Doanh nghiệp bất động sản kêu khó khăn nhiều bề
Thủ tục rườm rà, nhiêu khê trong việc tính tiền sử dụng đất, phải tiếp các đoàn thanh, kiểm tra... đang làm nản lòng nhiều doanh nghiệp bất động sản...
Thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian thực hiện; khó tiếp cận nguồn vốn; nhiêu khê trong việc tính tiền sử dụng đất, và đặc biệt liên tục phải tiếp các đoàn thanh, kiểm tra... đang làm nản lòng các doanh nghiệp bất động sản.
Trong chuyến thăm và làm việc với một số doanh nghiệp bất động sản ngày 17/4, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ, thị trường được dự báo sẽ nhiều khó khăn. Hiện nay, ngân hàng có xu hướng thắt chặt cho vay bất động sản, đồng thời, lãi suất cho vay tăng cao; ở các thành phố lớn, nhiều dự án đang đình trệ, riêng tại Tp.HCM, năm 2018, số lượng dự án được phê duyệt giảm 67%, giấy phép xây dựng giảm 16% so với năm trước.
Dấu hiệu khủng hoảng của thị trường cũng đã xuất hiện khi sức mua rất mạnh nhưng không có hàng để bán.
Khó khăn xuất phát từ các cơ quan quản lý
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản, nguồn hàng từ các dự án không phải không có, thậm chí có nhiều, nhưng việc đủ điều kiện chào hàng lại đang gặp nhiều khó khăn. Khó khăn này xuất phát từ các cơ quan quản lý. Các dự án đang khẩn trương chào bán để thu hồi vốn, tuy nhiên việc phê duyệt các dự án đủ điều kiện khởi công xây dựng cho đến dự án đủ điều kiện đưa ra thị trường giao dịch, hồ sơ đều đang nằm tại các cơ quan chuyên môn.
Bên cạnh đó, trên cả nước đang có sự rà soát mạnh, nên hàng trăm dự án tại Hà Nội, Tp.HCM phải dừng triển khai, chậm đưa hàng ra thị trường. "Quá trình rà soát, thanh tra càng kéo dài thì càng bất lợi cho doanh nghiệp vì chi phí vốn, lãi vay ngân hàng tăng và mất cơ hội kinh doanh", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM, nhìn nhận.
Khó khăn khác còn đến từ dòng vốn tín dụng, bắt đầu từ Thông tư 36/2014/TT-NHNN, (chính thức được thực hiện từ tháng 1/1/2019) và Quy định về khống chế chi phí lãi vay tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP.
Đây chính là nguyên nhân tác động mạnh và rõ nét khiến nhiều nhà đầu tư hoạt động chững hẳn. Đại diện Tập đoàn CEO phân tích: Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 quy định: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế..." là không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2014, không phù hợp với thực tế, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Công ty HDMon, cho rằng, trong thời gian tới, việc ngân hàng siết chặt tín dụng cho vay, sẽ tạo ra nhiều rào cản lớn đối với doanh nghiệp bất động sản. Nếu doanh nghiệp không có năng lực, không có định hướng rõ ràng sẽ rất khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh chính sách, pháp luật còn chưa rõ ràng, quản lý lỏng lẻo.
Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra quá nhiều, dày đặc khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian đón tiếp cũng như chuẩn bị hồ sơ để giải trình.
Không ít doanh nghiệp khác cũng chia sẻ, họ liên tục phải tiếp những cuộc kiểm tra ở nhiều lĩnh vực. Mỗi lĩnh vực lại được nhiều cấp đến "hỏi thăm", nay là cấp phường, mai cấp quận, cấp thành phố, liên ngành...
"Một trong những vướng mắc nhiều nhất đối với doanh nghiệp bất động sản là có những chính sách chồng chéo, mâu thuẫn, không khả thi và thiếu tính thực tiễn dẫn đến nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán kéo dài 2-3 năm thậm chí "không hồi kết" đã khiến doanh nghiệp bất động sản bất an, rệu rã - ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Đầu tư Nam Long bày tỏ tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Tp.HCM với các doanh nghiệp bất động sản mới đây.
Rủi ro từ "ẩn số" giá đất
Cũng theo phản ánh của các doanh nghiệp, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản tại Việt Nam còn quá nhiều rủi ro. Và rủi ro lớn nhất lại đến từ cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, trong đó có chính sách đất đai. Quá trình tổng kết thực hiện pháp luật về đất đai đã cho thấy có nhiều cái "nhất" trong lĩnh vực này như: nhiều văn bản nhất, tham nhũng, tiêu cực, tranh chấp, phiền hà… nhiều nhất.
Cùng với đó, thủ tục hành chính liên quan đến việc giao đất, xây dựng quy hoạch… ở Việt Nam thực hiện mất từ 2-3 năm nên nhiều dự án khó khăn trong khâu tiếp cận vấn đề đất đai và triển khai chậm tiến độ.
Doanh nghiệp và cả người dân vẫn gặp phải tình trạng nhũng nhiễu khi thực hiện những thủ tục hành chính liên quan về đầu tư kinh doanh bất động sản. Hơn nữa, tính khả thi của một số quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản còn thấp, làm tăng chi phí đầu tư, giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
"Hiện nay, gần như công tác tính tiền sử dụng đất dự án bất động sản trên địa bàn Tp.HCM đều bị chậm trễ. Nhiều hồ sơ tính tiền sử dụng đất kéo dài cả năm nay vẫn chưa giải quyết xong, hoặc bị yêu cầu bổ sung nhiều lần, bị chuyển lòng vòng, không trình được lên Hội đồng thẩm định giá đất và UBND thành phố. Nguyên nhân trực tiếp là một số cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, sợ sai nên có thái độ thụ động, không dám đề xuất chính kiến. Đồng thời, Hiệp hội nhận thấy chưa có "khung cơ chế" về quy trình tính "giá đất cụ thể" theo quy định của Luật Đất đai, phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố, để cán bộ, công chức thực hiện công tác tính tiền sử dụng đất dự án theo "khung cơ chế" này thì yên tâm và được an toàn", ông Lê Hoàng Châu nói.
Thực tế trên đã dẫn tới tình trạng nhiều dự án đã xây dựng xong nhưng không có sổ đỏ cho người dân, nhiều dự án thì xây lên cao rồi nhưng chưa thể bán vì chưa biết tiền sử dụng đất là bao nhiêu để tính đúng đầu ra, đầu vào. Có những doanh nghiệp xin tạm đóng tiền sử dụng đất cũng không được...
"Nhìn chung, tôi cho rằng thị trường sẽ khắc nghiệt hơn và các doanh nghiệp bất động sản sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Bởi đất trong nội thành gần như không còn, giá đất thì ngày càng tăng cao khiến việc tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp sẽ ngày càng khó. Chưa kể đến tiền đất phải nộp ngay, thường chỉ là 2-3 lần phải nộp hết, tạo gánh nặng và làm cạn vốn các doanh nghiệp bất động sản vì lúc chưa bán được nhà vẫn phải lo tiền xây dựng, tiền đất cùng một lúc.
Hơn nữa, cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển bất động sản, trong đó có chính sách thắt chặt tín dụng, hay nghị định 20 về chi phí lãi vay, thủ tục pháp lý liên quan đến thực hiện Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản chặt chẽ, thậm chí phức tạp hơn... khiến phát sinh nhiều chi phí cả về thời gian lẫn tiền bạc... Bên cạnh đó, yêu cầu của người mua nhà cũng ngày càng khắt khe nên đầu ra sẽ không dễ. Điều này đòi hỏi các chủ đầu tư phải nghiên cứu kỹ thị trường trước khi triển khai dự án, phải đầu tư nhiều hơn, chỉn chu, cẩn trọng hơn nhưng hệ số sinh lời lại thấp đi", ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest nhận định.
Vneconomy