Đất quê "sốt nóng", nhiều người bỏ nghề đi buôn đất, làm môi giới
Từ nhân viên phục vụ nhà hàng, quán bar, làm vườn đến người làm trong lĩnh vực du lịch cũng trở thành những người đi bán đất, buôn đất…
Có một thực tế không thể phủ nhận, hiện nay đi đâu, ngồi ở đâu cũng nghe người ta bàn về đất đai, giá cả, nguồn hàng. Và bất cứ ở khu vực nào cũng xuất hiện các nhà đầu tư và môi giới "tay ngang". Vô quán ăn, những nhân viên phục vụ cũng là những người môi giới, nắm nguồn đất và chào nhà đầu tư.
"Em có lô đất hơn 1 ha ở khu vực này rất đẹp, giá tầm 200 triệu/sào, anh chị tham khảo em gửi qua xem…", một bạn nữ phục vụ quán ăn tại Lâm Đồng đon đả.
Tuy nhiên, khi hỏi cụ thể về địa thế khu đất, sổ và quy hoạch thì dường như bạn này không nắm được thông tin gì mà gọi cho một bạn môi giới khu vực để "bắc cầu" thông tin.
Dù công việc là làm vườn, nhưng anh T, ngụ tại Định Quán, Đồng Nai khá rành rẻ về đất đai khu vực. Thấy nhóm NĐT xuất hiện, anh liền đưa nguồn hàng "chào mời". Sản phẩm gồm cả đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, đất thổ cư phân lô… và liên tục đưa ra các mức giá, bao gồm giá so sánh giữa các khu vực và tỉ suất sinh lời nếu đầu tư. Anh T cho biết, anh trở thành môi giới "tay ngang" từ thời điểm tháng 6/2021 khi mà đất đai khu vực có dấu hiệu rục rịch, nhiều nhà đầu tư các nơi đổ về mua bán, sang nhượng.
Do hiểu địa bàn sinh sống nên những NĐT xuống đây tìm hiểu đất đai hỏi anh, dần dà trở thành người đi tìm sản phẩm và môi giới lúc nào không hay. Anh T cho biết, hiện tìm kiếm nguồn hàng giá mềm tại khu vực cũng khá khó khăn, dân cũng không bán lại nhiều như đợt trước bởi họ biết giá đã tăng lên cao khi nhiều NĐT về săn đất nên giữ lại. Bản thân anh T, vào tháng 4/2021, anh có bán lại 2 sào đất trồng cây lâu năm cho một nhà đầu tư Tp.HCM với mức giá 400 triệu đồng/2 sào; hiện mảnh đất này đã tăng lên gần 1 tỉ đồng.
Ảnh minh hoạ
Cũng từng mở công ty về du lịch, anh V, (ngụ Thanh Hoá), cũng "đổi nghề" sang môi giới BĐS được khoảng 1 năm nay. Tuy vậy, vào mùa du lịch như hiện nay, anh V vẫn "kiêm hai tay". Từ một người không hiểu gì, không được đào tạo BĐS, do sốt đất đi qua Thanh Hoá, anh trở thành môi giới, kiêm luôn nhà đầu tư.
Số tiền kiếm được từ nghề này chắc chắn tốt hơn ngành học là du lịch mà anh được đào tạo. Liên tục tìm nguồn hàng và bán lại cho nhà đầu tư, anh V đã có một nhóm bạn "cùng hội" để tham gia thị trường BĐS. Hầu hết những người này cũng từ ngành nghề khác chuyển sang, hoặc bỏ hẳn hoặc bỏ tạm thời ngành chính để đu theo cơn sóng đất đai.
Có thực tế, một vài cơn sốt đất đi qua vùng quê, đã khiến nhiều người "đổi đời" và nhiều người bỏ nghề nghiệp để "nương tựa" vào đất, dù bản thân họ không có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này.
Bên cạnh các môi giới "tay ngang" thì những nhà đầu tư mới tham gia thị trường cũng "đam mê" lĩnh vực mà theo cách họ nói dễ kiếm tiền. Nhiều nhà đầu "tay ngang" vào thị trường BĐS một thời gian là bỏ luôn nghề chính của mình. Có 8 năm làm cơ khí, anh Kh (ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) đã chính thức trở thành nhà đầu tư BĐS, sau một lần đi săn đất với nhóm bạn và "trúng mánh". Theo anh Kh, sau 5 tháng đi làm BĐS, dù chưa nói trước điều gì nhưng thu nhập tốt hơn nghề anh làm, cộng với có thời gian hơn.
Thực tế cho thấy, hiện nay dòng tiền đổ vào BĐS khá lớn. Nhiều người có tiền thay vì đổ vào kinh doanh sản xuất cho rằng, vừa mất công lại tốn thời gian, buôn đất đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Điều này đã khiến đất đai luôn được xem là mảnh đất màu mỡ "hái ra tiền" của nhiều người.
Vì thế, hiện nay nhiều người giàu lên vì BĐS, ngay cả khi không có bằng cấp, không có kinh nghiệm; đôi khi chỉ cần có kỹ năng phân tích thị trường, rồi làm chênh, lướt sóng…
Có không ít người kiếm hàng tỉ đồng chỉ trong thời gian ngắn tham gia BĐS, bằng gấp nhiều lần làm công ăn lương. Đó là lý do, họ bỏ nghề theo làm môi giới, nhà đầu tư.
Đánh giá về hệ lụy của tình trạng sốt đất ảo ở nhiều địa phương thời gian qua, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam từng cho rằng việc giá đất tăng chóng mặt đã hút nguồn lực lớn của cả nước vào vòng xoáy này, làm giảm đầu tư vào sản xuất, kinh doanh ở nhiều ngành, lĩnh vực khác.
Chưa kể, giá đất tăng cao kéo theo hàng loạt chi phí khác tăng theo, đặc biệt là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng. Chi phí đầu tư, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng sẽ gây khó khăn cho địa phương, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội. Về lâu dài, khi kinh tế trên địa bàn gặp khó khăn, khó phát triển thì giá đất cũng bị kéo giảm, ảnh hưởng đến các nhà đầu tư đã "xuống tiền" trước đó.
Chia sẻ trên báo chí, TS Đinh Thế Hiển cũng từng nhấn mạnh, hệ lụy từ những cơn sốt đất ở các vùng nông thôn là khiến giá đất tăng ảo tại khu vực đó, người dân địa phương không thể yên tâm canh tác, sản xuất. Những người có nhu cầu đầu tư vào trang trại, nông nghiệp cũng gặp khó vì không thể mua đất khi giá đang sốt ảo... và hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng bất ổn theo.
Ông Hiển dẫn chứng: "Hai người bạn cùng làm ăn giỏi, một người chỉ tập trung sản xuất, kinh doanh; người còn lại có thêm nghề tay trái là buôn đất. Người buôn đất lại giàu hơn nhiều so với người kia… Thực tế này khiến không ít người có tiền là đi gom đất để dành, thay vì đầu tư cho khởi nghiệp, hùn hạp làm ăn. Những cơn sốt đất đẩy mặt bằng giá BĐS lên cao càng khiến nhiều người ra trường, đi làm 5-10 năm không thể mua được nhà. Trong khi đó, ở nước ngoài, sinh viên ra trường đi làm chăm chỉ, có tích lũy trong khoảng thời gian tương tự đã có thể mua nhà, căn hộ".