Điểm lại những tài sản ngoại “lạ lùng” mà Trung Quốc mua bằng tiền tỷ trong 2016
Từ đầu năm tới nay, các doanh nghiệp Trung Quốc đã rót tới 234 tỷ USD để mua sắm tài sản ngoại, từ huyết thanh cho đến rác.
- 30-11-2016Trump dọa tăng thuế lên 45% nhưng đây là lý do Trung Quốc không sợ hãi
- 29-11-2016Trung Quốc rút 10 tỷ nhân dân tệ ra khỏi thị trường tài chính
- 26-11-2016Chinh phục cả thế giới, vì sao Facebook "gục ngã" ở Trung Quốc?
Từ đầu năm tới nay, các doanh nghiệp Trung Quốc đã rót tới 234 tỷ USD để mua sắm tài sản ngoại, con số lớn chưa từng thấy, gần gấp 3 lần mức cùng kỳ năm 2015.
Bloomberg đã điểm lại những tài sản “lạ lùng” mà doanh nghiệp Trung Quốc chi tiền để thâu tóm khắp thế giới trong năm 2016.
Robot pha chế đồ uống
Công ty đồ gia dụng Midea của Trung Quốc đã đồng ý chi 4,5 tỷ USD để mua lại Kuka – công ty sản xuất robot công nghiệp của Đức trong tháng Năm. Robot của Kuka có thể cử động nhanh nhẹn đến nỗi nó có thể được sử dụng để pha chế đồ uống trên du thuyền.
Công nghệ của Kuka cũng phục vụ lắp ráp xe bán tải của Audi và máy bay Airbus.
Trò chơi “Clash of Clans”
Công ty công nghệ khổng lồ Tencent Holdings của tỷ phú Trung Quốc Pony Ma đã đổ tiền để tiến hành thương vụ mua bán sáp nhập lớn nhất lịch sử làng kinh doanh Hà Lan.
Tháng Sáu, Tencent cho biết sẽ mua lại Supercell Oy – công ty phát triển những tựa game đình đám như Clash of Clans và Clash Royale – với giá 8,6 tỷ USD.
Máy in
Nhà đầu tư Trung Quốc tranh giành cổ phần của Lexmark International sau khi công ty sản xuất máy in của Mỹ báo doanh số sụt giảm nhiều năm liên tiếp.
Lexmark gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các công ty máy in mực giá rẻ, cũng như nhu cầu in ấn giảm khi khách hàng chuyển sang sử dụng văn bản điện tử.
Apex Technology – công ty sản xuất linh kiện hộp mực niêm yết trên sàn Thâm Quyến, đã hợp tác với PAG Asia Capital để mua lại Lexmark với giá 2,5 tỷ USD trong tháng Tư.
Huyết tương
Công ty dược phẩm Creat Group của Trung Quốc bỏ ra 1,2 tỷ USD trong tháng Năm để mua Bio Products Laboratory, công ty cung cấp các sản phẩm huyết tương.
Bio Products Laboratory có tuổi đời lên đến hơn 60 năm. Công ty của Anh sản xuất hơn 650 tấn huyết tương mỗi năm từ nguồn máu hiến tình nguyện của Mỹ. Sản phẩm của Bio Products Laboratory có mặt trên hơn 45 thị trường toàn cầu
Đồ ăn trên máy bay
Nếu bạn không thích đồ ăn trên máy bay của hãng Delta Air Lines, hãy trách Trung Quốc. Công ty HNA của Trung Quốc đã mua lại công ty Gategroup Holding với giá 1,5 tỷ USD trong tháng Tư, thâu tóm luôn mảng phân phối đồ ăn cho máy bay các hãng Delta, United Airlines Inc. và Emirates.
Ngoài khâu ăn uống, HNA cũng đang quản lý cả dịch vụ vận chuyển hành lý sau khi mua lại hãng Swissport International vào tháng Hai.
Sòng bạc trực tuyến
Để đáp ứng nhu cầu của những tay chơi Trung Quốc không có điều kiện đến Vegas, công ty Shanghai Giant Network Technology của tỷ phú Shi Yuzhu đã bỏ ra 4,4 tỷ USD mua lại Playtika trong tháng Bảy. Playtika quản lý nhiều tựa game đánh bài trực tuyến như Bingo Blitz và Caesars Slots.
Máy bay
HNA là một công ty đáng chú ý của Trung Quốc trong năm qua. Trung bình mỗi tháng, công ty này thâu tóm 2 công ty ngoại khác trong năm vừa qua.
Một trong những “con mồi” béo bở nhất là mảng kinh doanh cho thuê máy bay trị giá 10 tỷ USD của CIT Group. Thương vụ này sẽ giúp HNA thiết lập hãng cho thuê máy bay lớn thứ 3 thế giới, quản lý 910 máy bay với trị giá hơn 43 tỷ USD.
AC Milan
Đội bóng quốc gia của Trung Quốc chỉ đứng vị trí thứ 83 trên bảng tổng sắp toàn cầu, nhưng đội đang lấn sân sang các giải đấu ở châu Âu.
Một nhóm nhỏ nhà đầu tư ít tên tuổi của Trung Quốc vừa đạt được thỏa thuận mua câu lạc bộ AC Milan nổi tiếng trong tháng Chín với giá 830 triệu USD. Đây cũng là dấu chấm hết cho 30 năm kiểm soát AC Milan của cựu thủ tướng Italia Silvio Berlusconi.
Tuy nhiên thương vụ vẫn gây nhiều tranh cãi sau khi rò rỉ thông tin về tính xác thực của tài liệu ngân hàng do công ty Trung Quốc cung cấp.
Trước đó vào năm 2015, một công ty khác của Trung Quốc cũng đã mua lại Inter Milan.
Rác
Công ty Beijing Enterprises bán đủ thứ, từ bia cho tới năng lượng. Giờ thì công ty quốc doanh này đang tính kinh doanh cả rác.
Beijing Enterprises cho biết sẽ mua lại EEW Energy From Waste – công ty xử lý rác để sản sinh năng lượng – với giá 1,6 tỷ USD. Đây là thương vụ đầu tư từ Trung Quốc lớn nhất của Đức tính đến hiện tại.
“Bước nhảy hoàn vũ”
Tài phiệt bất động sản Wang Jianlin của Trung Quốc đang nhóm ngó để mua lại các chương trình truyền hình của Mỹ. Đầu năm nay, chính ông là người có công mang những bộ phim bom tấn của Hollywood như “Godzilla” và “Hiệp sĩ bóng tối” về tay khán giả Trung Quốc.
Tập đoàn Dalian Wanda Group của ông Wang cho biết sẽ đầu tư 1 tỷ USD để mua lại Dick Clark Productions, công ty dàn dựng chương trình “Hoa hậu Mỹ” và “Bước nhảy hoàn vũ”.
BizLIVE