Mỗi doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch xuất khẩu cụ thể cho từng mặt hàng, từng thị trường mục tiêu, trong đó tăng tính liên kết nâng cao chất lượng và chú trọng đào tạo nguồn nhân lực.
Phục hồi sau đại dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa hiện còn đối diện với nhiều khó khăn, đòi hỏi tính tự chủ cao của mỗi DN về nguồn nguyên vật liệu, công nghệ, chất lượng sản phẩm cũng như tính bền vững trong phát triển xuất nhập khẩu.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký - Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam thông tin, do các tác động của tình hình quốc tế, xuất khẩu da giày sang các thị trường EU, Mỹ đang có sự sụt giảm. Trong khi đó, tồn kho của ngành da giày đang khá lớn và đơn hàng có phần chững lại.
“Thách thức lớn nhất của ngành da giày trong phát triển bền vững khi tham gia các FTA thế hệ mới là phải tuân thủ các yêu cầu, quy định về môi trường và nguồn lao động. Khi thực hiện các cam kết FTA, các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, nhưng các hàng rào phi thuế quan sẽ được dựng lên, vì thế các DN phải chủ động nắm bắt được thông tin để có sự chuẩn bị và có chiến lược hoạt động sẵn sàng, phù hợp”, bà Xuân cảnh báo.