MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là mối lo ngại mới về Trung Quốc đang xuất hiện trên phố Wall

07-07-2017 - 09:08 AM | Tài chính quốc tế

Những tin tức về "vận rủi" đối với các công ty Trung Quốc từng thực hiện các vụ M&A hoành tráng ở nước ngoài đang khiến nhà đầu tư đặt ra câu hỏi điều gì sẽ xảy ra với khối nợ 162 tỷ USD của các công ty này.

Các nhà đầu tư đang có một mối lo lắng mới về Trung Quốc, và nỗi lo lắng ấy đang từ từ lan sang phố Wall.

Thời gian gần đây, Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện một đợt thanh tra lớn nhắm vào các tập đoàn tài chính đã phình to nhanh chóng bằng cách thực hiện các thương vụ M&A ở nước ngoài. Có thể kể ra một vài cái tên như tập đoàn bảo hiểm Anbang, HNA, Fosun, Rossoneri và Wanda.

Tất cả các tập đoàn kể trên đều là công ty tư nhân, nhưng ở Trung Quốc khái niệm “tư nhân” không giống với thông thường. Hầu hết các lãnh đạo của những tập đoàn này đều có mối quan hệ khá thân thiết với chính quyền, nhưng kể cả những mối quan hệ này cũng chưa đủ mạnh để “dập đi” những tin tức cho rằng Chính phủ đang yêu cầu các ngân hàng thận trọng với rủi ro tín dụng có thể phát sinh từ một số tập đoàn cụ thể.

Những tin tức như vậy khiến nhà đầu tư đặt ra câu hỏi điều gì sẽ xảy ra với khối nợ 162 tỷ USD của các công ty này.

“Với nguồn cung tín dụng mới bị hạn chế hơn, không thể loại trừ khả năng họ không thể hoàn thành các nghĩa vụ tài chính”, các chuyên gia phân tích của Credit Suisse viết trong 1 báo cáo mới đây.

Báo cáo còn có đoạn: “Nếu điều này xảy ra, cổ phiếu và trái phiếu niêm yết của các công ty này có thể giảm mạnh và ảnh hưởng đến các cổ phiếu khác. Bên cạnh đó các ngân hàng Trung Quốc cũng sẽ thận trọng hơn khi cấp tín dụng cho khu vực tư nhân”.

Cơn nghiện M&A

Một trong những dấu hiệu bất thường là các công ty này từng được phép ồ ạt thâu tóm các công ty nước ngoài nhưng giờ đây chủ trương đã khác. Kể từ năm ngoái số vụ M&A đã giảm xuống rõ rệt khi mà Chính phủ Trung Quốc bắt đầu công khai nói về cải cách hệ thống tài chính.

Theo Credit Suisse, các công ty Trung Quốc đã bỏ ra tổng cộng 700 tỷ USD thâu tóm các tài sản trên toàn thế giới, trong đó có không ít những thương vụ gây nhiều tranh cãi.

Tờ Wall Street Journal đăng tải bài viết vạch ra những vấn đề ở HNA, đặc biệt là câu chuyện về Tarvana, 1 công ty du lịch có trụ sở ở San Francisco (Mỹ) mà HNA thâu tóm năm 2015. Chỉ sau đó 1 năm, công ty này nộp đơn xin phá sản với lý do hội đồng quản trị mà HNA lập nên đã “nhấn chìm” nó bằng tham nhũng, tự tiện và những phán đoán sai lầm.

Bài báo cũng đề cập đến những khoản đầu tư khác của HNA như Nicklaus Club, câu lạc bộ golf ở California. Ở đó HNA đã chấm dứt đóng tiền bảo hiểm cho nhân viên, khiến chương trình bảo hiểm của họ bị hủy.

Con mắt ở Bắc Kinh

Tuy nhiên Credit Suisse chỉ ra rằng bạn không nên lo lắng về chuyện China Inc. đang mua cả thế giới. Dường như Chính phủ Trung Quốc không chỉ muốn hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ mức nợ cao trong hệ thống tài chính mà còn muốn giữ tiền ở lại trong nước để thực hiện cải cách kinh tế.

Điều đó cũng có nghĩa là các công ty nói trên sẽ không phá sản. Trung Quốc không muốn xảy ra 1 cú sốc trên toàn bộ hệ thống và do đó sẽ ngăn chặn thảm họa. Tuy nhiên, có vẻ như sẽ có 1 hiệu ứng domino xảy ra với các tổ chức/cá nhân đã cho những công ty này vay tiền. Tình hình của tập đoàn bảo hiểm Anbang là đáng chú ý nhất bởi công ty này có mối quan hệ thân thiết nhất với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, thông qua các sản phẩm bảo hiểm.

Có lẽ chính mối quan hệ đó là lý do giải thích tại sao Chủ tịch Anbang Wu Xiaohui – người năm ngoái từng gặp gỡ con rể của Tổng thống Trump Jared Kushner để bàn về chuyện đầu tư vào công ty bất động sản của Kushner – lại bị bắt. Anbang nắm 20% cổ phần của Minsheng - ngân hàng tư nhân lớn nhất Trung Quốc.

Giống như các vụ bắt giữ những sếp lớn khác ở Trung Quốc, vụ của Wu cũng bắt đầu từ tin đồn, và tin đồn luôn bị bác bỏ nhưng cuối cùng đó tin đồn lại trở thành sự thật. Đôi khi các vụ phá sản ở Trung Quốc cũng diễn ra theo cơ chế như thế.

Thu Hương

Business Insider

Trở lên trên