MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đánh giá lại quy mô GDP và 5 tác động lớn tới nền kinh tế

Quy mô GDP sau tính toán tăng sẽ khiến sự ưu đãi về kinh tế từ các tổ chức tài chính quốc tế không còn như trước, vay vốn ODA, vay ưu đãi sẽ ngặt nghèo hơn...

Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa chính thức công bố kết qủa đánh giá lại GDP giai đoạn 2010-2017. Cùng với việc công bố kết quả, đơn vị này cũng chỉ ra việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ tác động lớn tới định hướng chính sách vĩ mô của nền kinh tế trên 5 phuơng diện.

Tầng lớp trung lưu trong xã hội tăng lên

Theo Tổng cục Thống kê, đánh giá lại quy mô GDP dẫn tới quy mô của nền kinh tế và GDP bình quân đầu người tăng, bức tranh kinh tế của đất nước được nhận dạng sát thực và rõ nét hơn, đặc biệt bức tranh tiêu dùng của nền kinh tế.

Thực tế mô hình tiêu dùng của hộ dân cư đã thay đổi: Tỷ trọng tiêu dùng cho ăn uống giảm từ 39,93% năm 2010 xuống còn 33,25% năm 2019; tiêu dùng cho nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng tăng từ 10,01% năm 2010 lên 18,37% năm 2019; tiêu dùng cho giao thông và phương tiện đi lại tăng tương ứng từ 8,23% lên 10,27%; tiêu dùng cho bưu chính viễn thông tăng từ 2,72% lên 3,25%; tiêu dùng cho giáo dục tăng từ 5,72% lên 6,03%; tiêu dùng cho văn hóa, giải trí và du lịch tăng từ 3,83% năm 2010 và 4,62% năm 2019, tầng lớp trung lưu trong xã hội nước ta tăng lên.

Điều này gợi cho Chính phủ bên cạnh tập trung sản xuất hướng vào xuất khẩu, cần điều chỉnh chính sách đáp ứng nhu cầu trong nước để phục vụ cho tiêu dùng của gần 100 triệu dân với nhu cầu về nhà ở, phương tiện đi lại, sử dụng các loại dịch vụ có hàm lượng công nghệ và chất lượng cao ngày càng tăng.

Tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm nông nghiệp

Đánh giá lại quy mô GDP phản ánh cơ cấu kinh tế của 3 khu vực thay đổi. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (Khu vực I) năm 2017 chiếm tỷ trọng 15,34% theo số liệu đã công bố giảm xuống 12,93% theo số liệu đánh giá lại (giảm 2,41 điểm phần trăm).

Cơ cấu kinh tế của khu vực công nghiệp và xây dựng (Khu vực II) tăng 1,99 điểm phần trăm, từ 33,4% theo số liệu đã công bố lên 35,39 theo số liệu đánh giá lại.

Cơ cấu kinh tế khu vực dịch vụ (Khu vực III) tăng 1,32 điểm phần trăm, từ 41,26% theo số liệu đã công bố lên 42,58% theo số liệu đánh giá lại.

Bức tranh cơ cấu kinh tế thay đổi tác động tới điều chỉnh chính sách tài khóa, đầu tư, tín dụng đối với mục tiêu phát triển của 3 khu vực kinh tế và các ngành kinh tế trong từng khu vực hướng tới mục tiêu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp thuộc nhóm dẫn đầu các nước có thu nhập trung bình cao.

Sẽ có thêm dự án được đầu tư vì tỷ lệ nợ công giảm

Tính lại quy mô GDP cũng dẫn tới thay đổi các chỉ tiêu có liên quan tới GDP, đặc biệt các chỉ tiêu mang tính đòn bẩy của nền kinh tế như: tỷ lệ thu, chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài so với GDP. Các chỉ tiêu này thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách tài khóa và tiền tệ.

Sự thay đổi của các chỉ tiêu đòn bẩy cho thấy khả năng mở rộng hoặc thu hẹp dư địa thu ngân sách, điều chỉnh tỷ lệ thuế, chi tiêu và nợ công. Tuy nhiên, khả năng tác động là thấp vì trong thực tế thu ngân sách và thuế được quy định bởi các văn bản pháp luật.

Các chỉ tiêu đòn bẩy giảm xuống đưa đến khả năng lựa chọn được thêm những dự án cần thiết có hiệu quả tốt mà trước đây loại bỏ vì nếu đầu tư sẽ làm cho nợ công vượt trần.

Nền kinh tế dễ rơi vào tình trạng thao túng tiền tệ

Khi các chỉ tiêu đòn bẩy của nền kinh tế giảm, các dự án trước đây không dám đầu tư vì nếu thực hiện đầu tư sẽ vượt trần nợ công thì đến nay có thể được đầu tư, cùng với tăng trưởng khá cao và ổn định của nền kinh tế sẽ kích thích dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài ồ ạt đổ vào nước ta dẫn đến nền kinh tế tăng trưởng nóng.

Dòng vốn đổ vào nền kinh tế nhanh làm cho thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản nóng lên; bên cạnh đó với hiệu ứng của cải, người dân thấy họ giàu hơn sẽ tăng khả năng đi vay để chi tiêu, với vay tín dụng lãi suất không phần trăm (0%) để mua bất động sản, chính sách hạ lãi suất và nới lỏng cho vay của ngân hàng vì giá trị tài sản thế chấp tăng cao…

Những điều này có thể dẫn tới tình trạng bong bóng bất động sản ngày càng phình to hơn, dễ dẫn đến đổ vỡ.

Thêm nữa, khi dòng vốn đổ vào nền kinh tế, các nước đang phát triển thường vận dụng chính sách tiền tệ thuận chu kỳ để giữ ổn định tỷ giá dẫn tới biên độ dao động GDP của nền kinh tế trong trung và dài hạn nới rộng, nền kinh tế dễ rơi vào tình trạng thao túng tiền tệ.

Vay vốn ODA, vay ưu đãi ngặt nghèo hơn

Quy mô của nền kinh tế và GDP bình quân đầu người tăng, kinh tế vĩ mô cùng với hệ thống chính trị và an ninh ổn định, nước ta tham gia sâu rộng vào các hợp tác song phương và đa phương đã và đang nâng tầm vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Tuy vậy, quy mô nền kinh tế mở rộng và GDP bình quân đầu người tăng có thể làm tăng mức đóng góp của nước ta cho các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên, sự ưu đãi về kinh tế từ các tổ chức tài chính quốc tế không còn như những năm trước, chính sách cho Việt Nam vay cũng sẽ thay đổi như vay vốn ODA, vay ưu đãi sẽ ngặt nghèo hơn.

Theo An Nhiên

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên