Đây là cách Singapore giúp 80% dân số sở hữu nhà ở dù là một trong những nơi đắt đỏ nhất thế giới
Rất nhiều nước cũng tự hào về các dự án nhà ở xã hội mà họ xây dựng được, nhưng có lẽ hiếm quốc gia nào “cuồng” nhà ở xã hội như ở Singapore, nơi có tới 80% dân số đang sinh sống trong các tòa nhà được xây dựng nhờ sự trợ giúp của Chính phủ.
- 01-07-2017So găng Hồng Kông vs Singapore: Sống và làm việc ở đâu tốt hơn?
- 23-06-2017Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu chỉ ra cách 'hô biến' Singapore thành cường quốc, phổ cập tiếng Anh toàn dân chỉ trong vòng 30 năm
- 05-06-2017Cố thủ tướng Lý Quang Diệu: Bí quyết thành công của Singapore nằm ở... chiếc máy điều hòa
“Ở đây rất tuyệt”, Eugene nói. Chàng trai trẻ người Singapore đang dẫn du khách đi thăm quan căn hộ mới của anh, một căn hộ 3 phòng ngủ nằm ở một trong số những tòa nhà chọc trời của thành phố này. Eugene chia sẻ đôi vợ chồng mới cưới đang rất háo hức với cuộc sống mới. Họ sẽ sinh những đứa con và còn định đón bố mẹ đến ở cùng.
Tất cả là nhờ Cơ quan phát triển nhà ở Singapore (HDB). Rất nhiều nước cũng tự hào về các dự án nhà ở xã hội mà họ xây dựng được, nhưng có lẽ hiếm quốc gia nào “cuồng” nhà ở xã hội như ở Singapore, nơi có tới 80% dân số đang sinh sống trong các tòa nhà được xây dựng nhờ sự trợ giúp của Chính phủ. Vùng ngoại ô của thành phố tràn ngập các tòa nhà của HDB được sơn màu pastel tạo cảm giác rất hài hòa.
HDB sẽ khiến những du khách tới Singapore cảm thấy ngạc nhiên nếu như họ suy nghĩ rằng Singapore chỉ là 1 thiên đường thuế dành cho các tập đoàn đa quốc gia và những ngân hàng lớn. HDB chính là điểm mấu chốt trong chính sách kinh tế xã hội của Singapore và cũng là một trong những thứ giúp đảng cầm quyền PAP duy trì được sự ủng hộ của công chúng suốt kể từ khi Singapore giành được độc lập đến nay. Các nước láng giềng của Singapore luôn muốn học theo mô hình nhà ở xã hội này để đáp ứng nhu cầu về nhà ở gia tăng chóng mặt.
Làm sao để có nhà giá rẻ?
Được thành lập năm 1960, HDB ra đời nhằm thay thế cơ quan quy hoạch thành phố mà thực dân Anh đã lập ra trước đó. Ban đầu, HDB hướng đến xây dựng các nhà ở cho thuê phục vụ người nghèo. Tuy nhiên, 4 năm sau đó nó chuyển hướng sang xây dựng các tòa chung cư, nhắm đến nhiều đối tượng hơn.
Sau này, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu (lãnh đạo Singapore từ năm 1959 đến 1990) đã viết rằng khi đó ông suy nghĩ nếu như có thể giúp nhiều người dân được sở hữu nhà ở, các công dân của Singapore sẽ cảm thấy gắn bó với đất nước hơn. Mong muốn của ông là từ đó gắn kết những người dân có gốc gác từ nhiều nơi khác nhau (Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia).
Chính phủ Singapore đã sử dụng quyền lực để thâu tóm nhiều đất đai và hiện đang sở hữu khoảng 90% đất đai của Singapore. Dần dần người Singapore chuyển từ những ngôi nhà ẩm thấp sang sống trong những tòa nhà cao tầng làm từ bê tông cốt thép.
Ngày nay, HDB đang cung cấp khoảng 1 triệu căn hộ, phần lớn tập trung tại khoảng hơn 20 thị trấn mới nằm rải rác và tạo thành 1 hình bán nguyệt xung quanh vùng lõi của thành phố. Mỗi năm, Chính phủ Singapore lại có 1 đợt mở bán những căn hộ đang xây dở, phần lớn là cho những người mua nhà lần đầu. Tất cả là hợp đồng thuê 99 năm và được bán với giá thấp hơn giá thị trường.
Người mua nhà của những dự án này sẽ phải đợi khoảng 3, 4 năm thì dự án mới hoàn thành. Tuy nhiên họ có thể lựa chọn cách khác: mua những căn hộ cũ với giá thỏa thuận trực tiếp từ chủ nhà. Mỗi người dân được hỗ trợ tối đa 2 lần trong đời, dù đó là mua căn hộ cũ hoặc mới toanh. Ngoài ra Chính phủ Singapore còn quy định về hạn ngạch để đảm bảo mỗi tòa nhà có tỷ lệ người gốc Hoa, gốc Ấn và gốc Malay được phân bổ đúng như cấu trúc dân số. Điều này giúp tránh việc hình thành những cụm phân biệt gốc gác.
Năm nay, những căn hộ 3 phòng ngủ được bán ở Punggol, vùng ngoại ô tập trung phần lớn những dự án mới của HDB. Trung bình mỗi căn có giá khoảng 300.000 đô Sing (tương đương 217.000 USD). Người mua nhà lần đầu có thể được giảm giá tới 75.000 đô Sing. Mua 1 căn hộ HDB tương tự trên thị trường thứ cấp, giá có thể cao hơn từ 20 - 25%. Còn nếu mua 1 căn hộ do tư nhân xây dựng – loại thường dành cho những người Singapore giàu nhất hoặc người nước ngoài, giá có thể cao gấp 3 lần.
Số tiền mà người dân sử dụng để mua các căn hộ của HDB được cung cấp một phần bởi quỹ Phòng xa trung ương (CPF), chương trình tiết kiệm quốc gia mang tính chất bắt buộc. Theo đó, mỗi người dân Singapore trong độ tuổi lao động phải dành ra 20% tiền lương hàng tháng (chủ sử dụng lao động đóng thêm 17%) để tiết kiệm. Họ có quyền rút ra 1 phần trong số tiền tiết kiệm này để làm tiền đặt cọc cho căn hộ HDB. Nhiều người cũng được cấp các khoản vay thế chấp giá rẻ và sử dụng tiền tiết kiệm CPF để trả lãi hàng tháng.
Bằng nhiều biện pháp, hệ thống của HDB đã thành công. Ở Singapore gần như không có người vô gia cư. Các tòa nhà của HDB đôi lúc trông khá tẻ nhạt, nhưng chúng sạch sẽ và an toàn, hơn nữa căn hộ cũng đủ rộng. So với các thành phố đắt đỏ khác như Hồng Kông hay London, người dân Singapore chịu áp lực ít hơn rất nhiều về chuyện nhà cửa.
Năm tài khóa 2015-16, Bộ Tài chính Singapore dành ra 1,8 tỷ đô Sing, tương đương 2,4% ngân sách quốc gia, để phát triển nhà ở xã hội. Theo số liệu thống kê Chính phủ Singapore đã tài trợ cho HDB tổng cộng 28 tỷ đô Sing kể từ khi cơ quan này ra đời.
Cung cấp nhà ở giá rẻ cho dân chúng là 1 trong những lý do giúp Singapore có thể đảm bảo phúc lợi cho người dân mà không cần xây dựng hệ thống hưu trí được tài trợ bởi tiền thuế như các nước khác. Nguyên lý là hầu như mọi người dân sẽ được sở hữu căn hộ khi nghỉ hưu, ngoài ra còn có thêm 1 khoản tiết kiệm. Nếu chọn mua nhà ở cùng khu với bố mẹ, giá còn được chiết khấu nhiều hơn nữa. Điều này khuyến khích con cái chăm sóc cha mẹ, giảm gánh nặng cho ngân sách quốc gia.
Chính sách nhà ở xã hội giúp củng cố quyền lực cho PAP, đảng đã lãnh đạo Singapore trong suốt 70 năm qua. Những người hâm mộ cho rằng không có gì ngạc nhiên khi 1 đảng ưu tiên vấn đề nhà ở lại dành được lòng tin của cử tri nhiều đến vậy.
Bên cạnh đó, Chính phủ Singapore còn có thể tận dụng hệ thống nhà ở xã hội để định hình cách sống của người Singapore. Luật lệ nghiêm khắc quy định rõ ai được phép và không được phép mua nhà ở xã hội. Trong mấy năm gần đây, Chính phủ Singapore đặc biệt quan tâm đến nhà ở cho các cặp vợ chồng với mong muốn điều đó sẽ giúp tăng tỷ lệ sinh.
Những người độc thân cũng được mua nhà nhưng chỉ nếu như họ đã 35 tuổi mà chưa kết hôn. Điều đó có nghĩa là những người trẻ tuổi sẽ sống với bố mẹ cho đến khi kết hôn, trừ khi họ có đủ tiền để thuê hoặc mua nhà trên thị trường thứ cấp với giá cao.
Có còn phù hợp?
Dẫu vậy vẫn có những lời phàn nàn về hệ thống nhà ở xã hội. Những tòa nhà HDB ở Singapore nhìn khá xoàng xĩnh so với nhà ở xã hội tại Anh hoặc Mỹ. Những căn hộ cho thuê được trợ giá thường chỉ dành cho các hộ gia đình có thu nhập dưới 1.500 đô Sing/tháng. Đây là nhóm thường có gia đình đông đúc nhưng họ chỉ thuê được những căn hộ 1 phòng ngủ.
Bên cạnh đó, vẫn luôn tồn tại câu hỏi hệ thống ngày nay có thể tiếp tục đáp ứng được nhu cầu của người dân hay không. Một số người tự hỏi liệu số tiền mà người trẻ rót vào các khoản vay thế chấp nhà ở có đem lại nhiều hiệu quả hơn nếu như được dùng để kinh doanh hay không. Để được phép mua nhà ở xã hội cũng có nhiều ràng buộc: người mua phải xin phép nếu muốn chuyển đi trong 5 năm đầu tiên, mặc dù nhiều người đã phải đợi tới 3 năm thì nhà mới xây xong.
Dù sao thì ở thời điểm hiện tại, hệ thống nhà ở xã hội của Singapore vẫn đang hoạt động tốt và mang lại hiệu quả vượt trội. Tuy nhiên, người Singapore vẫn tiếp tục kết hôn muộn hơn và giá tăng khiến không ít người gặp khó khăn.
Chắc chắn là người dân Singapore ngày nay không được hưởng lợi nhiều bằng những gì cha mẹ, ông bà của họ đã được hưởng bởi nền kinh tế không còn tăng trưởng mạnh như trước. Tuy nhiên, có một rủi ro lớn hơn: hệ thống nhà ở xã hội không còn được coi là 1 “tài sản quốc gia” như trước.