MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ giá và sự phối hợp chính sách mới

30-07-2018 - 08:20 AM | Tài chính - ngân hàng

Diễn biến của tỷ giá VND/USD trong hai tháng qua đã cho thấy có những chuyển biến rất mới về chính sách liên quan của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như sự phối hợp về chính sách (chính sách tài khóa và tiền tệ) giữa NHNN và Bộ Tài chính.

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Trước tiên, nói về chính sách tỷ giá của NHNN, bắt đầu từ trung tuần tháng 6, VND bắt đầu phải đối mặt với áp lực mất giá ngày càng mạnh hơn theo đà leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và sự mạnh lên của USD. Như thường lệ, dư luận lại xôn xao và kỳ vọng NHNN sẽ có những hành động ổn định tỷ giá như trước đây. Đáp lại, và cũng như thường lệ, NHNN lên tiếng trấn an với tuyên bố có đủ công cụ và nguồn lực để ổn định tỷ giá. Nhưng điểm mới mà ít người để ý đến là trong thông điệp ổn định tỷ giá này, sự "ổn định" chỉ mang tính tương đối, vì tỷ giá tuy chỉ được phép biến động trong một biên độ ấn định nhưng biên độ này lại xoay quanh tỷ giá trung tâm là cái mà sẽ biến động, thậm chí tăng lên, hàng ngày.

Do đó, không có gì lạ khi tỷ giá trong ngân hàng và trên thị trường đã biến động (tăng) khá mạnh mà NHNN vẫn chưa có hành động can thiệp nào. Và sau đó, NHNN mới có hành động can thiệp đầu tiên là đặt ra giá bán USD tại Sở Giao dịch NHNN ở mức 23.050 VND/USD. Tuy nhiên, hành động can thiệp này diễn ra khá ngắn ngủi, kéo dài trong đôi ba ngày, với tổng số USD bán ra khoảng 2 tỷ USD. Là một con số khá nhỏ, đặc biệt so với những lần can thiệp trước đây và so với độ lớn của quỹ dự trữ ngoại hối, nên có lẽ nó chỉ mang tính biểu trưng, xoa dịu tâm lý và thăm dò thị trường là nhiều.

Trong khi đó, lãi suất đã có những biến động bất thường với việc lãi suất liên ngân hàng tăng đột ngột và mạnh liên tục trong mấy tuần qua. Chẳng hạn, lãi suất qua đêm đã nhanh chóng tăng từ dưới 1%/năm lên trên các mức 2%/năm, 3%/năm, rồi vượt 4%/năm, đạt 4,27%/năm vào ngày 26/7. Chắc chắn rằng lãi suất tăng lên mạnh như vậy đã góp phần giải tỏa phần nào áp lực lên tỷ giá, giảm gánh nặng cho NHNN phải can thiệp để không cho tỷ giá tăng sốc, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người dân.

Nguyên nhân của đợt tăng lãi suất đột ngột và mạnh này có thể truy ngược từ thời điểm cuối tháng 6 khi Chính phủ báo cáo có khoảng 150 nghìn tỷ đồng tiền ngân sách được điều chuyển về để ở NHNN. Trước đó, đương nhiên nguồn tiền này được gửi ở các ngân hàng thương mại. Việc điều chuyển này có thể thấy rõ qua báo cáo của một số ngân hàng thương mại đã có báo cáo tài chính quý 2 như Vietcombank. Theo đó, số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước đã giảm mạnh xuống còn 67,5 nghìn tỷ cuối quý 2 từ mức 127 nghìn tỷ cuối quý 1 ở ngân hàng này.

Điểm khác biệt chính giữa việc Kho bạc Nhà nước gửi tiền ngân sách ở ngân hàng thương mại với gửi ở NHNN là gửi ở NHNN thì tiền coi như bị "nhốt", không vào lưu thông được. Điều này đồng nghĩa với việc làm giảm cung tiền, và, do đó, làm tăng lãi suất, đặc biệt trong 2 tuần qua. Cũng chính vì sự tăng mạnh của lãi suất liên ngân hàng như hiện nay nên có thể hiểu rằng số tiền ngân sách được điều chuyển về để ở NHNN vẫn còn nằm đó, (đa phần) chưa được chuyển trở lại Kho bạc để chi tiêu hay gửi tại các ngân hàng thương mại.

Cũng cần nói thêm là trong thời gian này NHNN cũng đã tung ra lưu thông một lượng tiền lớn thông qua lượng tín phiếu NHNN đáo hạn và qua kênh cầm cố giấy tờ có giá. Tuy nhiên lượng tiền này nhỏ hơn lượng tiền ngân sách để ở NHNN nói trên (báo cáo cho thấy số dư tín phiếu NHNN hồi đầu tháng 6 là vào khoảng 150 nghìn tỷ đồng, nhưng đã giảm mạnh xuống còn 59 nghìn tỷ đồng hồi đầu tuần trước).

Qua hành động điều chuyển tiền ngân sách ở trên, rõ ràng là đã có một bước biến chuyển rất mới trong sự phối hợp chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ. Cũng là nguồn tiền đó của ngân sách, có thể đang tạm thời dư thừa do chưa giải ngân được cho các chương trình đầu tư công của Chính phủ, nhưng đã được Bộ Tài chính gửi ở NHNN thay vì gửi ở ngân hàng thương mại trong một sự phối hợp nhằm hỗ trợ ổn định tỷ giá.

Quan trọng không kém, việc điều chuyển tiền này còn có ý nghĩa là làm giảm áp lực lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng đã tăng mạnh trong 2 tháng qua.

Cũng cần lưu ý rằng lãi suất liên ngân hàng tăng nhanh và mạnh như trên có thể gây tác động bất lợi cho doanh nghiệp và, do đó, tăng trưởng GDP khi lãi suất huy động tiền gửi dân cư và doanh nghiệp cũng tăng lên theo lãi suất liên ngân hàng.

Tuy nhiên, do VND đã suy yếu đi đáng kể so với thời điểm đầu năm (đã mất hơn 2% giá trị so với USD) và không loại trừ khả năng còn tiếp tục suy yếu nếu NHNN không tích cực can thiệp thêm như đang được thấy hiện nay, nên thực chất tăng trưởng kinh tế lại được hỗ trợ bởi sự giảm giá của VND thông qua kênh thương mại (xuất khẩu tăng lên, nhập khẩu giảm đi). Do đó, về tổng thể, tác dụng tích cực đến từ sự suy yếu của VND sẽ bù trừ cho tác động tiêu cực từ việc tăng lãi suất.  

Như vậy, dường như NHNN đã chuyển sang duy trì một chính sách "trung dung" – một mặt, để tiền đồng yếu đi theo điều kiện thị trường mà không phải bận tâm can thiệp bằng mọi giá như trước đây, mặt khác (phối hợp với Bộ Tài chính) tăng lãi suất, vừa để hỗ trợ tỷ giá, vừa giảm áp lực lạm phát, đồng thời vẫn hướng đến mục tiêu là duy trì tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh có các cú sốc bên ngoài (chiến tranh thương mại và sự mạnh lên của USD).

So với những lựa chọn chính sách đã thi hành trước đây thì rõ ràng chính sách phối hợp các công cụ và các bên (Bộ Tài chính và NHNN) như thế này là phù hợp và có tính duy trì cao hơn.

TS. Phan Minh Ngọc

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên