Nhà lãnh đạo chạy gạo cho dân và sự ra đời công ty cổ phần đầu tiên của Việt Nam
Cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, mở ra con đường kinh tế mới trở thành một việc làm cấp bách. Từ “chạy gạo” cho dân đỡ đói đến sự ra đời của công ty tư nhân đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, tất cả đều có bóng dáng của một vị lãnh đạo.
Vị lãnh đạo chạy gạo cho dân ăn
Nhìn dáng vẻ hiện đại của thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), ít ai nghĩ rằng đã từng có lúc người dân thành phố lâm vào cảnh thiếu đói. Đó là lúc cơ chế quản lý kinh tế tập trung, bao cấp trong thời chiến đã không còn phù hợp với tình hình hiện tại.
“Bắt đầu sang năm 1977, trên giao về thành phố lượng gạo không đủ phân phối theo tiêu chuẩn hằng tháng, phải dùng hàng vạn tấn khoai lang, khoai mì, bo bo thay cho lượng gạo tiêu chuẩn” – trích cuốn sách “Chuyện kể về chị Ba Thi – nữ anh hùng lao động” do Ban tuyên giáo tỉnh ủy Cửu Long phát hành.
4 triệu người dân thành phố phải trông chờ vào nguồn cung cấp của Bộ Lương thực. Có những lúc tình hình trở nên căng thẳng vì lượng gạo trong kho chỉ có thể giúp cầm cự trong vài ngày.
Cách không xa TP.HCM, “vựa lúa” miền Tây đang có gạo. Tuy nhiên, chính sách “ngăn sông cấm chợ” không cho phép sản phẩm được chuyển đến nơi có nhu cầu. Một ý tưởng “vượt rào” đã được suy nghĩ.
Ông Võ Văn Kiệt, khi đó là Bí thư thành ủy TP.HCM đã quyết định thành lập Tổ thu mua gạo. Nhiệm vụ của Tổ thu mua gạo là gắn kết nhu cầu mua gạo của người dân thành phố với nhu cầu bán gạo của nông dân theo giá thỏa thuận. Công việc lúc này là thuyết phục từng hộ nông dân ở Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang bán gạo cho Tổ.
Nhưng nông dân muốn gạo do mình làm ra có thể đổi lấy hàng tiêu dùng thiết yếu như nhiên liệu, chất đốt, thuốc... Trong khi đó, chính TP.HCM cũng đang thiếu những thứ này. Vấn đề nan giải đã buộc ông Võ Văn Kiệt phải vận động các đơn vị sản xuất. Ông Bí thư đã dốc sức thuyết phục để các đơn vị tính toán lại, cân đối hàng hóa giúp thành phố có thể có sản phẩm đổi lấy gạo cứu đói cho dân.
Sau nhiều khó khăn, gạo đã về tới tay của từng người phụ nữ. Bếp lửa lại hồng trong các gia đình. Người nông dân đã bán được gạo và đổi lấy được những mặt hàng mình mong muốn.
Cuốn sách “Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989” do NXB Tri thức ấn hành cho rằng hành động phá rào của thành ủy TP.HCM do ông Võ Văn Kiệt lãnh đạo khi đó là “sự vi phạm nghiêm trọng” về cơ chế giá, cơ chế phân phối lưu thông. Tuy nhiên, tinh thần “Không để một người dân nào chết đói” lại để lại ấn tượng rất sâu đậm trong lòng tác giả cuốn “Chuyện kể về chị Ba Thi”.
Còn ông Võ Văn Kiệt, sau này được người dân thành phố nhắc đến bằng danh từ thân thiết: “Ông Bí thư chạy gạo”.
Công ty cổ phần đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất
Không chỉ “vượt rào” để chạy gạo cứu đói cho nhân dân thành phố, ông Võ Văn Kiệt còn để lại dấu ấn trong việc hình thành nên công ty cổ phần đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất.
Trong bài viết đăng tải trên Vietnamnet, tác giả Phan Chánh Dưỡng cho biết ông là người trực tiếp soạn thảo đề án thành lập Công ty hợp doanh xuất nhập khẩu trực dụng, gọi tắt là Cholimex. Theo vị giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, Cholimex được UBND Quận 5 thành lập năm 1981, dưới sự cho phép của chính quyền TP.HCM. Lúc này, ông Võ Văn Kiệt giữ chức Bí thư thành ủy TP.HCM.
Tình hình khó khăn của nền kinh tế đã khiến các sản phẩm tiêu dùng được sản xuất ra rất kém chất lượng. Thiếu nguyên vật liệu là một nguyên nhân mà chính quyền thành phố đã nhìn ra. Mô hình công ty xuất nhập khẩu trực dụng được ông Võ Văn Kiệt và lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh cho ra đời nhằm xuất khẩu hàng nông hải sản rồi nhập vật tư nguyên liệu về cung ứng cho các cơ sở sản xuất.
Mở màn cho hoạt động của công ty cổ phần đầu tiên là chuyến hàng xuất khẩu đậu phộng. Bảy mươi tấn đậu phộng xuất khẩu đi Hồng Kông, đổi về 10 tấn nhựa, 10 tấn sợi, 10 tấn bột ngọt.
Về Cholimex, ông Phan Chánh Dưỡng không coi đây là “công ty hợp doanh” dù tên gọi đầy đủ có chữ này. Bởi lẽ lãnh đạo TP.HCM đã kêu gọi các công thương gia bỏ tiền vào thành lập công ty, trong khi Nhà nước chỉ có chủ trương, cử cán bộ và cho sử dụng những căn nhà tiếp quản. Vì thế, “Công ty Cholimex là Công ty cổ phần đầu tiên của Việt Nam sau năm 1975” – ông Phan Chánh Dưỡng viết.
Sau khi ông Võ Văn Kiệt được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Cholimex đã được hỗ trợ để tiếp tục mở rộng sang nhiều lĩnh vực: sản xuất mì ăn liền, bột ngọt, bột giặt, rượu bia; lắp ráp radio, cassette, tivi, xây dựng trung tâm điện toán; sản xuất nông nghiệp; lập xí nghiệp đông lạnh, xí nghiệp nông sản, xí nghiệp gia công chế biến gỗ; sản xuất thuốc đông dược; hợp tác kéo sợi, dệt vải, xây dựng xí nghiệp may, xí nghiệp đan len,...
Điều đặc biệt là Cholimex không còn là một đơn vị kinh doanh mà đã đã trở thành ngôi nhà của nhiều nhân sĩ, trí thức. Ông Võ Văn Kiệt cũng là người tham gia vào “Nhóm nghiên cứu chuyên đề” - nơi sinh hoạt của nhiều chuyên gia kinh tế độc lập, chuyên gia từng làm việc cho tổ chức quốc tế. Theo ông Phan Chánh Dưỡng, nhóm luôn giữ không khí cởi mở dù phải trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Nhà nước. “Anh em đã mạnh dạn đề xuất ra nhiều ý kiến sáng tạo để giải quyết các khó khăn của nền kinh tế lúc bấy giờ” – ông Phan Chánh Dưỡng viết.
Khi ông Võ Văn Kiệt trở thành Thủ tướng năm 1991, một số thành viên trong Cholimex đã tham gia Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục đóng góp cho phát triển của kinh tế nước nhà.