MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dầu mỏ và kim loại "cứu rỗi" thị trường hàng hóa

28-12-2016 - 11:19 AM | Tài chính quốc tế

Quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC có tác động rất lớn tới các nhà đầu tư trong năm tới.

Sau 5 năm liên tục trên đà giảm, thị trường hàng hóa đã khởi sắc trong những tháng cuối năm 2016 và hứa hẹn sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2017. Có nhiều dấu hiệu cho thấy tình trạng ảm đạm kéo dài cuối cùng đã giúp đảo ngược tình thế. Nhờ các nhà sản xuất cắt giảm đầu tư, tình trạng dư thừa nguồn cung đã phần nào được giải quyết.

Tất nhiên, khó có thể kỳ vọng một sự lặp lại của “siêu chu kỳ” trên thị trường hàng hóa như thời kỳ đầu những năm 2000, khi sự tăng trưởng thần tốc của Trung Quốc góp phần khiến thị trường bùng nổ. Dù vậy, lần đầu tiên sau một thời gian dài, thị trường hàng hóa đã tạm bước ra khỏi rắc rối.

Chỉ số Hàng hoá tổng hợp của Bloomberg (BCOM) gồm 22 hợp đồng tương lai đã tăng gần 10% trong năm 2016, lần tăng đầu tiên kể từ năm 2010. Tuy vậy, mức tăng của mỗi mặt hàng trong BCOM lại không giống nhau; cụ thể, giá kẽm tăng hơn 60%, dầu diesel tăng 45%, song, giá lúa mì lại giảm 12%.

Phố Wall đặt cược vào "con bò"

Một vài công ty tại Phố Wall đã bắt đầu đặt cược giá hàng hóa sẽ tăng. Tháng trước, Goldman Sachs khuyên khách hàng nên mua các loại hàng hoá trong chỉ số hàng hoá GSCI và khẳng định “giá hàng hoá cao có thể đem lại lợi ích cho thế giới”.

Bên cạnh đó, dù lợi nhuận trước đây không phụ thuộc nhiều vào hàng hoá, nhưng Citigroup hiện cũng chuyển hướng tập trung vào các loại hàng hoá. Trong một video thuyết trình về triển vọng hàng năm của hàng hoá, ông Ed Morse, trưởng ban nghiên cứu hàng hoá của Citi, cho biết: “Hoàn toàn không có bất cứ nghi ngờ nào về việc thị trường đang ở giai đoạn bước ngoặt. Chúng tôi tin rằng đà phát triển hiện nay sẽ đem lại lợi nhuận lớn hơn cho các nhà đầu tư trong năm tới”. Một phần lợi nhuận của ngân hàng này đến từ hoạt động bán hợp đồng hàng hóa phái sinh cho nhà đầu tư.

Dù đã có nhiều trường hợp giá thấp kích thích tiêu thụ tăng, tuy nhiên, trong những lần tăng giá hàng hoá tiếp theo, nguồn cung vẫn đóng vai trò trọng yếu.

Dầu có tiềm năng thống trị các loại hàng hoá

Các nhà sản xuất trong OPEC đã chấp thuận cắt giảm nguồn cung dầu trong nửa đầu năm 2017. Nếu các nước thành viên OPEC và các quốc gia đối tác (ví dụ như Nga) thành công, lượng dầu thô dư thừa sẽ giảm đáng kể.

Theo ông Thomas Stenvoll, quản lý danh mục đầu tư tại quỹ đầu tư hàng hoá Bocage Capital tại San Francisco, “mối quan tâm hàng đầu trong năm 2017 là OPEC cần cắt giảm sản lượng tới mức độ nào thì mới có thể thúc đẩy tái cân đối lượng hàng tồn kho trên thị trường dầu. Đây sẽ là chủ đề chính trong nửa đầu năm tới”.

Một nhân tố cung trọng yếu khác với cả thị trường dầu và khí tự nhiên là tốc độ sản xuất trở lại của các công ty năng lượng đá phiến dầu của Mỹ khi giá dầu và khí tự nhiên tăng. Phản ứng của những công ty này có thể sẽ phá huỷ các quy định mới của OPEC cũng như ép giá dầu giảm một lần nữa.

Giá kẽm phụ thuộc vào nguồn cung

Nguồn cung sẽ quyết định số phận của kẽm, loại kim loại có hiệu suất tốt nhất trong năm 2016. Sau khi nhà sản xuất Glencore cắt giảm hai phần ba sản lượng trong năm 2015, thị trường tập trung chặt chẽ vào kẽm, kéo theo giá kẽm tăng.

Tuy nhiên, cổ phiếu của Glencore đã tăng gần 200% kể từ đầu năm đến nay và giá kẽm hiện nay lên tới 2.637 USD/tấn tại Sàn Giao dịch Kim loại London. Do đó, công ty này có thể sẽ tăng sản lượng trở lại trong năm tới.

Các kim loại công nghiệp như kẽm và đồng đều tăng giá trong năm 2016 với hi vọng rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu cùng các yếu tố kích thích tài khoá sẽ củng cố nhu cầu tiêu thụ những kim loại này. Ngoài ra, tuyên bố đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng của Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng góp phần cho đợt tăng giá trên.

Vàng hạ giá mạnh

Giá vàng sụt giảm mạnh sau khi lập đỉnh ở mức 1.366 USD/ounce vào tháng 7 vừa rồi. Nguyên nhân chính là bởi FED quyết định tăng lãi suất, biến vàng trở thành một loại tài sản khó có thể sinh lợi nhuận.

Trưởng bộ phận hàng hoá David Donora tại Columbia Threadneedle cho biết: “Chúng tôi biết rằng dù ai chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, thì người đó cũng sẽ khởi xướng một kế hoạch kích thích tài khoá mới, và tôi tin rằng kích thích tài khoá cũng sẽ xảy ra trên toàn châu Âu và ở một số quốc gia châu Á. Nhờ đó, nhu cầu mua các loại kim loại cơ bản sẽ tăng thay vì nhu cầu mua một thứ gì đó như vàng”.

Than khá mờ nhạt ở thời điểm đầu năm mới

Giá than tăng vọt là một trong những điều không tưởng trong thị trường hàng hoá năm nay. Sau khi Trung Quốc hạn chế sản xuất than trong tháng tư vừa qua, giá loại nhiên liệu này đã tăng hơn gấp đôi, đạt 110 USD/tấn, bởi nhiều công ty buộc phải nhập khẩu nguyên liệu. Tuy nhiên, đà tăng giá than đang dần chững lại sau khi các nhà hoạch định chính sách tại Bắc Kinh nới lỏng hạn chế sản xuất.

Tình trạng dư thừa ngũ cốc – dấu hiệu tiêu cực trong năm 2017

Thị trường nông sản là thị trường hàng hoá yếu nhất trong năm nay, đặc biệt là hai loại mặt hàng: ngũ cốc và chăn nuôi gia súc. Trước tình trạng dư thừa ngũ cốc sau các vụ mùa bội thu, động thái tiếp theo của thị trường sẽ phụ thuộc vào tình hình khí hậu ở các nước xuất khẩu như Brazil, Nga và Mỹ.

Quỳnh Mai

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên