MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dành cho độ tuổi 20-29: 10 thứ "vô bổ" khiến bạn lãng phí cả thanh xuân

15-01-2020 - 11:25 AM | Sống

Chắc chỉ có ở độ tuổi 20-29, chúng ta mới có thể đặt chữ "chênh vênh" trước con số nào cũng hợp lý. Vậy làm sao để bớt chênh vênh?

Hãy học cách ổn định cuộc sống từ bây giờ bằng cách vứt bỏ những điều sau:

1. Kỳ vọng về một mối quan hệ lâu dài và nghiêm túc

Những năm 20 tuổi, bạn chưa hiểu bản thân đủ nhiều để biết mình muốn gì ở người yêu, hay việc mình nên là người như thế nào để ở bên anh ấy/cô ấy.

Hãy tập trung vào chính mình.

Cứ hẹn hò đi, thử nghiệm, có những cuộc tình vui vẻ.

Nhưng đừng có quá nghiêm túc, và cố gắng đừng kết hôn quá sớm.

Bạn sẽ dần tìm hiểu được mình muốn hay không muốn gì từ những trải nghiệm này.

Hãy xây dựng chắc chắn, dọn dẹp sạch sẽ “căn nhà” của mình trước khi mời ai đó bước vào.

Sau này bạn sẽ thấy mừng vì quyết định đúng đắn này cho mà xem.

2. Văn hóa phẩm đồi trụy

'Porn' và văn hóa 'sex' tấn công và thay đổi khái niệm niềm vui trong não bạn và khiến cho quan điểm của bạn về tình yêu, tình dục, sự gần gũi với phụ nữ/đàn ông trở nên méo mó.

Thành thật mà nói, bỏ 30 phút mỗi ngày ra tự nhốt mình trong phòng để xem và ngắm nhìn người khác “sung sướng” chưa bao giờ là một trải nghiệm hay ho và được cổ động cả.

Thưởng thức văn hóa phẩm đồi trụy quá thường xuyên gây hại nhiều hơn có lợi, và nói thẳng ra, là hoàn toàn phí thời gian và những điều tốt đẹp thực sự bên trong bạn.

Dành cho độ tuổi 20-29: 10 thứ vô bổ khiến bạn lãng phí cả thanh xuân - Ảnh 1.

3. Chất kích thích

Nếu bạn muốn hút điếu thuốc, uống vài ba chén rượu, hay thậm chí thử nghiệm với các chất gây ảo giác trong vòng hợp pháp, chẳng ai có quyền phán xét bạn cả.

Nhưng những năm 20 tuổi không phải là khoảng thời gian để bạn phá hoại sức khoẻ và cuộc sống của mình bằng việc ăn chơi bét nhè và nghiện chất kích thích.

Tránh xa các loại ma tuý mạnh (cocaine, ketamine, heroin, meth,…), ăn chơi thật xả láng nhưng đừng thường xuyên quá. Vào các dịp quan trọng thì tất nhiên là cứ ăn mừng đi.

Trong khi đám bạn cùng trang lứa đang say xỉn và đốt tiền, bạn có thể bắt đầu xây dựng một cuộc sống hạnh phúc thực sự. Tại sao không?

4. Ám ảnh vì định nghĩa thành công

Những năm 20 tuổi là thời gian để xây dựng nền tảng. Đó là khoảng thời gian để tìm hiểu xem mình muốn trở thành người như thế nào, và mình sẽ là ai trong thế giới này.

Đó không phải là lúc để “thành công”, bằng địa vị hay tiền bạc.

Tất nhiên là có cả đống “triệu phú tuổi 20” ngoài kia, nhưng bạn không cần phải thấy áp lực để đua theo họ, hay thấy mình vô dụng nếu không thể thành công như họ.

Đời còn rất dài để bạn có thể thành công bằng cách của riêng mình.

Bây giờ bạn nên tập trung vào việc học hỏi, phát triển, thiết lập các mối quan hệ, và xây dựng bản thân trở thành con người mình muốn. Tiền bạc và danh vọng sẽ đến sau.

Dành cho độ tuổi 20-29: 10 thứ vô bổ khiến bạn lãng phí cả thanh xuân - Ảnh 2.

5. Cố gắng gây ấn tượng với người khác

Có một sự thật là, khi bạn ở độ tuổi 20-29, dù bạn làm gì cũng sẽ bị phớt lờ mà thôi. Bạn không quan trọng và ý kiến của người khác cũng vậy.

Đừng để ham muốn được chú ý kiểm soát cuộc sống của bạn. Cứ làm những gì bạn muốn và sống theo cách của mình.

Tất nhiên là phải sống có đạo đức, nhưng đừng để ý kiến của người khác dẫn bạn vào một cuộc sống mà bạn không mong muốn.

Nếu bạn không muốn đổi chỗ với người khác, đừng nghe lời khuyên của họ và đừng quan tâm họ nghĩ gì.

6. Đi tìm sự ổn định

Dĩ nhiên là bạn nên làm việc chăm chỉ trong những năm 20 tuổi.

Nhưng đừng phí thời gian cho một “công việc ổn định” nếu đó không phải là điều bạn muốn.

Trừ phi bạn đã quyết tâm theo đuổi một ngành nào đó bạn yêu thích và cảm thấy rất có ý nghĩa, đừng phí thời gian vào những công việc văn phòng mà nghĩ đến thôi cũng làm bạn chán nản.

Kiếm một việc kiểu như pha rượu quầy bar để có tiền ăn ở, và làm thêm việc bên ngoài hoặc freelance khi rảnh rỗi nếu điều đó làm bạn vui. Đi tình nguyện khắp thế giới hoặc học nghề với ai đó mà bạn tôn trọng. Bạn luôn có thể quay lại và có “công ăn việc làm tử tế”, nhưng bạn không thể lấy lại thời gian đã phí hoài.

Dành cho độ tuổi 20-29: 10 thứ vô bổ khiến bạn lãng phí cả thanh xuân - Ảnh 3.

7. Quá quan trọng bằng cấp

Bạn không cần một đống giấy tờ hồ sơ để chứng tỏ giá trị của mình. Nếu bạn muốn trở thành bác sĩ hay luật sư thì tôi hiểu, nhưng rất nhiều người trong độ tuổi 20 đang dùng đại học như là một cách trốn chạy cuộc sống thật.

Khi họ không thể tìm việc với tấm bằng cử nhân, họ đi học thạc sĩ.

Khi họ vẫn không có việc với bằng thạc sĩ, họ lại đi học thêm một tấm bằng khác nữa.

Đây thực sự là một cuộc chạy đua tốn kém và mất thời gian, mà có lẽ chỉ dành cho giới quý tộc mà thôi.

8. Mua sắm chỉ để vui vẻ

Sở hữu vật chất hiếm khi giúp chúng ta hạnh phúc.

Tuy nhiên, hãy tiêu tiền vào trải nghiệm thay vì vật chất, và bạn sẽ nhìn lại những năm 20 tuổi của mình với một nụ cười trên môi.

Mua bằng được con xe xịn, một căn nhà to, hay những thứ đồ chơi đắt tiền khác bằng cách vay mượn, xin xỏ hay trả góp, và bạn sẽ nhìn lại những năm đó với hối hận khôn nguôi.

Đừng có mua những thứ vớ vẩn bạn không cần, để gây ấn tượng với những người bạn thậm chí còn không quen.

Dành cho độ tuổi 20-29: 10 thứ vô bổ khiến bạn lãng phí cả thanh xuân - Ảnh 4.

9. Nợ nần

Không đáng đâu, và đơn giản là nó rất ngu ngốc.

Bạn không cần phải vay nợ trừ phi bạn đang mở doanh nghiệp và dùng thẻ tín dụng để sống.

ĐỪNG vay nợ để mua xe, mua nhà, hay những thứ đắt đỏ trong khi bạn còn quá trẻ để dùng hết những món đồ ấy.

Chưa kể việc vay nợ còn gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng sau này mà bạn không thể tưởng tượng trước được khi dính đến ngân hàng hay tín dụng đen.

10. Cuồng tín

Đặt hết niềm tin vào chính trị, tôn giáo hay bất cứ điều gì khi còn quá trẻ đều không đáng

Không ai có quyền đánh giá quan điểm sống của bạn cả, nhưng đừng vội vã chạy theo một tôn giáo, đảng phái chính trị, hay triết lý nào, buộc bạn phải hy sinh các mối quan hệ thân thiết hay những niềm vui bình thưởng.

Dù bạn có thông minh hay nhiều trải nghiệm hơn người khác, rất có khả năng là bạn không đủ chín chắn, trải nghiệm để có thể quyết định chọn lựa một cách đúng đắn đâu.

Bạn cần phải gặp nhiều người hơn, được nhìn thấy thế giới, trải nghiệm các nền văn hoá khác, và hiểu những ý kiến trái ngược nhau đa chiều để biết được thực sự điều gì đang diễn ra.

Học hỏi về các tôn giáo của thế giới. Học hỏi về những người vô thần, những người theo đạo Thiên chúa, đạo Hồi, đạo Hindu, và đạo Phật.

Tìm hiểu về xã hội chủ nghĩa, tư bản, tư tưởng Mác-Lênin, chủ nghĩa tự do cá nhân, và những quan điểm chính trị kinh tế khác.

Hãy dành thời gian để tìm hiểu về các chủ đề này trước khi lựa chọn quan điểm một cách mù quáng. Bạn sẽ tránh được những lần tranh cãi vô bổ và tức giận không đáng có.

Theo Bùi Thảo

Trí thức trẻ

Trở lên trên