Để chống lại biến đổi khí hậu, Trung Quốc đang xây dựng 30 thành phố “bọt biển”
Một trong những hậu quả của thế giới ấm dần lên là lũ lụt đang ngày càng trở nên thường xuyên và dữ dội hơn. Đây là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng tại các thành phố đông dân và phát triển ở Trung Quốc. Để chống lại điều này, quốc gia này đang phát triển các thành phố ‘bọt biển’.
- 24-11-2017Xe đạp chất thành núi như rác và tương lai tăm tối của ngành công nghiệp chia sẻ xe đạp Trung Quốc
- 22-11-2017Giá trị vốn hóa của "tứ đại công nghệ" Trung Quốc đã tăng thêm 600 tỷ USD kể từ đầu năm đến nay
- 22-11-2017Bloomberg: Trung Quốc đang đến gần hơn với khủng hoảng tài chính
Sáng kiến Thành phố bọt biển được đưa ra vào năm 2015 đầu tư vào các dự án tập trung vào việc hút nước lũ. Hiện tại, các thiết kế bọt biển đang được khai thác tại 30 thành phố bao gồm Thượng Hải, Vũ Hán và Hạ Môn. Mục tiêu hiện tại của sáng kiến này là đến năm 2020, 80% các khu đô thị ở Trung Quốc sẽ tái sử dụng ít nhất 70% lượng nước mưa của họ.
30 thành phố nằm trong Sáng kiến Thành phố bọt biển đã nhận hơn 12 tỷ USD tài trợ cho các dự án bọt biển. Tuy nhiên, chính phủ trung ương chỉ cung cấp 15 – 20% kinh phí này, phần còn lại là từ các chính quyền địa phương và các nhà đầu tư tư nhân.
Ligang, một thành phố quy hoạch thuộc quận Phố Đông ở Thượng Hải, đang trên đường trở thành thành phố bọt biển lớn nhất cho đến này. Theo CNN, nỗ lực này được hỗ trợ bởi 199 triệu USD tài trợ từ chính quyền thành phố. Cho đến nay, thành phố này đã bắt đầu trồng cây trên mái nhà, xây dựng các vùng đất đầm lầy (dùng để lưu trữ nước mưa), và xây dựng các con đường có thể thấm và chứa nước chảy.
Cuộc chiến với nước lũ
Xây dựng một thành phố bọt biển không phải là một quá trình đơn lẻ và cố định. Mỗi dự án được tùy chỉnh theo khu vực xây dựng và nhằm mục đích cải thiện dựa trên các kỹ thuật trước đó và vượt qua những thử thách khó khăn.
Các chiến lược bao gồm sử dụng các mặt phẳng thấm nước và cơ sở hạ tầng xanh (kết hợp cây cối với các công trình xây dựng). Ý tưởng này có nhiều tiềm năng tới mức các thành phố trên thế giới như Berlin đang tìm cách để trở nên ‘thấm hút’ hơn.
Dự án đầy tham vọng của Trung Quốc là cách tiếp cận vừa sáng tạo vừa hiệu quả cho vấn đề lũ lụt đe dọa đến tính mạng con người. Vào năm 2010, khoảng 700 người đã thiệt mạng và hơn 300 người mất tích vì những trận lở đất do lũ lụt ở Trung Quốc. Chỉ trong tháng 7 năm nay, 56 người đã thiệt mạng và nhiều thành phố đã bị phá hủy do mưa lớn và lũ lụt ở miền Nam Trung Quốc.
Trung Quốc đang vững vàng chống lại lũ lụt với Sáng kiến Thành phố bọt biển, và các quốc gia khác có thể làm theo. Từ các hệ thống thoát nước tiên tiến đến những con đường có khả năng thấm nước cũng như các phương án trồng cây sáng tạo, những thành phố bọt biển đang ngày càng đổi mới để có thể chống lại các trận lũ lụt nguy hiểm tốt hơn.
Tuy nhiên, giải pháp này chỉ giải quyết được vấn đề bề mặt của một vấn đề lớn hơn nhiều. Các chuyên gia đồng thuận rằng trừ khi chúng ta có những thay đổi triệt để toàn cầu, nhân loại sẽ phải chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng hơn của biến đổi khí hậu.
Trách nhiệm của chúng ta là chống lại biến đổi khí hậu, và nó cũng cần thiết cho sự sống của chúng ta. Vì vậy, trong khi các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang tìm cách làm giảm nhẹ hệ quả của thay đổi khí hậu, điều quan trọng là cần phải có nhiều hơn những sáng kiến trực tiếp chống lại tác động tiêu cực của con người lên môi trường.