Đằng sau “vương miện” quán quân cải cách ở Quảng Ninh và bí quyết an dân của Bí thư tỉnh ủy
Với điểm số PCI tổng hợp năm 2020 đạt 75,09 điểm, Quảng Ninh là tỉnh đứng đầu, tăng 1,69 điểm so với cùng kỳ và là quán quân 4 năm liên tiếp. Đây cũng là tỉnh duy nhất vượt mốc 75 điểm PCI từ năm 2010 trở lại đây.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh đánh giá, thành công lớn nhất về cải cách của Quảng Ninh là về mặt hạ tầng.
"Quảng Ninh là địa phương hoàn toàn không xin tiền từ Trung ương và cũng không có cơ chế gì" – ông Ký khẳng định, "Chúng tôi xin làm thí điểm hợp tác công tư thành công và ra Nghị định 15/2015/NĐ-CP đầu tư theo hình thức đối tác công tư rồi trở thành đầu vào cho Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư số 64/2020/QH14".
"Giai đoạn khó khăn nhất là thời điểm đồng chí Phạm Minh Chính còn là Bí thư tỉnh ủy. Chính đồng chí đã đặt nền móng cho việc đó, thì chúng tôi mới có thành công trong hạ tầng như hôm nay" – Bí thư Quảng Ninh nói thêm.
Quảng Ninh rất tự hào, vì cải cách hạ tầng không phải chỉ cho Quảng Ninh. Bây giờ xong sân bay, xong bến cảng, xong Vân Đồn hết năm nay cho đến Móng Cái thì toàn bộ khu vực phía Bắc kể từ Lào Cai trở xuống, hai hành lang vành đai sẽ được thúc đẩy khi có hạ tầng chiến lược.
Từ Hà Nội đi Móng Cái, chỉ có 3 tiếng đồng hồ, là ước mong bao đời nay. Từ Hải Phòng đi Móng Cái cũng chỉ khoảng 1,5 tiếng đồng hồ, rút ngắn khoảng cách đến các vùng phát triển nhất, không phải chỉ có Trung Quốc mà còn Đông bắc Á.
Đây sẽ là một động lực, một cửa ngõ của Việt Nam – ASEAN – Trung Quốc, và Quảng Ninh có vai trò quan trọng do địa-chính trị, địa-kinh tế tạo nên.
"Chúng tôi đã hoàn thành công trình ấy là công trình mang ý nghĩa quốc gia chứ không chỉ mang ý nghĩa cấp tỉnh" – Bí thư Quảng Ninh khẳng định.
Đây sẽ là công trình thay đổi căn bản sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh trong tương lai, cùng với các hạ tầng đã có, thì lúc bấy giờ cụm nghèo khó sẽ được thúc đẩy. Nếu đi du lịch từ Hà Nội đến Quảng Ninh chỉ trong 3 tiếng sẽ có rất nhiều người đi, bây giờ đi đã tốt rồi nhưng vẫn còn ngại vì thời gian di chuyển vẫn nhiều, chưa kể đến sự an toàn. Ngày xưa, di chuyển mất gần một ngày, là quá khủng khiếp, quá vất vả.
Hay việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long sẽ tạo ra một không gian dư địa mới. Thành phố Hạ Long được định vị là một trong những thành phố có vị trí rất quan trọng trong cực phát triển phía Bắc cùng với Hà Nội và Hải Phòng. Hạ Long có vai trò dẫn dắt ở mảng du lịch dịch vụ và kinh tế biển. Thành phố Hạ Long có dư địa mới, sẽ có thêm nguồn lực không gian để phát triển bền vững hơn, định hình một đô thị có cây xanh, có mặt nước với tỷ lệ rất đột phá.
Ví dụ như cầu Cửu Lục 1, Cửu Lục 3 hết năm 2021 sẽ hình thành… Đó có thể nói là những công trình có ý nghĩa rất chiến lược mà Quảng Ninh đang triển khai. Ngoài ra còn có công trình từ cầu Bạch Đằng đến Đông Triều có đường 10 làn, khai thác toàn bộ bờ sông với hàng chục ha bãi triều ven sông, ven biển còn để hoang hóa, bây giờ sẽ được đánh thức, hoàn toàn là từ nguồn lực của tỉnh.
"Hạ tầng chính là điểm chúng tôi cho rằng thành công nhất" – ông Ký nhận mạnh.
Ngày 14/4, Quảng Ninh được công bố đứng đầu về chỉ số PAPI, và ngay hôm sau 15/4 được xướng tên là quán quân trong bảng xếp hạng PCI.
Theo ông Nguyễn Xuân Ký, về cải cách hành chính thì tỉnh này đã có "thương hiệu" từ nhiều năm nay. 3 năm liền, Quảng Ninh đứng đầu Par Index (Chỉ số Cải cách hành chính). Năm 2020, Quảng Ninh cũng đứng đầu SIPAS (Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính) và mới đây là quán quân trong bảng xếp hạng PAPI 2020 (Chỉ số Hiệu quả Quản trị và hành chính công).
Các chỉ số này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, dù khác nhau về đối tượng đánh giá nhưng về bản chất vẫn là câu chuyện cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh trên nền tảng của 3 yếu tố: Tổ chức bộ máy con người, công nghệ, quy trình. Có thể nói, Quảng Ninh là một quán quân đích thực trong 63 tỉnh thành về cải cách.
Trong Điều tra PCI 2020, cộng đồng doanh nghiệp tại Quảng Ninh đã ghi nhận những nỗ lực của chính quyền tỉnh trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Cụ thể, 89% doanh nghiệp đánh giá chính quyền tỉnh vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. 79% doanh nghiệp cho biết chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết các vấn đề mới phát sinh.
97% doanh nghiệp nhận được phản hồi từ cơ quan chính quyền tỉnh sau khi phản ánh khó khăn, vướng mắc và 81% doanh nghiệp hài lòng với cách giải quyết của cơ quan chính quyền tỉnh.
Yêu cầu "3 giảm" trong cải cách thủ tục hành chính (giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí cho nhà đầu tư) được chính quyền tỉnh thực hiện liên tục từ năm 2017 tới nay đã mang lại kết quả tích cực qua đánh giá của doanh nghiệp: 71% doanh nghiệp đánh giá thủ tục giấy tờ đơn giản (năm 2019 là 66%), 84% doanh nghiệp cho biết thời gian thực hiện thủ tục được rút ngắn so với quy định (năm 2019 là 76%).
Gánh nặng chi phí không chính thức của doanh nghiệp tại Quảng Ninh cũng đã giảm bớt, khi chỉ có 3% doanh nghiệp phải chi trả trên 10% doanh thu cho khoản chi này (năm 2019 là 5%). Chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn đã được cải thiện đáng kể, với tỷ lệ doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục sử dụng một số loại dịch vụ ở mức cao, ví dụ: dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường (81%), dịch vụ tư vấn pháp luật (88%) và dịch vụ liên quan tới công nghệ (75%).
Ông Ký nhận định, cải cách hành chính là thành tích rất nổi bật nhưng lại rất khó giữ. Do vậy, Quảng Ninh là tỉnh thành duy nhất trong 63 tỉnh thành đưa các chỉ số PCI, Par-index, PAPI, SIPAS… vào Nghị quyết đại hội Đảng, tức là không thể thay đổi được, chỉ có tổ chức thực hiện để đúng cam kết với dân, đây chính là thách thức, áp lực nhưng cũng chính là động lực để tập trung phát triển.
"Nhưng câu chuyện không phải là đứng thứ mấy, mà là tạo ra nền tảng vững chắc để có thể chuyển đổi số nhanh hơn cả về kinh tế, xã hội, thành phố thông minh. Đó mới là vấn đề cốt lõi, để lên hạng thì loanh quanh không có gì đáng kể" – ông Ký chia sẻ với phóng viên. "Mà để làm nên câu chuyện phát triển kinh tế số, thứ hạng số thì câu chuyện công dân thông minh và số lượng cán bộ có thể sử dụng hạ tầng thông minh là một câu chuyện không hề dễ dàng, nhất là đối với Quảng Ninh. Chúng tôi đang phải làm rất quyết liệt".
Bí thư Quảng Ninh nhấn mạnh rằng, nhờ có những nền tảng về cải cách hành chính đó, mà khi gặp những thách thức phi truyền thống, đặc biệt là Covid-19 thì Quảng Ninh vẫn trụ vững.
"Điểm rất quan trọng, Quảng Ninh có bí quyết riêng. Ở nơi khác có 4 tại chỗ, ở Quảng Ninh còn có 3 trước. "3 trước, 4 tại chỗ" mới có thể thành công chống dịch"- ông Ký cho hay.
3 trước là: phải có nhận diện trước từ xa, từ sớm, phải có chuẩn bị trước và phải hành động trước. Dịch vào nhà không khác gì giặc vào nhà, nếu đã để vào đến nhà thì không kịp nữa rồi, nên phải hành động trước.
Trong an ninh truyền thống ai ra tay trước người ấy sẽ thắng, trong an ninh phi truyền thống cũng như vậy. Do vậy, mặc dù dịch còn ở xa biên giới nhưng Quảng Ninh đã đóng biên. Đây là một thành công về mặt lý luận trong phòng chống dịch của Quảng Ninh. Và công thức 3 trước, 4 tại chỗ giờ đã thành áp dụng cho cả hệ thống phòng chống dịch.
Sang đến quý 1/2021 Quảng Ninh tiếp tục là tâm dịch. Khi đó có 2 địa phương xảy ra dịch là ở Quảng Ninh và Hải Dương – cùng một ngày, trong đó Quảng Ninh bị ở sân bay Vân Đồn.
Thời điểm đó, lãnh đạo Quảng Ninh tuyên bố giữ địa bàn và kiểm soát dịch bệnh sau 10 ngày dịch bệnh bùng phát (tức là khoảng 28 tết). Với kịch bản 3 trước 4 tại chỗ, rất chủ động trong công tác phòng chống dịch, Bí thư và Chủ tịch tỉnh đích thân vào tâm dịch là Đông Triều để xem tình hình chống dịch thực tế ra sao, có đảm bảo hay không và đúng 28 tết đã kiểm soát được dịch, bà con toàn tỉnh trừ Đông Triều được ăn tết trong trạng thái bình thường mới.
"1 triệu/1 triệu 320 nghìn dân Quảng Ninh bị ảnh hưởng bởi yếu tố dịch tễ, nhưng chúng tôi chỉ 1 tuần là dập dịch xong, khóa chặt. Chúng tôi vẫn tăng trưởng 9,02%, thu ngân sách vẫn trên chục nghìn tỷ, nhân dân vẫn có cuộc sống ổn định, tạo lập thói quen và ý thức cao hơn về phòng chống dịch do chủng mới lây lan" – ông Ký cho biết.
Mặt khác, dù có dịch, Quảng Ninh vẫn trụ vững, nhất là trong kinh tế, bất chấp du lịch chịu ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Trước đó, năm 2019, du lịch chiếm 45% cơ cấu nền kinh tế của Quảng Ninh. Năm 2020 chỉ còn khoảng 43%, nhưng vẫn là trụ cột, và Quảng Ninh vẫn tăng trưởng 10,25%. Quy mô kinh tế Quảng Ninh hiện nay khoảng 220 nghìn tỷ, xấp xỉ 10 tỷ USD, đứng thứ 3 ở phía Bắc sau Hà Nội (hơn 100 nghìn tỷ) và Hải Phòng (280 nghìn tỷ).
Trong Covid-19, ngoài hỗ trợ của Chính phủ, Quảng Ninh cũng có gói kích cầu đặc biệt, hơn 300 tỷ, để thúc đẩy thị trường du lịch nội địa, thông qua việc không thu vé thăm Vịnh Hạ Long, không thu phí tham quan Yên Tử, Bảo tàng Thư viện, hỗ trợ xe bus… Năm nay, ngay từ đầu năm, Quảng Ninh đã ra Nghị quyết cho gói kích cầu 500 tỷ, phân bổ trong chuỗi ngành du lịch, là "liều thuốc cho người ốm" – doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành, thậm chí người lái xe ôm, bán nước…
Về Covid-19, bên cạnh Hà Nội và Hải Phòng, Quảng Ninh cũng là địa phương chủ động nguồn lực để tiêm vaccine cho toàn dân. Nhiệm kỳ 2016-2020, Quảng Ninh cũng có 19 chính sách riêng về an sinh xã hội. Đầu tư cho y tế giáo dục, đường xá, môi trường, nói cách khác là đề án riêng để giải quyết các bài toán chênh lệch vùng miền thì Quảng Ninh đã có nghị quyết và nguồn lực.
Như vậy, có thể nói độ bền và sức chịu đựng của cả nền kinh tế, cũng như từng khu vực và từng doanh nghiệp đã qua một bước sàng lọc.
"Điều đó cho thấy hướng đi chuyển đổi từ nâu sang xanh, chuyển đổi cả ba khu vực đồng bộ để đảm bảo sự bền vững, cách đây hàng chục năm từ khi đồng chí Bí thư Phạm Minh Chính còn ở đây, qua đề án báo cáo Bộ Chính trị, là một chiến lược rất sát, và rất đúng" – ông Ký nói.
Tất cả thành quả này là do sức bền của hệ thống chính trị, khả năng thích ứng trong quản trị của địa phương trong bối cảnh có những thách thức an ninh phi truyền thống. Điều này là quá trình xây dựng cả chục năm trong quá trình sắp xếp bộ máy, đội ngũ chứ không phải chỉ ngày một ngày hai mà được.
Hài lòng về các kết quả đã đạt được, Bí thư Quảng Ninh nói, hệ thống kinh tế, hệ thống chính trị và hệ thống xã hội, trung tâm nhất là người dân của Quảng Ninh có thể nói là tương đối ổn về mục tiêu phát triển bền vững. Việc phát triển bền vững này cũng cần phải có sự dẫn dắt để đạt mục tiêu nhân dân phải no ấm, hạnh phúc, niềm tin phải tốt lên, biên giới phải ổn định. Đặc biệt, môi trường sống, gồm có cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, tiêu chí về một xã hội an toàn an ninh, kỷ cương, kỷ luật xã hội cũng phải tốt.
"Suy cho cùng, cha ông đã dạy, phải dưỡng dân, an dân. Không khoan thư sức dân thì không thể phát triển bền vững. Niềm tin của người dân dành cho chính quyền Quảng Ninh cũng từ đó mà có" – ông Ký bộc bạch.