MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đi lại bằng cáp treo để tránh tắc đường - Chuyện không lạ ở nhiều thành phố Mỹ Latinh

29-12-2016 - 19:04 PM | Tài chính quốc tế

12 năm trở lại đây, hệ thống cáp treo đã mọc lên ở nhiều thành phố Mỹ Latinh như Cali và Medellin (Colombia); Caracas, Venezuela; La Paz, Bolivia; và Rio de Janeiro.

Tắc đường là nỗi ám ảnh của các thành phố đang phát triển và Mexico City cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Chỉ có nhóm người giàu sẵn sàng chi tiền để đi lại bằng máy bay trực thăng, vượt lên trên dòng xe cộ chen chúc phía dưới.

Tuy nhiên, từ tháng 10 vừa qua, hàng nghìn người dân của Mexico City đã bắt đầu đi làm hoặc đi học bằng những cabin có màu sắc rực rỡ chạy dọc theo tuyến cáp treo đầu tiên của thành phố.

Mexicable, tuyến cáp treo có 7 điểm dừng với chiều dài hơn 3 dặm, là một phần trong mạng lưới những tuyến cáp treo đang nổi lên ở Mỹ Latinh, kết nối các vùng ngoại ô với các thành phố lớn.

Ở Ecatepec, vùng ngoại ô nằm ngay cạnh thủ đô Mexico City, tuyến cáp Mexicable mang đến những vị khách, quãng đường di chuyển ngắn hơn và cả nghệ thuật đường phố.

“Thật tuyệt vời”, Marco Antonio Gonzales, người từng mất 1 giờ trên chiếc xe buýt chật kín người để đi từ nhà tới chỗ làm, nói. Giờ đây anh chỉ mất 17 phút để đi làm, ngồi trong cabin thoáng đãng và nhìn xuống những mái nhà màu nâu xám, sân bóng đá trụi cỏ và những con phố chật hẹp đông đúc.

Gonzales rất tự hào về tuyến cáp này. “Những vùng khác chẳng thể xây dựng được thứ gì đó ấn tượng như chúng tôi”.

Ecatepec nằm ở phía Bắc thủ đô Mexico City và là điểm đầu của tuyến cáp. Nhiều người sau khi đi cáp thì bắt xe buýt và thêm 1 chuyến tàu điện ngầm nữa để đến nơi làm việc.

Nancy Montoya, một người giúp việc sống ở Esperanza, gần với điểm dừng thứ 6 của Mexcicable, cho biết cô tiết kiệm được khoảng 2 giờ đồng hồ mỗi ngày nhờ di chuyển bằng cáp. Cô có thể dùng thời gian này để hỗ trợ lũ trẻ làm bài tập về nhà hoặc đi chợ.

Di chuyển bằng cáp treo cũng an toàn hơn. Montoya đã bị cướp trên xe buýt nhiều lần đến mức không thể đếm được. Giờ đây cô ngồi trên cabin, nhìn xuống dòng xe phía dưới và vẫn tưởng tượng ra cảnh móc túi.

12 năm trở lại đây, hệ thống cáp treo đã mọc lên ở nhiều thành phố Mỹ Latinh như Cali và Medellin (Colombia); Caracas, Venezuela; La Paz, Bolivia; và Rio de Janeiro. Ở La Paz, cáp treo mở ra từ năm 2014 giúp kết nối những vùng bị ngăn cách bởi tôn giáo, chủng tộc và địa vị xã hội.

Còn ở Ecatepec, dự án Mexicable mang đến bộ mặt mới cho đô thị. Chính quyền địa phương đã lắp thêm đèn đường và xây vỉa hè cho một số tuyến phố. Dọc tuyến cáp treo, những ngôi nhà được sơn màu hồng, xanh và tím, điểm thêm những bức vẽ graffiti sinh động.

Những thành công này khiến nhiều người kỳ vọng cáp treo sẽ giúp các thành phố thay da đổi thịt. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại cáp treo đang trở thành một công cụ phục vụ mục đích chính trị.


Có khoảng 50 bức vẽ graffiti dọc theo tuyến cáp treo ở Mexico. Ảnh: New York Times.

Có khoảng 50 bức vẽ graffiti dọc theo tuyến cáp treo ở Mexico. Ảnh: New York Times.

Nelli Huerta, người đang đợi xe buýt ở Tablas del Pozo cùng cô con gái 10 tuổi, cho biết cô đã đi cáp treo một vài lần nhưng vẫn thích di chuyển dưới mặt đất. Nhìn lên những cabin đang chạy trên đầu, Huerta phàn nàn lẽ ra Chính phủ nên chi tiền cho những dịch vụ cơ bản thay vì thứ phù phiếm như cáp treo.

“Có bao nhiêu người không có nước sạch? Không có điện thắp sáng? Bao nhiêu con đường không có vỉa hè? Cáp treo Mexicable hay những ngôi nhà mới được sơn lại trông “đẹp đẽ” nhưng chỉ là lớp vỏ che giấu những rắc rối trong cuộc sống của người dân mà thôi”.

Người Mexico còn chế giễu dự án cáp treo trên mạng xã hội khi nó mới khai trương. Họ để ý thấy cỏ giả được tạm thời phủ lên những sân bóng trơ trọi khi Tổng thống Enrique Peña Nieto khánh thành tuyến cáp treo hồi tháng 10.

Một số chỉ ra rằng ngoài giờ cao điểm đầu buổi sáng và giờ tan tầm buổi chiều, nhiều cabin trống rỗng hoặc chỉ có một vài hành khách. Paul M. Abed, giám đốc của Mexicable, cho biết hệ thống đang vận chuyển trung bình 18.000 hành khách mỗi ngày và kỳ vọng con số sẽ tăng lên mức 30.000.

Thu Hương

New York Times

Trở lên trên