MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đắng như cổ phiếu ngành đường

Sau giai đoạn thăng hoa trong năm 2016, nhóm cổ phiếu ngành đường đã gây thất vọng với giới đầu tư trong năm 2017.

Nếu như kinh doanh có chu kỳ thì thị trường chứng khoán có giai đoạn thăng hoa và lao dốc. Ở giai đoạn 9 tháng đầu năm 2016, nhóm cổ phiếu ngành mía đường đã làm mưa làm gió trên thị trường và trở thành một trong những nhóm cổ phiếu hàng hóa thăng hoa nhất, nhưng khi bước sang năm 2017, mọi thành tựu đạt được đã bị xóa nhòa.

Cổ phiếu LSS của CTCP Mía đường Lam Sơn hiện còn chưa tới 9.000 đồng, trong khi chỉ hơn 1 năm trước cổ phiếu này xác lập mức đỉnh gần 18.000 đồng. Đạt đỉnh gần 70.000 đồng vào tháng 7/2016 nhưng hiện tại, mỗi cổ phiếu KTS của CTCP Đường Kon Tum chỉ còn chưa tới 1 nửa. CTCP Mía đường Sơn La với mã cổ phiếu SLS cũng đã giảm gần 20% so với mức đỉnh chỉ trong 5 tháng gần đây.

Đà giảm của nhóm cổ phiếu ngành đường cũng ảnh hưởng nặng nề đến CTCP Đường Quảng Ngãi với mã cổ phiếu QNS. Cổ phiếu này giờ chỉ còn 63.000 đồng, so với mức đỉnh gần 100.000 đồng xác lập cách đây nửa năm. Dù nổi tiếng với 2 thương hiệu sữa đậu nành là Fami và VinaSoy, song triển vọng mảng kinh doanh đường không mấy tích cực cũng là một trong những nguyên nhân tác động đến xu hướng vận động tiêu cực của giá cổ phiếu.

Tương tự như những doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa cơ bản khác, đà vận động của cổ phiếu các doanh nghiệp mía đường gắn chặt với xu hướng của giá đường và hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp.

Năm 2015, chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, ngành nông nghiệp đặc biệt sản xuất mía gặp nhiều khó khăn. Nhiều dự báo đưa ra khi đó cho biết cung cầu sản lượng đường sẽ có sự chênh lệch đáng kể khi sản lượng mía của nhiều khu vực sẽ thấp kỷ lục. Mặt khác, nhu cầu thế giới vẫn tăng đều đặn 2%/năm do ngành công nghiệp thực phẩm châu Á phát triển mạnh, điều này đã giúp giá đường liên tục bứt phá.

Đến cuối tháng 9/2016, giá đường thế giới đã lên sát mức 24 USD/LB (cân Anh), tăng gấp đôi mức đáy được thiết lập trong năm 2015. Đà tăng giá của mặt hàng cơ bản này khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp sản xuất, góp phần tạo nên sự bứt phá của nhóm cổ phiếu.

LSS, KTS, SLS, SBT… đã trở thành những cái tên nổi bật khi đó.

Tuy nhiên, “sống nhờ thị trường và chết cũng bởi thị trường”, khi hiện tượng thời tiết bất thường chấm dứt, cung cầu trở lại mức cân bằng và xuất hiện thặng dư đã ảnh hưởng đến đà tăng của giá đường. Theo số liệu của Trading Economics, giá đường thế giới sau hiện chỉ còn 15 USD/LB, giảm gần 40% so với mức đỉnh.

Bên cạnh đó, tâm lý khách hàng chờ ăn đường giá rẻ từ 1/1/2018 khi Hiệp định tự do thương mại ASEAN có hiệu lực cũng đặt ra những thách thức mới lớn hơn và cấp bách với ngành mía đường trong nước, bên cạnh xu hướng vận động của giá sản phẩm này trên thị trường thế giới.

Kết quả kinh doanh không mấy tích cực của những doanh nghiệp mía đường trong nước trong những tháng đầu năm 2017 trở thành câu trả lời rõ ràng nhất cho những tác động.

Dù ghi nhận doanh thu và lợi nhuận vẫn tăng nhưng SLS và KTS cho biết giá đường bình quân đã giảm từ 12% đến 15,6% so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng chủ yếu đến từ sản lượng tiêu thụ.

Trong quý I năm 2017 – 2018 theo niên độ tài chính riêng, LSS cũng chứng kiến những tác động cụ thể. Doanh nghiệp này chỉ đạt 214 tỷ đồng doanh thu, giảm 53% cùng kỳ năm trước. Giá vốn giảm tương ứng khiến lãi gộp chỉ còn một nửa cùng kỳ. Cộng thêm các khoản chi phí không thay đổi nhiều, lãi ròng LSS chỉ tương đương 1/3 cùng thời diểm năm trước, đạt vỏn vẹn hơn 12 tỷ đồng.

Kết quả này hoàn toàn trái ngược với thành công trước đó của LSS, khi doanh nghiệp này kết thúc niên độ 2016 – 2017 với doanh thu và lợi nhuận trước thuế cùng tăng trưởng 18% và 38%, lần lượt vượt 16% và 34% kế hoạch năm.

Tuyết Lan

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên