MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch theo nguyên tắc tự nguyện

Một trong những điểm mới của Luật Du lịch (sửa đổi) lần này là quy định về sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch.

Chiều ngày 19/6, Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 89,21% số đại biểu có mặt tán thành.

Một trong những điểm mới của Luật Du lịch (sửa đổi) lần này là quy định về sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch.

Theo đó, cộng đồng dân cư có quyền tham gia và hưởng lợi ích hợp pháp từ hoạt động du lịch; có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa địa phương; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường. Cộng đồng dân cư cũng sẽ được tạo điều kiện để đầu tư phát triển du lịch, khôi phục và phát huy các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian, ngành, nghề thủ công truyền thống, sản xuất hàng hóa của địa phương phục vụ khách du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương.

Đối với việc đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch, Luật quy định: Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Giải trình về việc vẫn giữ nguyên tắc tự nguyện đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc thực hiện xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch theo nguyên tắc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tôn trọng, bảo vệ lợi ích, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng để bảo đảm chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch, Luật quy định: Trước khi được đưa vào kinh doanh, cơ sở lưu trú du lịch phải đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch (điểm c khoản 1 Điều 49).

Minh Phương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên