Để chuyển đổi số, doanh nghiệp phải có lộ trình phù hợp
Theo các chuyên gia kinh tế, để doanh nghiệp Việt chuyển đổi số thành công, mỗi doanh nghiệp cần lựa chọn chiến lược, cũng như lộ trình chuyển đổi số phù hợp, nhằm đạt hiệu quả với chi phí hợp lý.
- 07-12-2022Internet – Thành tố thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam
- 07-12-2022Hơn 10.000 cơ quan nhà nước, dịch vụ công dùng Zalo kết nối với người dân
- 07-12-2022"Khai tử" sổ hộ khẩu giấy từ 1/1/2023, sổ hộ khẩu cũ có bị thu hồi?
Chuyển đổi số mở ra cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, kinh doanh và không có khoảng cách với thị trường trong nước và quốc tế. Theo các chuyên gia kinh tế, để doanh nghiệp Việt chuyển đổi số thành công, mỗi doanh nghiệp cần lựa chọn chiến lược, cũng như lộ trình chuyển đổi số phù hợp, nhằm đạt hiệu quả với chi phí hợp lý.
Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt, cùng với các cơ quan quản lý đã nâng cao nhận thức về công nghệ số, vì thế nhiều doanh nghiệp thực sự nhập cuộc vào quá trình chuyển đổi số trong hoạt động liên quan đến sản xuất- kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Minh Ngọc, Công ty TNHH Trà Ngọc Thanh Sơn cho biết, bằng việc xây dựng website giới thiệu sản phẩm, dù là doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng trong 1 năm qua đã có lượt truy cập từ 16 quốc gia trên thế giới, sản phẩm được khách hàng cả nước biết đến và đặt hàng. Hơn nữa, nếu như doanh nghiệp tham dự các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại với kinh phí lên tới hàng trăm triệu đồng, thì nhờ ứng dụng nền tảng số, thương mại điện tử, doanh nghiệp đã tiết kiệm được chi phí ít hơn hàng chục lần, phạm vi tiếp cận khách hàng cũng rộng rãi hơn.
"Khi chuyển đổi số, doanh nghiệp cảm thấy thay đổi rất nhiều cho bộ mặt của doanh nghiệp, cũng như việc xây dựng thương hiệu. Khi chuyển đổi số đưa gian hàng của mình lên trên các sàn thương mại điện tử đã có những lượt mua hàng đến từ những tỉnh, thành trên cả nước; so với bình thường bán hàng theo cách truyền thống chỉ có thể bán được ở Hà Nội. Chuyển đổi số thì doanh nghiệp tiếp cận được cả khách hàng trong nước và quốc tế, giúp chúng tôi một phần xây dựng thương hiệu tốt hơn và gần gũi hơn với người tiêu dùng" - bà Nguyễn Thị Minh Ngọc bày tỏ.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh bùng nổ cuộc cách mạng 4.0, để chuyển đổi số thành công, việc nâng cao năng lực về con người, năng lực của doanh nghiệp cũng quan trọng không kém. Mỗi doanh nghiệp có quy mô khác nhau sẽ lựa chọn chiến lược cũng như lộ trình chuyển đổi số phù hợp nhằm đạt hiệu quả nhất với chi phí hợp lý.
Theo ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường, nhưng chuyển đổi số và các ứng dụng công nghệ chỉ cung cấp về nền tảng, doanh nghiệp phải chủ động tiếp cận, tìm được cách thức giới thiệu sản phẩm.
Để chuyển đổi số thành công, việc nâng cao năng lực về con người, năng lực của doanh nghiệp cũng quan trọng không kém.
Tiếp sau đó là hàng loạt giải pháp để thúc đẩy giao kết, đảm bảo về hàng hóa theo yêu cầu của đối tác… đây đều là những công việc không hề đơn giản, nên cần sự năng động, đi từng bước để phát triển năng lực của cộng đồng doanh nghiệp. Song song đó, vẫn phải có sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng.
Ông Bùi Trung Nghĩa đề xuất: "Các cơ quan Bộ, ngành thuộc Chính phủ cũng như các địa phương cần tiếp tục phát triển ngành công nghệ thông tin và viễn thông trên kết quả thành tựu của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các nền tảng đối với ngành công nghệ viễn thông.
Từ đó, các công ty và phát triển nền tảng ứng dụng cho cộng đồng cho xã hội cho doanh nghiệp sẽ phát triển được nền tảng hiệu quả với chi phí hợp lý nhất. Từ đó, giải quyết những vấn đề thực tế nhất đối với doanh nghiệp, qua đó để doanh nghiệp tự nâng cao năng lực của họ thông qua quá trình áp dụng, trải nghiệm, hưởng lợi từ công nghệ số".
VOV