MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu tư định cư ở nước ngoài

Đầu tư mua bất động sản, góp vốn làm ăn để có thẻ xanh, định cư ở các nước tiên tiến như Úc, Canada, Mỹ… đang nở rộ

Gần đây, các hội thảo, chương trình tư vấn đầu tư định cư ở nước ngoài diễn ra khá rầm rộ. Nhiều người, đặc biệt là doanh nhân, sẵn sàng chi ra cả chục tỉ đồng đầu tư để định cư. Trong khi đó, không ít người am hiểu lĩnh vực này đã cảnh báo không phải dịch vụ tư vấn nào cũng uy tín, nếu không thận trọng rất dễ bị mất tiền.

Sôi động dịch vụ tư vấn

Hiện nay, trên các trang mạng xã hội, thông tin quảng cáo, giới thiệu tư vấn đầu tư định cư ở nước ngoài xuất hiện nhan nhản, phần lớn là theo hình thức EB5. Năm 1990, Quốc hội Mỹ thông qua luật đầu tư định cư Mỹ EB5 nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo thêm việc làm cho người bản xứ, góp phần phát triển đất nước.

Công ty ImmiCa giới thiệu là nhà tư vấn đầu tư Mỹ, Canada nhận thẻ xanh theo hình thức EB5. Thời gian thực hiện hồ sơ từ 1,5-2 năm. Ngoài ra, còn có khởi nghiệp định cư Canada với Star-Up visa; đầu tư bất động sản, cấp hộ chiếu châu Âu... Trong chương trình tư vấn định cư, khách hàng được gặp trực tiếp chủ đầu tư dự án khai thác dầu và xử lý nước thải dành cho ngành công nghiệp dầu khí. Với những chương trình này, thông thường khách hàng phải có mức đầu tư 300.000-500.000 USD, chưa kể nhiều chi phí dịch vụ.

Ông Bastien Trelcat - Trưởng Văn phòng Công ty Havey Law Gruop (HLG) tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chuyên tư vấn định cư ở nước ngoài - cho biết khoảng 1 năm trở lại đây, khách hàng đến văn phòng để tư vấn sang các nước tiên tiến định cư tăng khoảng 30% so với trước. Nguyên nhân gia tăng là do nhiều người, đặc biệt là doanh nhân, muốn ra nước ngoài mà không phải xin visa. Bên cạnh đó, một số quốc gia như Mỹ, Canada, Úc… có chương trình đầu tư bất động sản sẽ được thường trú hoặc có thẻ xanh.

Ngoài kinh doanh, khuynh hướng cho con học ở Úc, Canada, Mỹ... mà không tốn học phí càng khiến nhiều người Việt Nam muốn đầu tư sang các nước này. “Chúng tôi dự báo xu hướng đầu tư để định cư ở nước ngoài sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới” - ông Bastien Trelcat nhận định.

Cảnh giác với dự án ảo!

Ông Nguyễn Đình Ng. có nhu cầu định cư ở Canada để kinh doanh thuận lợi, con cái được học với nền giáo dục tiên tiến. Thế nhưng, sau 3 lần gặp đơn vị tư vấn, ông quyết định bỏ cuộc vì một số điều “chưa yên tâm”, nhất là về việc chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài và cam kết 5 năm được thu hồi vốn chưa rõ ràng.

Ông Bastien Trelcat nhìn nhận tại TP HCM, nhiều đơn vị tư vấn quảng cáo hàng loạt dự án và cam kết 5 năm sau sẽ hoàn lại vốn. Những đơn vị này chỉ quan tâm đến việc thu hút khách hàng để được hưởng phí dịch vụ với hàng chục ngàn USD hơn là thực hiện cam kết. “Chúng tôi biết nhiều đơn vị rao dự án đầu tư nhưng không có thật” - ông cảnh báo.

Một luật sư đang làm việc cho một công ty luật tư vấn đầu tư định cư ở nước ngoài cho biết hiện có doanh nghiệp quảng cáo đầu tư sang Bồ Đào Nha để lấy thẻ xanh nhưng thực tế không có chương trình nào như thế. Theo luật sư này, hiện có khoảng 20 dự án đầu tư theo hình thức EB5 nhưng đến 18 dự án thuộc diện rủi ro cao. Cách đây vài tuần, một dự án EB5 quảng cáo trên báo nhưng không có thật. Để an tâm, khách hàng trước khi ký hợp đồng phải yêu cầu đơn vị tư vấn cho gặp trực tiếp bên thứ ba cũng như người đại diện pháp luật của đơn vị đó. Đặc biệt, phải tìm hiểu đơn vị tư vấn có chức năng tư vấn về luật hay không. Bởi lẽ, hiện có một số đơn vị tư vấn du học, xuất khẩu lao động nhưng cũng tham gia tư vấn định cư.

Luật sư Trương Thị Hòa, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Thị Hòa, cho biết từng ghi nhận trường hợp khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến việc tư vấn định cư không thành và khách hàng bị mất tiền. Có trường hợp, khách hàng (người có nhu cầu đầu tư định cư ở nước ngoài) đã ký hợp đồng với công ty tư vấn nhưng đơn vị này không có chuyên môn tư vấn luật. Sau khi ký hợp đồng, khách hàng chuyển tiền ra nước ngoài theo cam kết “làm đến đâu thanh toán đến đó”. Đến khi xảy ra trục trặc, phần thanh toán trước đó bị mất hết. Như vậy, khách hàng chỉ nắm đằng lưỡi nên rất rủi ro. Cuối cùng, vụ tranh chấp phải đưa ra tòa. Dù phần thắng thuộc về khách hàng nhưng chi phí kiện tụng khá tốn kém, trong khi phần tiền thu lại cũng không được là bao.

Theo Sơn Nhung

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên