Điểm nghẽn trong xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp vùng ĐBSCL
Việc mở hệ thống phần mềm khai hải quan điện tử xuất khẩu gạo lúc “nửa đêm” khiến nhiều DN xuất khẩu gạo đang đặt vấn đề về tính công khai, minh bạch.
- 16-04-2020Hải quan mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc nửa đêm, Phó Thủ tướng yêu cầu 2 Bộ báo cáo
- 14-04-2020Những doanh nghiệp nào 'trúng' tờ khai xuất khẩu gạo mở lúc nửa đêm?
- 14-04-2020Mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc nửa đêm, Tổng cục Hải quan nói gì?
DN bức xúc, gửi đơn lên Thủ tướng!
Đó là câu chuyện của 1 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo tại Cần Thơ, khi hàng ngàn tấn gạo đang nằm tại cảng, đội theo chi phí phát sinh, chưa kể đến việc mất uy tín với đối tác khi chậm trễ trong việc giao hàng.
Những lô hàng gạo của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, TP. Cần Thơ khai dở dang từ ngày 24/3. Không thể thực hiện mở tờ khai, trong khi hệ thống phần mềm Hải quan điện tử thông báo đã đủ hạn ngạch, bức xúc việc mở tờ khai lúc nửa đêm, phía Công ty đã gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ; Bộ Công thương.
Người dân thu hoạch lúa Đông Xuân tại Cần Thơ.
Tiêu thụ nội địa chậm, gạo xuất khẩu nằm tại cảngMới đây, phía Công ty tiếp tục gửi đơn lần hai, trong đó kiến nghị hủy toàn bộ tờ khai từ ngày 11/4 đến nay. Đồng thời, đề nghị Hải quan cho các doanh nghiệp khai tiếp những lô hàng đang khai dở dang và thông quan hết toàn bộ số lượng gạo đã nằm trên cảng.
Theo Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, trong quý 1, tỉnh Tiền Giang mới xuất khẩu được gần 29.000 tấn gạo, chủ yếu là công ty TNHH Việt Hưng, tại huyện Cái Bè. Thời điểm Chính phủ cho phép tái xuất khẩu gạo lại từ ngày 11/4 nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa xuất khẩu được do đã hết hạn ngạch, không đăng ký thông quan.
Tại trung tâm lúa gạo An Cư - Bà Đắc (thuộc huyện Cái Bè) hầu hết các nhà máy, kho lúa gạo đều đã trữ đầy. Đầu ra của hạt gạo nội địa như dậm chân tại chỗ. Chỉ riêng công ty TNHH Việt Hưng đang dự trữ hơn 20.000 tấn gạo ở 4 kho và 5.000 tấn còn nằm tại cảng Sài Gòn.
Gạo không xuất được mà tiêu thụ nội địa cũng chậm lại. |
Tại doanh nghiệp tư nhân Tấn Vinh (xã Hậu Thành, huyện Cái Bè) còn tồn hơn 13.000 tấn lúa gạo, trong đó có 10.000 tấn gạo chưa tiêu thụ được. Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương xem xét tiếp tục cho xuất khẩu gạo để đảm bảo cho nông dân và doanh nghiệp có lãi.
Bà Võ Thị Kiều Trinh, chủ doanh nghiệp Tấn Vinh, tỉnh Tiền Giang cho biết: “Khi xuất khẩu gạo nên phân luồng xuất khẩu gạo. Trên thị trường thế giới người ta chuộng gạo hạt dài, gạo hạt dài giá cao thì cứ xuất khẩu. Đảm bảo nguồn hàng lương thực cho người dân thì mình nên giữ lại gạo hạt tròn, như gạo 50404. Như vậy, gạo hạt tròn sẽ không lên giá mà đảm bảo đủ lương thực cung cấp cho đất nước. Trong khi đó, nông dân sản xuất gạo hạt dài và doanh nghiệp vẫn có thu nhập”.
Rà soát các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có hàng nằm tại cảng
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cho biết, địa phương có hơn 40 doanh nghiệp xuất khẩu gạo, vừa qua chỉ có 4 doanh nghiệp mở được tờ khai thông quan lúc “nửa đêm” với số lượng cũng không nhiều. Hiện nay các doanh nghiệp thông báo đang có khoảng 25.000 tấn đang nằm tại cảng, trên ghe, tàu, chi phí phát sinh rất lớn và doanh nghiệp đang là người phải gánh chịu thiệt hại.
Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ thẳng thắn kiến nghị, cơ quan chức năng nên kiểm tra lại số lượng gạo của các doanh nghiệp đang nằm tại cảng, dưới tàu gần 1 tháng qua; cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này xuất khẩu để không ảnh hưởng đến uy tín, cũng như chất lượng gạo.
Trong đó, cần chọn doanh nghiệp ưu tiên có hàng hóa tại cảng từ ngày 23/3 đến 30/3, xác minh và cho các doanh nghiệp này thông quan, đây là ưu tiên số 1 về hợp đồng kinh tế. Tiếp theo, từ ngày 1 - 10/4 là ưu tiên thứ hai, Bộ Công thương, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Hải quan phải ngồi lại để cho các doanh nghiệp có hàng tại cảng kê khai, chính quyền địa địa phương xác nhận và cho thông quan, khi đó mới thực sự công khai, minh bạch.
Gạo chất kho tại một doanh nghiệp ở Tiền Giang. |
Ông Toại cho rằng, với những doanh nghiệp nào chưa có hàng tại cảng thì chậm lại và chờ đợt sau. Để giải quyết vấn đề gạo đang nằm tại cảng, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan cùng ngồi lại với các doanh nghiệp đang có gạo nằm tại cảng mà các địa phương gửi lên để đưa ra những giải pháp giải quyết khó khăn, nếu không giải quyết sớm vấn đề này doanh nghiệp khó sẽ chồng thêm khó.
“Trường hợp bị ách tắc từ 23 - 30/3 phải cho đi trước, ưu tiên số 1. Còn lại từ 1 -10/4 là ưu tiên 2, lúc đó chúng ta mới tháo gỡ. Phải giải quyết hết tại cảng cái nằm trên tàu, trên ghe rồi sau đó mới giải quyết được những trường hợp tiếp theo, để giảm bớt thiệt hại cho các doanh nghiệp. Trường hợp không giải quyết được thì coi như doanh nghiệp sẽ phá sản”, ông Nguyễn Minh Toại nói.
Giao chỉ tiêu cho từng tỉnh để rà soát xuất khẩu gạo
Vừa qua, tỉnh An Giang có 1 doanh nghiệp đã đăng ký thành công để xuất khẩu gạo qua hệ thống phần mềm khai hải quan điện tử xuất khẩu gạo với số lượng không nhiều, hàng nằm tại cảng của các doanh nghiệp vẫn còn lớn.
Ông Lê Văn Nưng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 48.000 tấn gạo của 16/18 doanh nghiệp không giao hàng được theo hợp đồng đã ký. Trường hợp tiếp tục tạm dừng đến tháng 5 tới, An Giang sẽ còn khoảng hơn 82.000 tấn gạo không giao hàng theo hợp đồng đã ký với các đối tác. Không chỉ dừng lại vấn đề giao hàng, mà nhiều doanh nghiệp sẽ phải gánh thêm chi phí phát sinh hàng tại cảng khi không xuất được gạo.
“Vừa qua, Chính phủ cũng đã cho xuất khẩu, giao Bộ Công Thương và quyết định 1.106 mở tờ khai hải quan, nhưng đều ách tắc, đến lúc mở tờ khai hải quan, nhiều doanh nghiệp chưa hài lòng với việc mở tờ khai Hải quan. Lãnh đạo tỉnh đã thống nhất kiến nghị cho xuất nữa chứ dừng lại ở 400 thì ít quá. Nếu được, Chính phủ giao chỉ tiêu về cho các tỉnh, tỉnh nào gạo nhiều thì cho xuất nhiều, tỉnh nào gạo ít cho xuất ít; sau đó tỉnh sẽ điều hành lại cho các doanh nghiệp như vậy sẽ dễ hơn; ưu tiên những doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn”, ông Lê Văn Nưng cho hay.
Đợt mở tờ khai hải quan điện tử xuất khẩu gạo lúc “nửa đêm” vừa qua, số lượng gạo đã đăng ký là 399.999,73 tấn, trên tổng số 400.000 tấn theo hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4, nhiều doanh nghiệp không thể đăng ký khi gạo đã nằm gần 1 tháng tại cảng, đội theo nhiều chi phí phát sinh.
Để giải quyết vấn đề khó khăn của các doanh nghiệp cần có sự vào cuộc của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Hải quan, chính quyền các địa phương cùng ngồi lại với nhau, cùng rà soát, thống kê cụ thể các doanh nghiệp đang có gạo đang nằm tại cảng để đưa ra những giải pháp hợp tình, hợp lý, tránh thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam./.
VOV