MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bữa sáng và sự ảm đạm của thị trường hàng hóa

11-09-2015 - 19:23 PM | Tài chính quốc tế

Ít nhất thì cũng đã xuất hiện một tin tức tốt lành từ đà lao dốc của thị trường hàng hóa – mức giá cho một bữa sáng đang ở mức thấp nhất 5 năm.

Giá của các nguyên liệu – từ lúa mì cho tới thịt lợn và cà phê – đã giảm mạnh kể từ đầu năm đến nay. Khí hậu ôn hòa, nguồn cung dư thừa và cơn bán tháo trên thị trường hàng hóa là những nguyên nhân chính. Đồng USD tăng giá cũng khiến hàng hóa xuất khẩu từ Mỹ bị giảm sức cạnh tranh, tăng thêm áp lực lên giá ngũ cốc và giá dầu.

Giá của sáu hàng hóa gồm bột mỳ, sữa, cà phê, nước cam, đường và thịt lợn nạc hiện đang ở mức thấp chưa từng thấy kể từ năm 2010.

Tờ báo tài chính Financial Times đã xây dựng “chỉ số bữa sáng” tính toán mức giá trung bình của một bữa sáng đơn giản. Chỉ số này phản ánh rõ nét giảm phát giá thực phẩm ảnh hưởng như thế nào đến người nông dân cũng như người tiêu dùng.

“Giá của các nguyên liệu dùng cho bữa sáng đã giảm rất mạnh”, Abdolreza Abbassian – chuyên gia kinh tế đến từ Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực thế giới. Abbassian viện dẫn những số liệu mới nhất về giá hàng hóa trong tháng 8 (tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2008) cho thấy chỉ số bữa sáng của FT biến động cùng xu hướng với chỉ số giá thực phẩm của FAO (chỉ số theo dõi mức giá trên thị trường quốc tế của 5 nhóm thực phẩm chủ đạo: ngũ cốc, thịt, các sản phẩm bơ sữa, dầu thực vật và đường).

Dự báo sản lượng ngũ cốc và các hạt có dầu sẽ tăng cao từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, thời tiết thuận lợi cùng với những lo lắng về tác động của những bất ổn của kinh tế Trung Quốc đến sức tiêu dùng là những nhân tố chính khiến giá giảm mạnh trong những tuần gần đây.

“Kết hợp với nhau, những nhân tố này khiến giá điều chỉnh rất mạnh”, Daryna Kovalska, chuyên gia phân tích tại Macquaire nhận định.

Mặc dù vẫn có những lo lắng về nguồn cung trong tương lai, thế giới vẫn đang tràn ngập những nông sản tồn kho từ vụ mùa bội thu. Theo số liệu mới nhất từ Hội đồng Lương thực thế giới, lượng tồn kho ngũ cốc toàn cầu hiện đang ở mức 337 triệu tấn, cao nhất 29 năm.

Tình hiện nay đối lập hoàn toàn với 6 tháng đầu năm 2014, khi giá các hàng hóa làm nên bữa sáng của FT tăng vọt vì thời tiết thất thường ảnh hưởng đến cà phê và sữa. Dịch bệnh khiến giá thịt lợn tăng mạnh và các biện pháp trừng phạt qua lại giữa Nga và phương Tây cũng đẩy giá lúa mì lên cao.

Dẫu vậy vẫn có một số nông sản tỏ ra kiên cường. Một bữa sáng có thêm một cốc trà hoặc cacao sẽ tăng giá. Giá chè đã tăng 67% kể từ đầu năm đến nay vì thiếu hụt nguồn cung do hạn hán hồi đầu năm, trong khi giá cacao cũng tăng 13% do lo ngại ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Theo dự báo của các chuyên gia khí tượng, Đại Tây Dương nóng lên sẽ gây ra hiện tượng El Nino mạnh nhất kể từ năm 1997-98.

Tuy nhiên El Nino không ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng và do đó tình trạng dư cung sẽ không được cải thiện.

Sản lượng lúa mì của Australia được dự báo sẽ tăng từ 23,6 triệu tấn lên 25,3 triệu tấn, cao hơn năm ngoái. Pháp cũng được dự báo sẽ có một vụ mùa bội thu, giá ở đây đã giảm 23% kể từ đầu năm đến nay.

Giá cà phê cũng đã giảm 28% kể từ đầu năm đến nay, bị ảnh hưởng bởi đồng real yếu của Brazil và nguồn cung dồi dào từ Colombia. Năm ngoái, giá cà phê tăng mạnh do hạn hán chưa từng có ở Brazil.

Giá thịt lợn ở Mỹ tăng mạnh từ năm ngoái do dịch bệnh, nhưng đến nay đã đảo chiều. Giá thịt nạc giao ở Chicago giảm 16% kể từ đầu năm. Năm nay sản lượng của Mỹ được dự báo sẽ tăng lên mức kỷ lục 11 triệu tấn, trong khi giá ở EU tiếp tục bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm nhập khẩu của Nga.

Mặc dù đã ở trong “thị trường con gấu” hơn 4 năm qua, giá đường vẫn tiếp tục giảm mạnh 22% kể từ đầu năm, do thời tiết tốt và các Chính phủ hỗ trợ các nhà sản xuất đường.

Cung quá cao trong khi nhu cầu từ Trung Quốc và Nga giảm mạnh khiến giá sữa giảm 33%. Các nông dân bơ sữa ở New Zealand và EU đã cảm nhận được những tác động từ lượng hàng tồn kho cao ở Trung Quốc cũng như lệnh cấm nhập khẩu của Nga.

Nhu cầu đối với nước cam ép giảm mạnh ở Mỹ cũng đẩy lượng hàng tồn kho lên cao, trong khi thời tiết thuận lợi và vụ mùa bội thu ở Mỹ và Brazil khiến giá nước cam ép đông lạnh đã giảm 10% kể từ đầu năm đến nay.

Thu Hương

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên