MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Đầu tàu” kinh tế TP Hồ Chí Minh kích cầu đầu tư

Để khơi thông nguồn lực đầu tư tư nhân, "đầu tàu" kinh tế TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai gói kích cầu đầu tư với cơ chế đặc thù vừa được trao.

Đầu tàu” kinh tế TP Hồ Chí Minh kích cầu đầu tư - VTV.VN

Gói kích cầu đầu tư - "vốn mồi" thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Trước bối cảnh đầu tư tư nhân vẫn đang khó khăn, chính quyền TP Hồ Chí Minh vừa công bố phương án cụ thể để lấy ý kiến, triển khai gói kích cầu đầu tư mới để hỗ trợ doanh nghiệp. Đây sẽ là kết quả cụ thể hóa nội dung Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho thành phố đã có hiệu lực từ đầu tháng 8. Theo đó thành phố được dùng nguồn đầu tư công để chi hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn đầu tư, kỳ vọng tạo ra "vốn mồi" thúc đẩy tăng trưởng tốt hơn.

Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, Công ty Bidrico có nhu cầu đầu tư tăng gấp 3 công suất xử lý nước thải, cũng như chuyển đổi sử dụng nhiên liệu thân thiện hơn với môi trường. Việc thiếu vốn khiến ý định đầu tư gác lại. Vì thế doanh nghiệp cho biết nếu tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ gói kích cầu đầu tư sẽ có tác động hỗ trợ rất lớn.

Ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng Giám đốc Công ty Bidrico cho biết: "Chúng tôi cũng muốn chuyển đổi các chất đốt hóa thạch sang các chất đốt để tạo khí thải bằng 0. Để làm được điều này chúng tôi cũng cần nguồn vốn đầu tư với lãi suất thấp hoặc bằng 0. Đây là điều chương trình kích cầu của thành phố đáp ứng được".

“Đầu tàu” kinh tế TP Hồ Chí Minh kích cầu đầu tư - Ảnh 1.

Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù của TP Hồ Chí Minh có hiệu lực đã giúp thành phố được dùng nguồn đầu tư công để triển khai trở lại chương trình kích cầu đầu tư. Điểm mới của gói kích cầu đầu tư là tăng mức tiền hỗ trợ lên gấp đôi, tối đa 200 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay ưu đãi trong thời hạn 7 năm.

Ngoài những lĩnh vực được xem xét hỗ trợ như chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo hay công nghệ cao, chương trình kích cầu lần này bổ sung các ngành xu thế mới là tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo hay logistics.

"Những dự án mới có rất nhiều tiềm năng, chẳng hạn như doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi xanh để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Nếu đưa chuyển đổi xanh vào kích cầu thì lập tức doanh nghiệp sẽ có nhu cầu vay vốn", ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết.

Theo các cơ quan chịu trách nhiệm triển khai, quá trình xét duyệt hồ sơ từ doanh nghiệp sẽ ứng dụng tối đa xử lý trực tuyến và trả lời trong 15 ngày làm việc.

Để được hưởng ưu đãi, doanh nghiệp vẫn cần tài sản đảm bảo cho khoản vay. Tuy nhiên cách thức xử lý thủ tục liên quan đến tài sản đảm bảo sẽ theo hướng hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Ông Nguyễn quang Thanh - Phó Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC) cho biết: "Cách của mình xử lý sẽ nhanh hơn, có những đội hỗ trợ để hướng dẫn doanh nghiệp dùng tài sản đảm bảo một cách phù hợp. Ví dụ doanh nghiệp có những cái họ không biết là thế chấp được hay không. Thứ nhất là chính tài sản hình thành từ dự án. Thứ hai là tài sản của bên doanh nghiệp hoặc của bên thứ 3".

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng cần có cách tiếp cận cởi mở hơn với điều kiện về tài sản đảm bảo, trong lúc doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó cơ quan thực thi cần cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn trong xử lý hồ sơ, tránh tình trạng chậm giải ngân.

Hiệu quả từ chương trình kích cầu

“Đầu tàu” kinh tế TP Hồ Chí Minh kích cầu đầu tư - Ảnh 2.

Gọi nguồn vốn hỗ trợ từ gói kích cầu đầu tư này là "vốn mồi" vì cũng có tính lan tỏa như vốn đầu tư công vào hạ tầng giao thông. Trong giai đoạn 2015 - 2020, TP Hồ Chí Minh cũng từng triển khai một chương trình tương tự và theo kết quả từ Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, chương trình đã cho vay ưu đãi tổng số vốn là hơn 13.500 tỷ đồng.

Cụ thể là cứ 1 đồng vốn ngân sách bỏ ra để kích cầu đầu tư, huy động được hơn 12 đồng vốn đầu tư từ xã hội. Điều này cho thấy nếu gói kích cầu đầu tư mới được triển khai hiệu quả trong thời gian tới thì không chỉ giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện tại, mà còn tạo động lực cho giai đoạn tăng trưởng mới của TP Hồ Chí Minh.

Kích cầu đầu tư sao cho hiệu quả?

TP Hồ Chí Minh đã từng triển khai một gói kích cầu đầu tư. Vậy với gói mới sắp tới điểm khác biệt là gì?

Đầu tiên là vấn đề pháp lý khi chương trình kích cầu đầu tư này được đưa vào Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh, giúp cơ quan thực thi tránh đi các vướng mắc pháp lý khi triển khai như giai đoạn trước. Thứ hai là với những kinh nghiệm đã có từ các bất cập phát sinh từ giai đoạn trước, nhiều cách tiếp cận mới đang được giới chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp góp ý để kích cầu đạt hiệu quả tốt hơn.

Một doanh nghiệp cơ khí chế tạo ứng dụng công nghệ cao đã được TP Hồ Chí Minh phê duyệt gói cấp bù lãi suất theo chương trình kích cầu đầu tư trước đây vào năm 2020, để đầu tư nhà máy quy mô cả trăm tỷ đồng này. Tuy nhiên quá trình giải ngân bị ách tắc do vướng mắc pháp lý khiến doanh nghiệp "lỡ phóng lao, phải theo lao".

Hiện tại doanh nghiệp vẫn phải trả lãi ngân hàng ở mức 12%, tương ứng hơn 1 tỷ đồng mỗi tháng, tạo ra gánh nặng tài chính, làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm cơ khí Việt Nam.

Chỉ tính riêng Hội Cơ khí điện TP Hồ Chí Minh đã có cả chục doanh nghiệp bị vướng vào tình trạng tương tự. Các doanh nghiệp kiến nghị, khi thành phố thực hiện chương trình kích cầu đầu tư mới, cần có cơ chế chuyển tiếp, tháo gỡ cho các doanh nghiệp bị tắc giải ngân từ gói kích cầu cũ.

Ông Trương Hồng Minh - Giám đốc Công ty Echigo Việt Nam cho biết: "Chúng tôi rất mong muốn nhanh chóng được giải ngân. Bởi vì tiền đầu tư rất lớn và lãi suất trả nợ hàng tháng rất nhiều. Những doanh nghiệp được phê duyệt rồi, trót đầu tư nhiều rồi đang rất khó khăn về vấn đề dòng tiền và tài chính".

“Đầu tàu” kinh tế TP Hồ Chí Minh kích cầu đầu tư - Ảnh 3.

Hiện tại chính quyền TP Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh tiến độ lấy ý kiến, chuẩn bị gói kích cầu đầu tư. Ảnh minh họa.

Hiện chương trình kích cầu mới đang quy định đầu mối giải ngân là Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP Hồ Chí Minh, gọi tắt là HFIC. Để tránh tình trạng chậm giải ngân, giới chuyên gia cho rằng cần chia thêm vai trò giải ngân cho các ngân hàng thương mại. Ngân hàng có nhiều thế mạnh về quản trị, giám sát, thu nợ... sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai.

"Nên có cả HFIC và các ngân hàng thương mại tham gia sẽ tạo ra được sự cạnh tranh trong việc thực thi gói hỗ trợ này. Không thể giao chỉ cho một định chế để ôm phần tiền đó rồi không giải ngân, dẫn đến lãng phí nguồn lực", ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đánh giá.

Ngược lại với các doanh nghiệp nhận được hỗ trợ, các chuyên gia cho rằng cần thiết kế cách hỗ trợ theo hướng đầu tư đối ứng, nghĩa là doanh nghiệp cũng phải bỏ tiền đầu tư cùng Nhà nước, tăng tính trách nhiệm của doanh nghiệp và giảm rủi ro cho ngân sách.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng: "Những bên hưởng lợi anh cũng phải bỏ tiền, nguồn lực ra. Để nếu như các dự án đó có vấn đề thì anh cũng phải chịu một phần thiệt hại thì như vậy anh mới có trách nhiệm với dự án của mình. Còn nếu đây là "của cho không" thường người ta không có ý thức trong việc sử dụng đồng vốn hiệu quả".

Giới nghiên cứu cũng nhấn mạnh vì gói kích cầu đầu tư dùng nguồn ngân sách là tiền thuế của dân, do đó quá trình triển khai cần công khai minh bạch để người dân cùng giám sát. Đặc biệt là có chỉ tiêu đánh giá hiệu quả đối với thành quả đầu tư doanh nghiệp có được nhờ sự hỗ trợ từ gói kích cầu.

Hiện tại chính quyền TP Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh tiến độ lấy ý kiến, chuẩn bị gói kích cầu đầu tư. Dự kiến ngay trong tháng 9 tới, chương trình kích cầu sẽ trình Hội đồng Nhân dân Thành phố thông qua, để triển khai được trong thời gian sớm nhất.

Theo VTV Digital

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên