MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điểm danh những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất

21-05-2019 - 10:47 AM | Tài chính - ngân hàng

Có 15/22 ngân hàng kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 2%.

Đầu năm nay, theo Nghị quyết 01 của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2019, Chính phủ đã yêu cầu ngành ngân hàng phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu (gồm nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC hiện chưa xử lý được và các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu) về dưới 5%.

Báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 3/2019 là 2,02%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đến cuối tháng 3/2019 ở mức 5,88%, giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016 và mức 7,36% cuối năm 2017.

Quá trình xử lý nợ xấu tiếp tục được đẩy mạnh. Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 907,3 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó riêng trong năm 2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 163,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Về kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 227,86 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng đạt 117,8 nghìn tỷ đồng.

Đi cụ thể vào từng ngân hàng, tình hình nợ xấu có sự phân hóa mạnh. Theo thống kê của chúng tôi, trong khi có 15 ngân hàng hiện có tỷ lệ nợ xấu/ tổng dư nợ cho vay đạt dưới 2% thì cũng còn một vài ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu vượt mức 3% và có xu hướng tăng.

SCB đang là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu nội bảng thấp nhất, chỉ ở mức 0,42%, không thay đổi so với hồi đầu năm. Tổng nợ xấu nội bảng của nhà băng này là 1.335 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 68 tỷ so với hồi đầu năm. Trong khi đó, dư nợ cho vay của SCB rất lớn, lên tới 315.287 tỷ đồng.

Một ngân hàng nữa có tỷ lệ nợ xấu dưới 1% là ACB (0,69%). Công cuộc xử lý nợ xấu của nhà băng này đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua, đến cuối năm 2018, ACB cũng chỉ còn 40 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt của VAMC.

Thêm một ngân hàng cũng có tỷ lệ nợ xấu thấp là HDBank. Tại thời điểm cuối tháng 3/2019 tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ là 0,96% và luôn duy trì tỷ lệ rất thấp trên dưới 1% trong 5 năm gần đây. Ngân hàng cho biết có được điều này nhờ chính sách tín dụng thận trọng, quản lý rủi ro hiệu quả và tập trung vào đối tượng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp SME, đồng thời việc phát triển khách hàng theo hệ sinh thái cũng giúp ngân hàng kiểm soát tốt mục đích sử dụng vốn và nguồn trả nợ. Nếu tính cả nợ xấu của công ty tài chính thì HDBank hợp nhất có tỷ lệ nợ xấu 1,45% - thấp hơn đáng kể so với cuối năm 2018.

Điểm danh những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất - Ảnh 1.

Số liệu nợ xấu trong bảng là của các ngân hàng hợp nhất, trong đó MBBank và HDBank "nặng" hơn vì gánh cả nợ xấu của công ty tài chính. Ngân hàng MBBank riêng lẻ nợ xấu ở mức 1,29% còn của HDBank riêng lẻ là 0,96% (nguồn: Tổng hợp từ BCTC của các ngân hàng theo số liệu CafeF)

Tại thời điểm cuối năm 2018, 2 ngân hàng khác cũng có tỷ lệ nợ xấu dưới 1% là Vietcombank và Kienlongbank. Tuy nhiên, với việc nợ xấu tăng trong quý 1/2019, tỷ lệ nợ xấu/ dư nợ cho vay của 2 nhà băng này đã vượt mức 1%.

Trong đó, nợ xấu của Vietcombank quý 1 tăng thêm 729 tỷ tương đương tăng 11,7% lên mức 8.376 tỷ đồng. Khối nợ xấu nội bảng của Vietcombank hiện nay về giá trị tuyệt đối cũng thuộc top đầu, đứng thứ 4 chỉ sau BIDV, VietinBank và VPBank. Tuy nhiên, so với dư nợ cho vay lên tới hơn 673 nghìn tỷ, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank vẫn thuộc hàng thấp nhất trong hệ thống, chưa kể, nhà băng này đã sạch nợ tại VAMC và có tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu lên tới 170%. 

Trong lần chia sẻ với chúng tôi và các cổ đông hồi cuối tháng 4 vừa qua, ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch Vietcombank cho biết "Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank hiện nay rất thấp, ngân hàng muốn tỷ lệ nợ xấu thấp bao nhiêu cũng được bởi đang có tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu tới 170%, tức là 100 đồng nợ xấu thì dự phòng đến 170 đồng - không ngân hàng nào trích lập được như vậy". Ông Thành còn tiết lộ, thậm chí có những chi nhánh của nhà băng này năm vừa qua không phát sinh nợ xấu! 

Còn tại Kienlongbank, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 3 của nhà băng này là 1%. Với 299 tỷ đồng nợ xấu cuối quý 1, Kienlongbank là ngân hàng có nợ xấu nội bảng thấp nhất trong số 22 ngân hàng đã công bố BCTC khi xét về giá trị tuyệt đối.

Nhiều ngân hàng khác cũng giữ được mức tỷ lệ nợ xấu dưới 2% có thể kể đến như Nam A Bank, TPBank, VietBank, MBBank, SeABank, HDBank, BIDV, Techcombank, VietinBank, Eximbank.

Đáng lưu ý, trong những cái tên nói trên, những "ông lớn" như BIDV, VietinBank mặc dù có khối nợ xấu "khủng" ) dẫn đầu hệ thống (BIDV là hơn 17.800 tỷ, VietinBank gần 16.000 tỷ nhưng tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức thấp. Lý do là vì dư nợ cho vay của 2 nhà băng này rất lớn, BIDV lên tới hơn 988.700 tỷ, VietinBank là gần 865.000 tỷ.

Trên thực tế, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được phản ánh rõ ràng trên bảng cân đối kế toán là không hoàn toàn phản ánh bức tranh nợ xấu. Chưa hẳn những ngân hàng có nợ xấu thấp nhất đã thực sự có chất lượng tài sản tốt hơn. Ngay việc nhìn vào con số thống kê của NHNN cũng đã thấy điều đó. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng cuối quý 1/2019 chỉ ở mức 2,02% nhưng khi tính thêm cả nợ bán cho VAMC chưa xử lý, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu lên tới 5,88% là một mức chênh lệch không nhỏ.

Điển hình như SCB. Ngân hàng này có tỷ lệ nợ xấu nội bảng thấp nhất hệ thống, nhưng cũng là nhà băng có lượng trái phiếu đặc biệt VAMC lớn thứ 2 chỉ sau Sacombank. Chưa kể, cuối tháng 3/2019, SCB còn gần 48.000 tỷ đồng các khoản lãi và phí phải thu, các khoản phải thu cũng lên tới hơn 62.000 tỷ đồng.

Tương tự, BIDV và VietinBank mặc dù duy trì được tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 2%, nhưng gánh nặng hàng chục nghìn tỷ đồng nợ ở VAMC cũng là vấn đề còn phải mất nhiều thời gian để giải quyết.

Trong số 15 ngân hàng kể tên nói trên cũng mới chỉ có Vietcombank, MBBank, Techcombank là đã tất toán được toàn bộ trái phiếu của VAMC (tại thời điểm cuối năm 2018).

Diệp Trần

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên