Dịch tả lợn Châu Phi: Cơ hội hay thách thức cho các "ông lớn" ngành chăn nuôi lợn?
Dịch tả lợn châu Phi có thể vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho những doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn như Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Tập đoàn Masan hay CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (Vissan).
- 29-03-2019Dù 23 tỉnh bị dịch tả lợn Châu Phi, giá lợn hơi đang "ấm" dần
- 28-03-2019Đề xuất thành lập điểm phân phối thịt lợn an toàn để kích cầu
- 27-03-2019Trung Quốc có thể nhập khẩu thịt lợn Mỹ nhiều kỷ lục trong 2019
Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, dịch tả lợn châu Phi (ASF) lần đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Hưng Yên vào đầu tháng 2/2019. Tính đến tháng 4/2019, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triểu nông thôn (NN&PTNT), ASF đã lây nhiễm sang 23 tỉnh, thành phố của cả nước bao gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Bắc Ninh, Lai Châu, Bắc Giang, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Vĩnh Phúc. Chủ yếu dịch bệnh được phát hiện ở các trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 73.000 con.
Mặc dù ASF không lây sang người nhưng tâm lý người tiêu dùng e ngại đã làm cho thị trường thịt lợn ảm đạm và giá thịt lợn giảm mạnh. Theo thống kê của bộ NN&PTNT, giá thịt lợn hơi giảm trung bình 14% từ mức 46.000-52.000 đồng/kg vào tháng 01/2019 (thời điểm trước khi phát hiện dịch) xuống 38.000-46.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, vào thời điểm bắt đầu bùng phát ASF tại Việt Nam, quy định hộ chăn nuôi sẽ được hỗ trợ 38.000 đồng/kg hơi theo quy định tại Nghị định 02/2017 khiến hộ chăn nuôi không chủ động thông báo việc lợn mắc bệnh và mang đi tiêu hủy do giá hỗ trợ chưa sát với thị trường, chỉ ở mức 38.000 đồng/kg hơi. Trong khi đó, giá lợn hơi vào ngày 20/02/2019 (ngay sau khi phát hiện dịch) là 49.000-56.000 đồng/kg hơi ở các tỉnh miền Nam, 45.000-49.000 đồng/kg hơi ở các tỉnh miền Trung và 46.000-52.000 đồng/kg hơi ở các tỉnh miền Bắc.
Ngoài ra, quy định này không có sự khác biệt giữa giá hỗ trợ tiêu hủy lợn giống và lợn thịt, trong khi lợn giống có giá trị cao hơn nhiều so với lợn thịt. Và điều kiện để được nhận hỗ trợ tương đối khó khăn như nông hộ phải đăng ký kê khai ban đầu được UBND cấp xã xác nhận khi bắt đầu nuôi lợn do đa số hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ đều nằm xen kẽ trong khu dân cư và không đăng ký ban đầu với các cấp quản lý.
Vì những lý do kể trên, hộ chăn nuôi có xu hướng bán lợn bệnh hoặc nghi bệnh, mà không thông báo để có biện pháp xử lý phù hợp, làm tăng nguy cơ lây lan dịch. Gần đây, nghị quyết 16/NQ-CP được ban hành trong phiên họp thường kỳ tháng 02/2019 của Chính phủ đã kịp thời thay đổi quy định nói trên, cụ thể đối với lợn con, lợn thịt các loại, hỗ trợ với mức tối thiểu 80% giá thị trường tại thời điểm và tại địa phương có dịch bệnh xảy ra. Đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác, hỗ trợ với mức từ 1,5 đến 2,0 lần so với mức hỗ trợ các loại lợn khác tại thời điểm có dịch bệnh. Chủ vật nuôi được hỗ trợ khi có lợn buộc phải tiêu hủy không nhất thiết phải đáp ứng điều kiện đăng ký kê khai ban đầu được UBND cấp xã xác nhận khi bắt đầu nuôi lợn.
Theo VDSC, việc thay đổi chính sách là rất kịp thời và hợp lý khi cả giá, cơ chế cũng như điều kiện nhận hỗ trợ đã được điều chỉnh theo hướng thuận lợi hơn cho chủ vật nuôi. Do đó, chính sách này được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đến việc khống chế ASF, từ đó giúp giá thịt lợn trên thị trường phục hồi.
VSDS kỳ vọng rằng ASF sẽ sớm được khống chế nhờ vào việc thay đổi chính sách và thị trường thịt lợn sẽ ổn định lại trong thời gian sắp tới. Thậm chí, giá thịt lợn có thể tăng cao hơn thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh do khan hiếm nguồn cung sau dịch. Thực tế, giá cả thị trường đang có dấu hiệu phục hồi trên cả nước.
Mặt khác, VSDS cho rằng ASF có thể vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho những doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn như Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Tập đoàn Masan, CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản bởi hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bị tổn hại nguồn lực lớn sau nhiều đợt dịch bệnh liên tiếp, cộng với tâm lý e ngại nên việc tái đàn từ khu vực này sẽ hạn chế. Nguồn cung cấp thịt lợn cho thị trường sẽ chỉ còn nằm trong tay các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang mua hàng ở các kênh phân phối hiện đại, vốn là lợi thế của các doanh nghiệp lớn, như siêu thị, cửa hàng thực phẩm để đảm bảo nguồn gốc và chất lượng thịt.
Vì những lý do kể trên, nếu kiểm soát được lượng hàng dự trữ và đảm bảo được trang trại của mình không bị nhiễm bệnh, VDSC cho rằng các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn có thể được hưởng lợi sau khi dịch bệnh kết thúc.
Trí Thức Trẻ