MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điện mặt trời và điện gió đã rẻ đến mức không cần trợ cấp từ các Chính phủ!

30-09-2019 - 19:32 PM | Tài chính quốc tế

Trên những cánh đồng ngập nắng tại Tây Ban Nha và Italy, nhiều trang trại năng lượng mặt trời đang được xây dựng mà không cần đến trợ cấp hoặc các chính sách giảm thuế và vẫn tự tin sẽ có lãi.

Từ nhiều năm nay, điện mặt trời và điện gió luôn bị chế nhạo là những việc làm vô ích lãng phí thời gian và công sức vì quá đắt đỏ và khó có thể phát triển những dự án đó nếu như không có bàn tay trợ giúp của Chính phủ.

Thế nhưng, ngày nay câu chuyện đó không còn đúng nữa. Năng lượng tái tạo đã rẻ đến mức không còn cần đến những sự trợ giúp từng rất cần kíp.

Trên những cánh đồng ngập nắng tại Tây Ban Nha và Italy, nhiều trang trại năng lượng mặt trời đang được xây dựng mà không cần đến trợ cấp hoặc các chính sách giảm thuế và vẫn tự tin sẽ có lãi. Chính phủ Trung Quốc cũng có kế hoạch ngừng hỗ trợ cho các dự án năng lượng mặt trời mới. Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở Mỹ.

Đây là một tin rất đáng mừng đối với nỗ lực giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu. Có tới 25% lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu xuất phát từ quá trình sản xuất điện và làm nóng bằng điện. Khi điện gió và điện mặt trời có thể tự lực cạnh tranh với các nhà máy điện chạy bằng than và khí đốt, những lập luận ủng hộ năng lượng tái tạo sẽ trở nên vững chắc hơn rất nhiều.

Sau nhiều thập kỷ được trợ cấp, điện gió và điện mặt trời đã được triển khai trên quy mô đủ rộng để nâng cao hiệu suất và giảm chi phí. Chi phí sản xuất điện gió đã giảm khoảng 50% kể từ năm 2010 đến nay, trong khi điện mặt trời giảm 85%. Theo Bloomberg, hiện điện gió và điện mặt trời rẻ hơn cả việc xây dựng các nhà máy điện chạy bằng than và khí đốt ở 2/3 số nước trên thế giới.

Điện mặt trời và điện gió đã rẻ đến mức không cần trợ cấp từ các Chính phủ! - Ảnh 1.

Chi phí sản xuất điện gió đã giảm một nửa kể từ năm 2010 đến nay.

Tất nhiên năng lượng sạch vẫn còn 1 chặng đường rất dài ở phía trước để có thể hoàn toàn thay thế than đá và khí đốt. Tính đến năm ngoái điện gió và điện mặt trời chỉ chiếm khoảng 7% tổng lượng điện được sản xuất ra trên toàn thế giới. Và hầu hết các dự án vẫn phải phụ thuộc vào trợ cấp.

Bên cạnh đó còn là vấn đề về thời gian. Điện mặt trời không thể hoạt động về đêm, trong khi những trang trại điện gió cũng ngừng quay khi gió quá yếu. Và mặc dù hệ thống pin đã đủ rẻ để các máy phát dự trữ điện cho nhiều giờ, năng lượng tái tạo vẫn không thể ngay lập tức tạo ra điện như than đá và khí đốt.

Có lẽ không nơi nào trên thế giới chứng kiến xu hướng ngừng trợ cấp cho năng lượng sạch rõ ràng hơn ở Nam Âu. Chỉ trong năm 2019 khoảng 750 megawatt điện tạo ra bởi các dự án năng lượng sạch không cần trợ cấp sẽ hòa vào lưới điện trên khắp Tây Ban Nha, Italy, Bồ Đào Nha và nhiều nơi khác, đủ cung cấp điện cho 333.000 hộ gia đình.

Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha năm ngoái từng nói rằng "cách sản xuất điện rẻ nhất ở Tây Ban Nha chính là năng lượng mặt trời". Tuy nhiên để được như ngày nay nước này cũng phải trải qua con đường không hề dễ dàng. 1 thập kỷ trước, Tây Ban Nha ưu đãi thuế cho các dự án điện mặt trời nhưng đã tạo ra một thời kỳ bùng nổ vượt ngoài tầm kiểm soát và ảnh hưởng tiêu cực đến ngân sách.

Trung Quốc, thị trường năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới, cũng đã duy trì chính sách trợ cấp trong suốt nhiều năm trước khi bắt đầu chuyển sang phương thức tiếp cận mang tính thị trường nhiều hơn. Đầu năm nay, Trung Quốc công bố kế hoạch phát triển 20,8 gigawatt điện sử dụng năng lượng tái tạo phải có lãi nếu bán ngang giá hoặc rẻ hơn điện tạo ra bằng than. Sau năm 2021 hầu hết các trang trại điện gió sẽ không còn được trợ cấp.

Ở Mỹ, bức tranh ít rõ ràng hơn một chút. Gần như mọi dự án điện gió và điện mặt trời ở Mỹ đều vẫn cần đến trợ cấp thông qua chính sách ưu đãi thuế dự kiến sẽ hết hiệu lực trong vài năm tới. Bên cạnh đó còn vài chục bang vẫn áp dụng hạn ngạch về năng lượng tái tạo, buộc các công ty tiện ích phải mua một lượng nhất định điện gió và điện mặt trời.

Tuy nhiên trên các hợp đồng mua bán quãng thời gian để đảm bảo các dự án năng lượng sạch hòa vốn đã rút ngắn từ 20-25 năm xuống còn 15 năm hoặc thậm chí ít hơn.

 

Thu Hương

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên