MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Danh nhân được lấy tên đặt cho con đường trước chợ Bến Thành

Ông là người luôn khuyến khích cạnh tranh, đua tài trong sản xuất và buôn bán để tạo nên nền kinh tế thị trường ở Việt Nam.

Tư tưởng thị trường giữa lúc “bế quan tỏa cảng”

Có một con phố không dài trước chợ Bến Thành mang tên một nhân vật luôn khuyến khích cạnh tranh, đua tài trong sản xuất và thương mại. Ông mong muốn nước nhà sớm xây dựng được nền kinh tế thị trường, mở rộng thương mại, nhất là với đối tác nước ngoài. Trong xã hội khép kín khi ấy, ông thực sự là một người có tư tưởng canh tân – nhà yêu nước Phan Chu Trinh.

“Công thương kỹ nghệ chuyên khoa,

Trí tri cách vật cho ta theo cùng,

Cuộc điều dưỡng mở trong dân sự,

Nẻo giao thông tứ xứ sơn lâm,

Làm cho bá tánh yên tâm,

Làm cho kinh tế càng năm càng giàu” – trích Tỉnh quốc hồn ca, tác giả Phan Chu Trinh.

Phan Chu Trinh rất coi trọng việc “chuyên khoa” của mỗi người trong sự phát triển của kinh tế đất nước. Bà Lê Thị Hương (Ban Xây dựng ND & HTTB - Bảo tàng Lịch sử quốc gia) cho rằng quan niệm mỗi người học lấy một nghề là vấn đề chưa từng được nhắc đến trong lịch sử và phải đến Phan Chu Trinh vấn đề này mới được đặt ra.

Việc mỗi người “chuyên khoa” một nghề đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam cần phát triển nền kinh tế thị trường. Bởi vì đây là cơ sở cho sự phân công lao động lao động xã hội, một trong hai điều kiện cần để kinh tế hàng hóa ra đời và phát triển lên kinh tế thị trường.

Không chỉ vậy, giữa lúc triều đình chủ trương bế quan tỏa cảng thì Phan Chu Trinh lại là người có tư tưởng xây dựng một nền kinh tế mở rộng thông thương buôn bán với nước ngoài. Đầu thế kỷ XX, đó là một tư tưởng rất mới ở Việt Nam và bị phê phán. Nhưng lịch sử đã chứng minh suy nghĩ của Phan Chu Trinh là đúng đắn. Thậm chí đúng cho tới tận thời đại toàn cầu hóa ngày nay.

Qua nghiên cứu lịch sử, bà Hương còn cho biết rằng việc “khuyến khích dùng hàng nội” đã có từ trong suy nghĩ của Phan Châu Trinh từ cách đây 100 năm. Theo đó, người trong nước mua hàng trong nước sản xuất cũng sẽ giúp nội lực kinh tế nước nhà nhanh mạnh lên. Ở chiều ngược lại, cụ Phan cũng yêu cầu người bán phải không ngừng đổi mới, học hỏi để làm nên những sản phẩm “tinh khéo”, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tự lực, tự cường và viễn kiến về tương lai

100 năm trước, câu chuyện về cạnh tranh quốc tế đã được Phan Chu Trinh nhắc tới. Việt Nam trước sau gì cũng sẽ phải tham gia vào cuộc cạnh tranh khốc liệt với ngay cả các nước trong khu vực. Chỉ bằng những ví dụ thực tế trong khu vực, Phan Chu Trinh đã đúc kết ra rằng phải quyết chí và tự mình tiến bước mới mong tự lực, tự cường và chiến thắng trong cạnh tranh.

“Ví quyết chí thoát vòng trói buộc

Phải tự mình tiến bước mới xong

Kìa xem trong cõi Á đông

Trung Hoa, Nhật Bổn cùng giòng giống ta

Nhìn ngoái lại Xiêm La gần đấy

Philippin chẳng bấy nhiêu xa

Trông người lại ngắm vào ta

Thiên đường địa ngục cách xa muôn vàn” – trích Tỉnh quốc hồn ca, tác giả Phan Chu Trinh.

Trong cuộc cạnh tranh với các nước trong khu vực, Phan Chu Trinh rất đề cao sức mạnh của tinh thần đoàn kết ở trong nước. Phan Chu Trinh cho rằng buôn bán công thương nghiệp cũng cần phải hợp đoàn. Hợp đoàn để người giàu giúp đỡ kẻ nghèo, chung vốn để cùng nhau phát triển, làm giàu. Khi nhân dân thực sự đoàn kết, thương yêu nhau thì việc quốc gia tự lực, tự cường mới có thể thành công.

Tuy hợp đoàn nhưng mỗi người vẫn phải tự trau dồi kiến thức. Theo Phan Chu Trinh nếu ai ai cũng kém cỏi thì dù đoàn kết thì khi cạnh tranh cũng sẽ thất bại. “Ngu si dễ khiến mặc dầu/ Làm sao sống được trong bầu cạnh tranh?” – Phan Chu Trinh viết.

Hiểu rõ tầm quan trọng ấy của sự học, phong trào Duy Tân do Phan Chu Trinh lãnh đạo đã nhanh chóng mở hơn 60 cơ sở giáo dục để phổ biến tri thức đến nhân dân. Trong 5 năm (1903-1908), sự gieo rắc tri thức của phòng trào Duy Tân đã tạo nên cuộc “Trung kỳ dân biến”, làm rung chuyển chế độ thống trị thực dân ở Đông Dương và chấn động cả sang chính quốc Pháp.

Một nhà sử học Pháp, ông Daniel Héméry đã phải thừa nhận rằng Phan Chu Trinh là người đáng chú ý nhất trong lịch sử văn hóa và chính trị Việt Nam đầu thế kỷ XX. “Chính ông đã xác định một cách rành mạch, sáng rõ nhất những nan đề đặt ra lâu dài mà các thế hệ người Việt Nam sẽ phải và mãi mãi còn phải đảm nhận” - Daniel Héméry viết.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên