khóa, tiền tệ. Đến nay, ước tính tổng quy mô gói hỗ trợ lên đến 600.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, đại biểu Hải cũng nhất trí với giải pháp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để bù đắp tăng trưởng kinh tế, trong đó sẽ chuyển nguồn vốn từ những dự án chậm triển khai sang dự án khác. Dù vậy, ông Hải lưu ý cần xây dựng bộ tiêu chí cụ thể, rõ ràng tránh cơ chế xin cho, tiêu cực có thể xảy ra.

Theo Ngọc Hà

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên